Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 13/5 về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), một số ĐBQH đề nghị nên một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), trong đó có cả ý kiến đồng tình của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An. Nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị chỉ 1 chương trình và 1 bộ SGK với lo ngại "nhiều sẽ làm loạn SGK". Sau cuộc họp này, Ủy ban Thường vụ QH đã phát phiếu thăm dò ý kiến ĐB thì có tới 203 ý kiến (chiếm tỷ lệ 61,14%) tán thành phương án 2 và 121 ý kiến ĐB tán thành phương án 1. Do đó, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo chỉnh lý dự án luật theo phương án 1 chương trình - 1 bộ sách, để "rút kinh nghiệm, khi có điều kiện sẽ áp dụng một chương trình với nhiều bộ SGK".
Cũng với phương pháp thăm dò ý kiến về vấn đề bỏ hay không bỏ kỳ thi trung học cơ sở, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã yêu cầu Ban soạn thảo chỉnh lý dự luật theo hướng bỏ kỳ thi này (do có 83,43% ý kiến ĐB tán thành). Tên gọi của các cấp học phổ thông vẫn được giữ nguyên theo đề nghị của 45,48% số ĐB tán thành (dù có tới 43,97% ý kiến đề nghị đổi tên gọi các cấp học phổ thông hiện nay thành: cấp 1, cấp 2 và cấp 3). Ban soạn thảo cũng đã tiếp thu ý kiến quy định rõ hệ thống giáo dục quốc dân có cả hệ thống giáo dục sau đại học.
Các đại biểu nghiên cứu dự thảo Luật Giáo dục. ảnh: L.Q.P |
* Một trong những điểm tiếp thu và làm thay đổi lớn nội dung của Luật Kiểm toán nhà nước so với dự thảo ban đầu chính là "kết luận kiểm toán ngân sách được công bố công khai trên báo chí", và "kiến nghị của kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện (khi đã được cơ quan hoặc người có thẩm quyển chấp nhận)". Báo cáo từng cuộc kiểm toán theo vụ việc cũng được công bố công khai. Luật Kiểm toán nhà nước được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2006.
Mạnh Quân
Bình luận (0)