Quốc vương Kuwait vĩnh biệt thần dân

15/01/2006 23:13 GMT+7

Quốc vương Kuwait Jaber Al Ahmed Al Sabah từng 2 lần may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần: lần thứ nhất, một kẻ ám sát lao xe chở bom vào đám rước của hoàng gia và lần thứ hai là khi Iraq xâm lăng Kuwait. Nhưng đến ngày 15/1/2006 thì ông đã phải đầu hàng thần chết ở tuổi 79.

Nhỏ bé, ít dân và... giàu có

3 tính từ trên mô tả chính xác tình trạng của đất nước nằm ở vùng Vịnh là Kuwait. Với diện tích chỉ vào khoảng 17.800 km2, Kuwait nằm lọt thỏm giữa 3 ông láng giềng khổng lồ và nhiều ảnh hưởng: Ả Rập Xê Út, Iran và Iraq. Nhìn trên bản đồ, Kuwait chỉ là một chấm nhỏ bé rất khó tìm. Ở phương diện dân số, Kuwait cũng "nghèo": 2,7 triệu, trong đó chưa đầy 1 triệu là người Kuwait  bản địa. Số còn lại là người nước ngoài. Không có đủ người, Kuwait gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ bờ cõi của mình và phải phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ. Không chỉ trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990 - 1991 Kuwait mới cần đến Mỹ đem quân cùng những khí tài hiện đại sang hất cẳng Iraq mà bây giờ họ vẫn cần Mỹ, nước đang đóng một vai trò rất lớn trong công tác quốc phòng của Kuwait. Đổi lại, đất nước nhỏ bé này là một nơi trung chuyển chính cho lính Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq hiện nay.

Theo luật ở Kuwait, sau khi quốc vương qua đời, Thái tử Sabah al-Salem al-Sabah lên trị vì đất nước. Tuy nhiên, ông này đã 75 tuổi và  cũng thường xuyên đau ốm. Tháng 11/2005, chính quyền Kuwait đã bác bỏ việc thái tử rút lui.
Nhỏ bé và ít dân nhưng Kuwait lại là một ông khổng lồ nếu tính ở phương diện giàu có. Đó là quốc gia có thu nhập bình quân thuộc loại nhất thế giới. Số liệu từ Ngân hàng thế giới (WB) trong năm 2005 cho thấy tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người ở đất nước này lên đến 17.970 USD. Không có bí quyết nào ở đây, tất cả chỉ gói gọn trong 2 từ: vàng đen. Kuwait,  một trong những nước sáng lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chiếm khoảng 10% trữ lượng dầu mỏ trên khắp thế giới. Dầu mỏ chiếm đến 90% doanh thu từ xuất khẩu của Kuwait. Và như một quy luật bất di bất dịch, ít nhất là cho tới nay, nắm dầu mỏ cũng đồng nghĩa với nắm quyền lực trong tay.

"Tôi chỉ muốn một túp lều nhỏ!"

Có một sự không thống nhất về tuổi tác của vị Quốc vương Jaber. Khi ông qua đời hôm qua, các nguồn tin khác nhau công bố tuổi tác của ông cũng không giống nhau: dao động từ 77 đến 79 tuổi. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Quốc vương Jaber đã rất yếu và hầu như đã giao hết quyền lực cho người em chú bác của mình - Thái tử Sabah al-Salem al-Sabah - từ 5 năm trước, sau một cơn xuất huyết não.


Một trong những giây phút cảm động nhất đời ông: trở về quê hương sau cuộc chiến vùng Vịnh (ảnh: BBC)
Dù dòng họ Sabah đã thống trị vương triều Kuwait suốt hơn 250 năm nay nhưng triều đại của Jaber cũng lắm thăng trầm. Có lẽ sự kiện làm ông phải đau đớn nhất trong gần 29 năm trị vì của mình là cuộc tháo chạy vội vàng sang nước láng giềng Ả Rập Xê Út để lưu vong. Năm 1990, trước cuộc đổ bộ ào ạt của đạo quân Iraq với chỉ thị từ Tổng thống Saddam Hussein: bắt hoặc giết chết Jaber, Quốc vương Jaber đã phải chạy xe hơi sang Ả Rập Xê Út. Đi cùng ông là phần lớn trong số 70 đứa con của ông và hàng chục thành viên cao cấp trong hoàng gia. Một sự kiện khác làm vị Quốc vương này phải lo lắng là cuộc ám sát bất thành năm 1985. Một dân quân Hồi giáo đã định giết chết ông bằng một chiếc xe chất đầy bom nhưng lần đó thần chết đã... chê ông. Kể từ đó về sau, ông bỏ thói quen tự lái xe đi đến những khu chợ dân dã đông đúc.

Sinh ra trong nhung lụa nhưng Jaber luôn tỏ ra là một người khiêm nhường, biết lắng nghe và không ưa thích sự xa xỉ. Trong thời gian sống lưu vong ở Ả Rập Xê Út, ông thường bộc bạch: "Tôi chỉ muốn một túp lều nhỏ trên quê hương tôi. Tôi không muốn dinh thự hay sự xa xỉ". Quả thật, dinh thự của ông trên quê hương, dù rộng lớn nhưng trông không giống cung điện của một ông vua giàu mỏ tí nào. (Theo BBC, AP, ABC)

Kiều Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.