Quốc hội thông qua luật Giáo dục sửa đổi, quyết một chương trình nhiều sách giáo khoa

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/06/2019 10:43 GMT+7

Sáng nay, 14.6, với 91,53% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua luật Giáo dục sửa đổi.

Giao ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn sách giáo khoa

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14.6, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, có ý kiến đề nghị quy định sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định, lâu dài; có ý kiến đề nghị giao hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa; có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền cho Chính phủ hoặc Thủ tướng thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đa số đại biểu đồng ý pháp điển hóa Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội XIII về: có một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học, giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành sách giáo khoa sử dụng trong cả nước.
Về thẩm quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, dự thảo luật giao ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Về Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Bình cho hay, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã quy định cụ thể về thành phần hội đồng, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Trên cơ sở quy định cụ thể về thành phần, cơ cấu này, việc giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo từng môn học ở từng cấp học, để thẩm định sách giáo khoa và chịu trách nhiệm về sách giáo khoa là phù hợp nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo chứ không quy định giao cho Chính phủ hay Thủ tướng quy định như đề nghị.

Miễn học phí trung học cơ sở theo lộ trình

Dự thảo luật vừa thông qua cũng quy định, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí.
Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Trẻ em mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.
Trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng nêu trên và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, có ý kiến đại biểu đề nghị xem xét quy định giao hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của luật Ngân sách nhà nước, luật Đầu tư công, luật Tổ chức chính quyền địa phương, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc sử dụng ngân sách tại địa phương, do đó, sẽ có thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí. Còn việc bảo đảm hợp lý giữa các địa phương, hỗ trợ các địa phương khó khăn, cũng như khuyến khích các địa phương có tiềm năng phát triển sẽ được xem xét trong quá trình phân bổ ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm

Về quy định liên quan tới nhà giáo, dự thảo luật thông qua quy định trình độ chuẩn giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật cũng bổ sung quy định cho phép trong trường hợp môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Về lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên, Ủy viên Thường vụ Quốc hội đề không quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi, linh hoạt, không làm xáo trộn, không gây áp lực và ảnh hưởng đến giáo viên.
Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1.7.2020
Chưa công nhận hình thức tự học tại gia đình
Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, có đề nghị bổ sung quy định ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Hiến pháp chưa quy định về ngôn ngữ thứ 2.
Bên cạnh đó, về đối ngoại, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, việc dạy học ngoại ngữ đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo rất chú trọng, tôn trọng sự lựa chọn của người học. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung vào dự thảo quy định này.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về hình thức tự học tại gia đình, song đây là một chính sách mới, chưa được thí điểm tại Việt Nam nên cần được tổng kết, đánh giá nên chưa quy định vào luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.