ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đi thẳng vào vấn đề: "Điều 12 và điều 40 dự luật quy định, cho phép người nhập khẩu, người bán hàng, người sản xuất được tái chế hàng hóa kém chất lượng. Tôi cho rằng quy định như vậy là không ổn". ĐB Ry thẳng thắn: "Đây là kẽ hở cho những người sản xuất, người nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, như vậy là bật đèn xanh cho nhà nhập khẩu xây dựng cơ sở sản xuất để tái chế hàng hóa kém chất lượng. Tôi đề nghị không cho phép tái chế, sản phẩm không đủ chất lượng là phải tiêu hủy". ĐB Nguyễn Văn Bính (Cao Bằng) bổ sung: "Trong những hành vi bị nghiêm cấm, tôi đề nghị bổ sung thêm: cấm sản xuất hàng hóa bằng nguyên liệu buộc phải tiêu hủy như chất thải y tế chẳng hạn".
Ở khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) đặt vấn đề: "Điều 33 quy định, hàng hóa không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, không xuất khẩu được hoặc bị trả lại thì được phép sửa chữa, tái chế để tiếp tục xuất khẩu hoặc lưu thông trong nước. Nhưng có những trường hợp, dù sản phẩm không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước đó nhưng nhà doanh nghiệp nhập khẩu vẫn đồng ý, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín quốc gia".
Đa số các ý kiến đều muốn dự luật tăng mức xử phạt đối với các vi phạm về chất lượng hàng hóa. ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nêu ý kiến: "Dự luật quy định, mức phạt tiền được ấn định ít nhất bằng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá 5 lần giá trị hàng hóa vi phạm, chưa đủ sức răn đe. Tối thiểu phải phạt gấp 10 lần giá trị hàng hóa, sản phẩm vi phạm". ĐB Bùi Thị Bình (Hòa Bình) góp thêm: "Có những hàng hóa giá trị không cao nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, quy định mức phạt như dự luật tôi chưa thấy yên tâm". ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) lên tiếng: "Quy định phạt gấp năm lần giá trị hàng hóa bị vi phạm là lớn. Ví dụ, một doanh nghiệp có doanh thu 100 tỉ đồng/năm, lô hàng vi phạm có giá trị 2 tỉ, tức là họ bị phạt 10 tỉ và tịch thu toàn bộ số hàng trên, như thế là quá lớn".
ĐB Vang tiếp tục: "Quy định về xử phạt với các vi phạm thì đã rõ nhưng với những người gây khó khăn cho doanh nghiệp thì sao? Gần đây, một số sản phẩm được công bố là có chất gây ung thư được tung lên phương tiện thông tin đại chúng. Sau này xác định không phải thì doanh nghiệp cũng đã thất bại lớn rồi. Cái này phải có quy định cụ thể". ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk): "Cấm cơ quan quản lý giấu thông tin, trong vòng 15 ngày, sau khi có kết quả cơ quan quản lý phải công bố trên phương tiện truyền thông, tránh như vụ nước tương".
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) bức xúc: "Các doanh nghiệp đạt được giải thưởng là điều đáng mừng nhưng gần đây có quá nhiều giải thưởng liên quan đến chất lượng hàng hóa. Doanh nghiệp sử dụng các giải thưởng để quảng bá cho thương hiệu, hàng hóa của mình, nhưng thực tế những giải thưởng đó có cơ quan nào kiểm định hay thẩm tra không?". ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đồng tình: "Cấm việc lợi dụng quảng bá các giải thưởng để đánh lừa người tiêu dùng".
ĐB Hoàng Văn Minh (Nghệ An) lên tiếng: "Dự luật đặt thêm ra Cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đây là một loại hình rất mới, cơ quan này sẽ được tổ chức như thế nào, địa vị pháp lý ra sao? Quy định như thế là ta đã làm vô hiệu hóa lực lượng thanh tra chuyên ngành. Không thể có một hệ thống cơ quan Nhà nước đi kiểm tra, trong khi các ngành đã có rồi. Nếu làm như thế sẽ phá vỡ tính hệ thống trong tổ chức bộ máy Nhà nước".
Buổi sáng cùng ngày, tại hội trường, các đại biểu đã thảo luận Dự luật Hóa chất.
Xuân Toàn
Bình luận (0)