Chuyện không bất ngờ
Cũng như nhiều quỹ đầu tư khác, SSIVF với vốn 1.700 tỉ đồng được khai sinh vào năm 2007 lúc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang thời hưng thịnh. Nhưng cùng với sự suy giảm của TTCK Việt Nam, kết quả kinh doanh của các quỹ đầu tư cũng bị sụt giảm. Việc giải thể của SSIVF khi hết hạn hoạt động đã được dự báo bởi một số cổ đông của SSIVF ngay từ đầu năm nay đã từng công bố sẽ thu hồi lại tiền góp vốn vào quỹ này khi hết hạn.
|
|
CTCP đầu tư và phát triển Sacom (SAM) - là cổ đông lớn thứ hai góp vốn vào Quỹ SSIVF (chỉ sau Công ty chứng khoán SSI) với số tiền 280 tỉ đồng là đơn vị đầu tiên bày tỏ ý định này. Ông Đỗ Văn Trắc - Tổng giám đốc Công ty SAM cho biết đã được chia cổ tức và nhận lại tiền tổng cộng khoảng 240 tỉ đồng. Số còn lại (bằng tiền mặt hay tài sản) sẽ được nhận sau khi quỹ thanh lý hết các khoản đầu tư. Theo ước tính, các cổ đông sẽ nhận lại được khoảng 90% giá trị đầu tư ban đầu. Đây có thể được xem là mức thua lỗ nhẹ nhàng trong tình hình giá cổ phiếu sụt giảm quá mạnh.
Đại diện Quỹ SSIVF cho biết việc đóng quỹ đã nằm trong kế hoạch nên cũng không gặp khó khăn trong việc thanh lý danh mục đầu tư. Không chỉ riêng SSIVF, Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Long do Công ty quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Long quản lý với số vốn 300 tỉ đồng cũng đang làm thủ tục giải thể khi hết hạn 5 năm hoạt động. Tương tự, Đại hội nhà đầu tư của Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1) đầu năm nay (do CTCP quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam quản lý) cũng đã đưa ra kế hoạch quỹ này sẽ thoái vốn và đóng quỹ khi hết hạn vào đầu năm 2014…
Chất lượng sẽ quyết định
Bản thân các quỹ đầu tư nội không thể thuyết phục được cổ đông gia hạn tiếp hoạt động như một số quỹ ngoại đã thành công. Điều này được lý giải rằng liên quan đến chất lượng hoạt động của quỹ. Ông Đỗ Văn Trắc - Tổng giám đốc SAM - khẳng định sẽ không bao giờ tham gia góp vốn vào bất kỳ quỹ đầu tư nào nữa. Nếu có cơ hội, tự doanh nghiệp ông sẽ đầu tư. Bởi sau 5 năm tham gia, ông nhận thấy hoạt động của quỹ cũng không hơn một nhà đầu tư cá nhân trong khi còn phải chịu chi phí khá lớn như phí thường niên. Đó là chưa kể hàng loạt hạn chế của quỹ đầu tư tại Việt Nam như kém linh động, cơ chế giám sát chưa chặt chẽ… Bản thân các quỹ không thể dễ dàng bán ra những khoản đầu tư của mình. Chẳng hạn SSIVF đã miệt mài bán ra số lượng hơn 1,2 triệu CP tại CTCP chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF) từ đầu năm đến nay nhưng hiện vẫn còn giữ gần 700.000 CP của LAF. Nếu tính giá của LAF đầu năm nay còn xoay quanh mức 15.000 đồng/CP nhưng đến hôm qua chỉ còn 3.600 đồng/CP thì thấy con số lỗ của SSIVF cũng không nhỏ.
Nguyên nhân thua lỗ của các quỹ đầu tư đều đổ lỗi do TTCK Việt Nam tụt dốc không phanh. Thế nhưng theo TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - nhiều quỹ đầu tư cũng không thể hiện tốt năng lực của ban quản trị và thiếu quy trình giám sát, công bố thông tin minh bạch. Chính quỹ đầu tư nội đã làm nản lòng các cổ đông góp vốn khi không đạt được lợi nhuận như mong muốn. Vì vậy làn sóng thoái vốn của quỹ nội trong thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh TTCK khá trầm lắng như hiện nay. Tuy nhiên nếu kéo dài tình trạng này sẽ càng khó thu hút được vốn tham gia vào TTCK. Để phát triển được các nhà đầu tư tổ chức như các quỹ đầu tư, cần phải nhanh chóng tách bạch hoạt động đầu tư ra khỏi ngân hàng thương mại. Khi đó, bắt buộc các ngân hàng phải hình thành các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để hoạt động đầu tư. Với nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp, ban quản trị chuyên nghiệp với cơ chế giám sát và công bố thông tin rõ ràng, minh bạch sẽ thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư cá nhân. Đây là con đường mà các thị trường vốn quốc tế đã đi và Việt Nam cũng phải hướng tới.
Mai Phương
>> Nhiều quỹ đầu tư ngoại “thoát hiểm”
>> Nhiều quỹ đầu tư ngoại tăng thời hạn hoạt động
>> Số dư từ các Quỹ đầu tư phát triển địa phương trên 15.000 tỉ đồng
>> Quỹ đầu tư bất động sản phải có vốn trên 50 tỉ đồng
>> Hôm nay, quỹ đầu tư bất động sản hoạt động
>> Quỹ đầu tư thay đổi chiến lược
Bình luận (0)