Quỹ của niềm tin và tình đoàn kết

Nguyên Nga
Nguyên Nga
14/10/2021 12:32 GMT+7

“Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, tạo nên một Việt Nam chiến thắng…”.

Lời “hiệu triệu” trên của Thủ tướng Chính phủ tại buổi ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 vào đầu tháng 6 đã không chỉ khiến hàng triệu người dân trong nước mà cả kiều bào ở nước ngoài ngập tràn xúc động. Một điều gì đó thiêng liêng, ấm áp, bình dị và thấm đẫm nhân văn lan tỏa khắp nơi. “Đấy là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin…”, viết trên facebook cá nhân, một bác sĩ trẻ ở Đồng Nai nhận xét đó là thông điệp hàm chứa ý nghĩa lớn lao, bởi chỉ có sự đoàn kết, có niềm tin mới tạo nên sức mạnh dân tộc để chúng ta chiến thắng “giặc Covid-19”. Để rồi sau lời “hiệu triệu” ấy, sức lan tỏa của quỹ thực sự mạnh mẽ. Đã có nhiều câu chuyện cảm động, đầy nhân văn được kể lại xung quanh việc ủng hộ quỹ với niềm tin tuyệt đối rằng, cuộc sống sẽ sớm an yên hạnh phúc.

Những tấm lòng thơm thảo

Anh Nguyễn Phúc Tài (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết anh có con 8 tuổi, học lớp 3. Hôm xem truyền hình trực tiếp lễ thành lập Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, anh đã nói chuyện với con nhiều về sự nguy hiểm của bệnh dịch, về Quỹ vắc xin và khuyến khích con dành dụm tiền để đóng góp vào quỹ như sự hiểu biết và chia sẻ của con với xã hội. “Đến ngày 16.6 là sinh nhật cháu, đang nghỉ hè nên buổi sáng tôi hay đưa con ra biển chơi. Tôi nói chiều tối nay sẽ tổ chức sinh nhật cho cu Bin (tên thân mật của con trai), Bin thích quà gì, cháu nói thích bộ lego hơn 1.000 mảnh, lắp ráp được con robot, máy bay phản lực, tàu ngầm… giá 699.000 đồng. Đến chiều hai ba con chở nhau ra nhà sách, trên đường đi tôi lại nói với cháu về tình hình dịch đang diễn ra ở Bắc Giang, Bắc Ninh… Tôi nói nhiều người cha mẹ phải chấp nhận để con cái ở nhà, vào hẳn trong nhà máy ở để làm việc nhằm phòng ngừa dịch. Bất giác, cháu bảo thôi đừng đi mua nữa, để tiền đó đóng vào Quỹ vắc xin chống con Corona đi. Tôi khá bất ngờ khi cháu đưa ra đề nghị đó và cũng gợi ý có thể vừa mua đồ chơi cho con, vừa ủng hộ quỹ, nhưng cháu nói dứt khoát “Covid-19 khiến nhiều người chết quá, thôi mình đừng chơi cũng được”. Hai ba con dừng ngay bên đường, vừa chuyển khoản giúp con mà trong lòng tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Cu Bin rất vui nếu không nói là cháu còn tỏ ra như “chuyên gia” khi giải thích về dịch và hướng dẫn cho mấy anh chị họ trong nhà cách phải chuyển tiền ủng hộ quỹ thế nào…”, anh Tài kể.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chụp ảnh lưu niệm cùng các cá nhân, tổ chức ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 trong buổi lễ ra mắt quỹ

gia hân

Cu Bin là một trong nhiều đứa trẻ cho rằng, nếu có tiền mua được càng nhiều vắc xin thì sẽ sớm diệt được con vi rút Corona, để em và các bạn có thể đi chơi, đi học mà không phải lo lắng gì. Và để có tiền góp vào Quỹ vắc xin, mỗi bé có một cách tiết kiệm khác nhau. Như Trần Ngọc Minh Châu, học sinh lớp 4 tại Q.Tân Bình (TP.HCM), sau nhiều tháng tiết kiệm từ tiền mẹ thưởng khi giúp việc nhà như gấp áo quần, hút bụi sàn nhà, xếp kệ sách, đi đổ rác… đến cuối tháng 7 em đã nhờ mẹ chuyển vào quỹ 580.000 đồng...

Sức lan tỏa về Quỹ vắc xin cũng tác động đến không ít người lớn tuổi. Giữa tháng 6 vừa qua, sau khi họp bàn trong họ tộc, cụ Ngô Văn Huỳnh (99 tuổi đời, 75 tuổi Đảng, sống ở TP.Huế) mang hết 6 triệu tiền quỹ làm chạp giỗ của họ góp vào Quỹ vắc xin với tâm nguyện theo lời Bác Hồ nói năm xưa là “việc gì có lợi cho dân thì cố sức mà làm”. Còn ông Lê Văn Huỳnh ở Ninh Bình, chuyên bán nước chè bên vỉa hè, dành dụm được 20 triệu đồng mang hết đi đóng vào quỹ chỉ vì “rất xúc động với lời kêu gọi của Chính phủ”…

Xưa, Bác Hồ có câu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Với triết lý giản dị đó, Chính phủ đã phát động lập Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 vào cuối tháng 5, đến cuối tháng 6, quỹ đã thu về được hơn 7.800 tỉ đồng. Thậm chí, ngay trong 2 tháng dịch bệnh lan rộng nặng nề tại TP.HCM và các tỉnh phía nam, quỹ vẫn tiếp tục tăng gần 1.000 tỉ đồng, lên 8.662 tỉ đồng, tính đến 17 giờ ngày 13.9… Số tiền đó là đóng góp từ những tấm lòng thơm thảo như cu Bin, bé Minh Châu, cụ Huỳnh, đến những công chức, viên chức, công nhân tiết kiệm ngày lương chuyển vào quỹ, kiều bào ở nước ngoài... Trong khi chúng tôi thực hiện bài viết này, trên website quyvacxincovid.gov.vn danh sách và số tiền đóng góp vẫn liên tục được cập nhật. Đó là Vương Gia Bảo ủng hộ 50.000 đồng, Lê Thị Thư 1 triệu đồng, Nguyễn Thái Duy Anh 20.000 đồng, Phạm Thị Vân 10,062 triệu đồng… và có không ít tên người nước ngoài như Szilvia Kalogeropoulu 500.000 đồng, Miceala Odonovan 150.000 đồng, Lee Jaehyun của The Boyz 1,309 triệu đồng…

Sự xả thân của các “anh hùng thời bình”

Tuy nhiên, để có được một quỹ vắc xin hàng nghìn tỉ đồng và có sức lan tỏa mạnh mẽ chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vậy, phải kể đến những đóng góp quý báu, nhanh và có giá trị lớn từ hàng chục tỉ lên hàng trăm tỉ đồng của các doanh nghiệp, doanh nhân mà nhiều người trong đó được ví như những “anh hùng thời bình”. Ngay sau lời “hiệu triệu” của Thủ tướng Chính phủ, trong danh sách cập nhật đóng góp từ 100 - 500 tỉ đồng của quỹ, ngoài những tập đoàn doanh nghiệp nhà nước lớn như dầu khí, điện lực, bưu chính viễn thông… còn có những tên tuổi doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam như Golf Long Thành 500 tỉ đồng, Vingroup 480 tỉ đồng, Tập đoàn Tuần Châu 210 tỉ đồng (trong đó, bản thân ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch tập đoàn, đã đóng góp 100 tỉ đồng), T&T Group 120 tỉ đồng, Novaland Group 100 tỉ đồng... Kế đó, mức đóng góp 60 tỉ đồng có Tập đoàn Masan, 50 tỉ đồng có Thép Hòa Phát…

Phút thư giãn của công nhân tại nhà nhà máy “3 tại chỗ”

Đào Ngọc Thạch

Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành dùng hai chữ “xả thân” khi nói về những “anh hùng thời bình” này. Đó là hành động xả thân vì đất nước, không đơn thuần là đóng góp, hỗ trợ nữa. Bởi trong 2 năm đại dịch khó khăn, những “chiến binh” này vẫn đóng góp hàng triệu USD để mua máy thở, máy xét nghiệm, rồi góp quỹ vắc xin... Tuy nhiên, những con số trên vẫn chưa vẽ hết bức tranh tinh thần xả thân vì đất nước trong 2 năm diễn ra đại dịch của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Trước khi đóng 480 tỉ đồng vào Quỹ vắc xin, Tập đoàn Vingroup đã nhập 30 máy xét nghiệm và vật tư xét nghiệm có tổng giá trị hơn 460 tỉ đồng để tài trợ cho ngành y tế. Trong tháng 5, cũng chính tập đoàn này công bố tặng 4 triệu liều vắc xin cho chương trình phòng chống dịch của Chính phủ, trị giá khoảng 1.800 tỉ đồng. Tính từ đầu mùa dịch, tổng số tiền Vingroup hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và vắc xin… đã lên đến khoảng 4.500 tỉ đồng. Thế nhưng, khi trả lời báo chí, đại diện tập đoàn này, ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch, chỉ nói một câu ngắn gọn: Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp! Quan trọng nhất lúc này là chung tay, góp sức cùng Chính phủ chống dịch.

Đầu tháng 8, cũng Vingroup đã đàm phán chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 từ công ty ở Mỹ. Hiện vắc xin ngừa Covid-19 ARCT-154 của Vingroup đang được thử nghiệm lâm sàng, dự kiến đầu năm 2022 sẽ đưa ra thị trường những lô vắc xin đầu tiên. Hay Tuần Châu với du lịch nghỉ dưỡng đều bị thiệt hại doanh thu nặng nề, nhưng ông Đào Hồng Tuyển, chủ tập đoàn này, nêu rõ quan điểm trước thảm họa đại dịch toàn cầu, doanh nhân phải có tấm lòng và trách nhiệm, đóng góp công sức vì sức khỏe cộng đồng, vì quốc gia dân tộc. Tương tự là tập đoàn SunGroup, hoạt động chính lĩnh vực du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, gần 2 năm không có doanh thu từ du lịch nhưng ngay đầu đợt dịch lần thứ 4 này đã chi hàng ngàn tỉ đồng hỗ trợ Chính phủ phòng chống dịch, làm các trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19.

Điểm son về sự đồng lòng của người dân

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Việt kiều Đức, chuyên gia thương mại khối EU, đánh giá Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 do Chính phủ Việt Nam khởi xướng là điểm son cho niềm tin, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát. Ông nhấn mạnh: “Sâu xa hơn, người Việt có truyền thống là khi hoạn nạn khó khăn luôn nêu cao tinh thần đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau. Văn hóa này được khơi gợi và phát triển mạnh mẽ. Đáng trân trọng, nhiều doanh nghiệp hỗ trợ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng vào quỹ ngay tại thời điểm họ hiểu rất rõ mình đang đứng trước bão, đối diện với bão. Họ cũng hiểu một ngày nào đó có thể phải đóng cửa doanh nghiệp vì công nhân bị nhiễm dịch. Họ cũng hiểu khi đại dịch xảy ra, phải tự thân vận động, tự lực tự cường cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nên tiền là rất quan trọng. Nhưng họ vẫn hưởng ứng không có chút tính toán. Không chỉ những doanh nghiệp lớn, các hộ kinh doanh cá thể, những bà bán phở, ông bán nước chè vỉa hè... đã, đang rơi vào tình cảnh khó khăn do phải nghỉ bán suốt nhiều tháng, buôn bán ậm ạch suốt gần 2 năm dịch bệnh, nhưng nay họ vẫn đóng góp những đồng tiền mồ hôi nước mắt, những đồng dành dụm lâu nay. Đó là điều đáng trân quý, đó mới chính là thành công không ở đâu có được của Quỹ vắc xin Việt Nam”.

Từ đó, ông Lâm kiến nghị trong nỗ lực phải tiêm phủ vắc xin cho toàn dân, với những doanh nghiệp đã đóng góp tiền vào Quỹ vắc xin, Chính phủ có thể có chính sách ưu tiên cho nhân viên, công nhân của các doanh nghiệp này tiêm phủ gấp để nhanh chóng đưa họ trở lại quỹ đạo sản xuất, kinh doanh; đặc biệt với những doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn, trong khu công nghiệp… “Quan trọng nhất là giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, vực dậy nền kinh tế. Chính phủ cũng cần có chính sách ưu đãi rõ ràng với những doanh nghiệp có đóng góp lớn vào quỹ, miễn thuế 100% tiền đóng góp phòng chống dịch, miễn giảm, giãn thuế các loại trong năm tới… Phải công bố chính sách ưu tiên rõ ràng đối với doanh nghiệp có đóng góp lớn vào phòng chống dịch. Điều này có ý nghĩa tinh thần rất lớn và doanh nghiệp hiểu sự xả thân của mình khi đồng hành với Chính phủ được ghi nhận”, ông Lâm chia sẻ và gợi ý việc kiểm soát dòng tiền mua vắc xin cần được minh bạch, nên có đại biểu Quốc hội vào trong nhóm kiểm soát nhằm bảo đảm tính công bằng cho những nhà hảo tâm và người dân. “Tiền của quỹ vắc xin nên minh bạch, nếu không minh bạch thì có lỗi với những người đóng góp và với người dân. Quỹ vắc xin liên quan đến vấn đề lớn hơn là an sinh xã hội. Thiết nghĩ, khi mở quỹ, nếu mở rộng ra là an sinh xã hội, bình yên sức khỏe cho người dân trong đại dịch và hướng đến lưới an sinh thì Quỹ vắc xin sẽ có hiệu quả “đầy đặn” hơn”, ông nói tiếp.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, một kế hoạch mang tính dự báo tầm quốc gia cần được xem xét từ năm sau, đặc biệt là dự báo về vắc xin phải được thực thi nghiêm túc và liên tục. Trong đợt dịch Covid-19, các nước ban đầu hầu hết đều chống dịch loạng choạng, các nước phát triển còn đả phá chuyện đeo khẩu trang. Khi nhiều nước đang chìm trong cảnh tang thương vì dịch thì Việt Nam lại bình yên. Nay, dịch đến khu vực Đông Nam Á chậm hơn và chúng ta đang bị cuốn vào vòng xoáy dịch phức tạp. Thế nên, rút kinh nghiệm từ thực tế, ta phải có dự báo dựa trên dữ liệu khoa học. Cục Dự trữ quốc gia ngoài dự trữ lương thực, ngân khố để ngừa thiên tai, nay cần đưa vào mục phòng chống dịch và vắc xin.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và văn hóa chia sẻ cộng đồng

Việc đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 có 2 yếu tố tích cực. Đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gắn với hoạt động kinh doanh, thương hiệu và hình ảnh của họ trong xã hội. Kinh doanh ngày nay không thuần túy là tài chính, cạnh tranh thị trường mà người ta đánh giá cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với môi trường của doanh nghiệp đó. Thế nên, trách nhiệm với xã hội của mỗi doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Thứ hai, người Việt có văn hóa khác các nước phương Tây là văn hóa cộng đồng, chia sẻ. Trong khốn khó, luôn sẵn lòng chia sẻ, cưu mang và ủng hộ hết mình. Họ bảo đó là trách nhiệm của họ với xã hội, nhưng sâu xa là xuất phát từ văn hóa cộng đồng trong đó. Mọi đóng góp đưa vào quỹ chung do nhà nước quản lý. Chính phủ đã rất thành công khi trong giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp, kêu gọi và nhận được sự đồng hành tuyệt vời như vậy. Thế nên, vấn đề còn lại của Quỹ vắc xin là cần minh bạch và sử dụng từng đồng quỹ thế nào hiệu quả nhất.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Người Việt có truyền thống là khi hoạn nạn khó khăn luôn nêu cao tinh thần đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau. Văn hóa này được khơi gợi và phát triển mạnh mẽ. Đáng trân trọng, nhiều doanh nghiệp hỗ trợ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng vào quỹ ngay tại thời điểm họ hiểu rất rõ mình đang đứng trước bão, đối diện với bão. Họ cũng hiểu một ngày nào đó có thể phải đóng cửa doanh nghiệp vì công nhân bị nhiễm dịch. Họ cũng hiểu khi đại dịch xảy ra, phải tự thân vận động, tự lực tự cường cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nên tiền là rất quan trọng. Nhưng họ vẫn hưởng ứng không có chút tính toán.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Việt kiều Đức, chuyên gia thương mại khối EU

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.