Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua việc sửa đổi Hiến pháp - Ảnh: Ngọc Thắng |
Phát biểu trước khi Hiến pháp được thông qua với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng hai lần khẳng định bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể hiện rõ được ý Đảng, lòng dân. Cũng theo Chủ tịch QH, QH hiểu rằng một bộ phận, một số người thuộc các tầng lớp nhân dân chúng ta, ngay cả một số vị ĐBQH, cũng còn ý kiến khác ở một vài điều khoản. Tuy nhiên, theo ông, tuyệt đại bộ phận nhân dân và QH có thể khẳng định là đã đồng tình cao với dự thảo thông qua lần này. “Đây là bản Hiến pháp đổi mới cho thời kỳ mới của đất nước chúng ta”, ông Hùng tái khẳng định.
Vẫn thu hồi đất phục vụ phát triển KT-XH
|
Theo bản Hiến pháp sửa đổi được QH thông qua, một số nội dung trước đó còn nhiều ý kiến khác nhau như hiến định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, hay thu hồi đất phục vụ mục đích KT-XH cũng được bảo lưu.
Lý giải nguyên nhân không bỏ quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” tại điều 51 như một số ý kiến đề nghị, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, đại diện Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (ủy ban), báo cáo: “Để bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta thì việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là cần thiết. Quy định như vậy không ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường và vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế khác. Mặt khác, kinh tế nhà nước là một phạm trù rộng, bao gồm nhiều yếu tố, nguồn lực, trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ là một trong nhiều yếu tố đó. Do vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng không cần thiết phải quy định chi tiết về kinh tế nhà nước trong dự thảo. Việc xác định nội hàm kinh tế nhà nước sẽ được cụ thể trong các đạo luật liên quan”.
Về thu hồi đất quy định tại điều 54, báo cáo nêu đa số ý kiến đồng ý với quy định tại điều 54 của dự thảo; đồng thời, có ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn yêu cầu nhà nước chỉ thu hồi đất cho việc phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo ông Lưu, ủy ban thấy rằng, trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH. Tuy nhiên, phải tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện. “Do đó, ủy ban đề nghị QH cho giữ quy định về thu hồi đất để phát triển KT-XH nhưng thể hiện lại cho gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng như đã thể hiện tại khoản 3 điều 54 của dự thảo”, ông Lưu lý giải.
QH quyết định quyền phúc quyết của dân
Trong việc sửa đổi Hiến pháp, báo cáo giải trình của ủy ban nêu: có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân. Ý kiến khác đề nghị không quy định thẩm quyền của QH trong việc quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Tuy nhiên, ủy ban bảo lưu quy định: “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do QH quyết định”. “Trưng cầu ý dân về Hiến pháp là việc hệ trọng nên cần phải được cân nhắc một cách toàn diện, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của nước ta”, ông Lưu nhấn mạnh.
Theo toàn văn nội dung Hiến pháp được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình tại phiên họp sáng qua, Hiến pháp sửa đổi gồm 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992.
Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp đã được QH biểu quyết thông qua, với 100% ĐBQH có mặt tán thành, quy định: Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.1.2014 và được công bố chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày thông qua.
Bảo Cầm
>> Gần 100% đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua Hiến pháp
>> Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp
Bình luận (0)