Quy chế kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ

27/02/2015 08:28 GMT+7

Hôm qua (26.2), Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Quy chế thi THPT và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. So với dự thảo công bố trước đây, quy chế chính thức có nhiều điểm mới.

Hôm qua (26.2), Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Quy chế thi THPT và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. So với dự thảo công bố trước đây, quy chế chính thức có nhiều điểm mới.
 
Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) trong giờ ôn tập chiều 26.2 trước khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế chính thức - Ảnh: Minh LuânHọc sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) trong giờ ôn tập chiều 26.2 trước khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế chính thức - Ảnh: Minh Luân
30.4 là hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký dự thi
Quy chế cũng quy định hạn cuối đăng ký dự thi trước ngày 30.4 hằng năm. Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh (TS) phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường phổ thông hoặc thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.
Giám đốc sở GD-ĐT xem xét môn thi thay thế ngoại ngữ
Quy chế quy định: kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi 8 môn: toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do TS tự chọn trong các môn thi còn lại.
TS không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được giám đốc sở GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép TS chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TS dự thi 4 môn quy định đối với xét công nhận tốt nghiệp THPT và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TS đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà TS có nguyện vọng.
Được phép mang Atlat địa lý vào phòng thi
Quy chế quy định TS chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý VN đối với môn thi địa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục VN ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì); các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
Vẫn giữ thang điểm 10
Quy chế chính thức vẫn quy định điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10 (không thay đổi thành thang điểm 20 như dự thảo công bố trước đó). Việc chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ. Bài thi tự luận và trắc nghiệm đều được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.
Tính điểm tối đa khi được miễn thi ngoại ngữ
Quy chế quy định về miễn thi môn ngoại ngữ. Theo đó, đối tượng miễn thi bao gồm: thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ.
Quy chế cũng nêu rõ: TS được miễn thi môn ngoại ngữ được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT. TS không sử dụng quyền được miễn thi môn ngoại ngữ thì phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT như TS không được miễn thi.
Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định việc sử dụng hay không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Trường ĐH, CĐ quy định điểm trúng tuyển
Quy chế quy định, các trường tổ chức xét tuyển đối với những TS đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ. Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Tổ chức nhận và trả hồ sơ đăng ký xét tuyển của TS theo nguyện vọng. Các trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành, nhóm ngành của trường.
Mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả
TS dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1. TS đã trúng tuyển nguyện vọng 1 không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, TS được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
TS dùng 3 bản chính giấy chứng nhận kết quả thi cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, TS không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.
Hai loại cụm thi
Quy chế nêu rõ: Bộ tổ chức cụm thi, gồm: Cụm thi cho các TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ tổ chức thi cho TS của ít nhất 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT. Cụm thi cho các TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở chủ trì, phối hợp với trường ĐH.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển
- Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép TS đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
- Bản chính giấy chứng nhận kết quả thi tương ứng với đợt xét tuyển (nguyện vọng 1 hay nguyện vọng bổ sung).
- Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của TS để trường thông báo kết quả xét tuyển.
Đề thi vừa cơ bản, vừa nâng cao
Quy chế nêu rõ đề thi phải đạt các yêu cầu: Đảm bảo phân loại được trình độ của TS, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ); đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng. Đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi.
Ý kiến:
Giữ lại thang điểm 10 là hợp lý
Việc giữ lại thang điểm 10 sẽ giúp giáo viên và học sinh không cảm thấy bỡ ngỡ. Đây là điểm tốt vì tránh cho học sinh phải gặp quá nhiều sự thay đổi cho một kỳ thi quan trọng. Đồng thời Bộ quy định điểm liệt là 1 cũng hợp lý chứ nếu là 2 điểm như dự thảo thì quá nặng đối với học sinh. Dù Bộ đã ban hành quy chế và thông tin cấu trúc đề thi tương tự đề thi ĐH các năm trước nhưng thật sự học sinh mong muốn Bộ công bố một số đề mẫu để học sinh yên tâm hơn.
Trần Văn Quang
(giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM)
Tăng cơ hội xét tuyển
Nếu dự thảo trước đây, việc xét tuyển lần lượt 4 nguyện vọng thì nay chỉ có nguyện vọng 1 là “cứng”. Điều này hợp lý vì nó thay cho nguyện vọng đăng ký dự thi vào một trường cụ thể như các năm trước. Việc cho phép TS dùng 3 giấy chứng nhận kết quả thi nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 để nộp vào 3 trường khác nhau cho thấy độ “thoáng” hơn của quy chế.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa
(Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)
Băn khoăn cấu trúc đề thi
Quy chế mà Bộ vừa ban hành có 2 điểm: giữ lại thang điểm 10 và cho TS mang Atlat địa lý vào phòng thi phù hợp, thỏa lòng mong đợi của phụ huynh và học sinh. Đồng thời với các thông tin chính thức này giúp ổn định tâm lý của học sinh đang học lớp 12. Tuy vậy, điều tôi băn khoăn hiện nay chính là cấu trúc đề thi ra như thế nào? Đề thi năm nay chắc chắn sẽ khó hơn đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước, vậy thì những học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT sẽ khó lòng đạt điểm cao.
Nguyễn Thanh Hùng
(Phó hiệu trưởng Trường phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Phù hợp thực tế, thuận lợi cho thí sinh
Những điều chỉnh trong quy chế chính thức Bộ ban hành là hợp thức hóa các điều đã bàn luận trong thực tế thời gian qua, phù hợp thực tế và thuận lợi hơn cho TS. Trong đó, thấy rõ nhất là quy định cho phép TS nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 được sử dụng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào 3 trường khác nhau.
PGS-TS Đỗ Văn Xê
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ)
Lo ngại cho thí sinh tự do
Xem toàn bộ thông tin về quy chế, tôi rất vui vì những thông tin chính thức này đều có lợi cho TS. Điều tôi băn khoăn là những TS tự do. Với đề như năm trước, TS còn rớt, nếu đề năm nay khó hơn thì làm sao các bạn đậu nổi. Mong là cấu trúc đề thi sẽ phân hóa, phù hợp với từng đối tượng TS.
Bùi Gia Hiếu
(Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM)
Mong Bộ ban hành đề thi mẫu
Quy chế quy định nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 nhưng cấu trúc đề thi ĐH các năm trước bao quát cả chương trình lớp 10, lớp 11. Vì vậy rất mong Bộ ban hành một số đề thi mẫu để học sinh nắm chắc thông tin.
Thái Vĩnh Khang 
(Học sinh Trường THPT Trí Đức, TP.HCM)
Trường ĐH tốp dưới và CĐ sẽ khó khăn
Quy chế không quy định rõ ràng thời gian xét tuyển và có bao nhiêu đợt xét tuyển. Nếu như vậy thì các trường ĐH tốp dưới và các trường CĐ sẽ rất bị động và khó khăn. Vì ngay sau khi có kết quả thi, TS sẽ nộp ào ào vào các trường tốp trên trước. Đồng thời, khi kết thúc xét tuyển nguyện vọng bổ sung, TS biết mình không đậu mới bắt đầu rút hồ sơ nộp vào trường khác, trong khi trước đây TS chỉ được rút trong thời gian xét tuyển. Điều này có lợi cho TS nhưng sẽ vất vả hơn cho các trường ĐH tốp dưới và CĐ.
Tiến sĩ Lê Trung Đạo
(Phó hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính Hải quan)
H.Ánh - M.Quyên - M.Luân - B.Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.