|
Hội thảo tổ chức hôm qua ở Hà Nội, quy tụ hơn 200 đại biểu trong nước và khoảng 200 đại biểu đến từ Hội Quy hoạch Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. “Đây thực sự là nơi trao đổi các quan điểm mới. Cái lớn nhất là lợi ích nhận thức”, ông Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, nói.
Hiểu đúng về quy hoạch vùng
Nhận thức về quy hoạch vùng, thực sự là một điều rất mới. Ngay cả ở Trường ĐH Kiến trúc, nơi có mã số đào tạo môn quy hoạch vùng và đô thị, mọi việc cũng còn rất ngổn ngang. Điều quan trọng nhất, theo Giáo sư Nguyễn Tố Lăng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, là phải tính toán rồi thuyết phục sao cho người có quyền quyết định hiểu đúng lợi thế của tỉnh mình mà khai thác. Còn không, cầm chắc chuyện như ở Bắc Ninh. Ở đó, đất đai rất tốt cho sinh thái nông nghiệp, nhưng tỉnh lại đi làm khu công nghiệp tập trung, bỏ đất sinh thái đi. “Thậm chí Bắc Ninh chỉ dùng cho quan họ và du lịch thôi, không có tí công nghiệp nào vào đó hết”, ông Lăng nói.
“Việc quy hoạch liên vùng, theo các nhà nghiên cứu, còn rất dở dang. Chẳng hạn ở Vũng Tàu rất nên phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng. Như thế, nhà đầu tư làm ở Biên Hòa cuối tuần về đó nghỉ. Người ở TP.HCM cũng về đó nghỉ. Như vậy, gọi là mình phải biết phát triển thế mạnh của mình, rồi cũng lợi dụng thế mạnh người khác để phát triển thế mạnh của mình. Đó là nguyên tắc phát triển vùng. Còn hiện nay quy hoạch ở VN là mạnh anh nào anh ấy chạy, là anh hùng nhất khoảnh”, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (TP.HCM), nói.
Quy hoạch sai, đô thị bị phá nát
Cũng chính vì kiểu quy hoạch anh hùng nhất khoảnh đó mà theo ông Hòa, có quá nhiều hệ quả. Chẳng hạn, trước đây 15 năm, TP.HCM đã có ý định phát triển vùng. Với nguyên tắc phát triển vùng là đa trung tâm, phi tập trung hóa, thành phố sẽ có hai đô thị vệ tinh: tây bắc là Củ Chi, phía tây nam là Nam Sài Gòn. “Nhưng đến nay, phía nam thì thường bị ngập nước khi mưa lớn và triều cường. Còn Củ Chi thì đường giao thông ùn tắc. Từ trung tâm đi Củ Chi 40 cây số mà đi 3 tiếng vì tắc đường thì các nhà đầu tư lên rồi về, không ai đầu tư cả”, ông Hòa nói.
Một ví dụ về quy hoạch vùng khác là đua nhau tự có trường đại học. “Ở VN, ta chỉ có duy nhất tỉnh Đắk Nông là chưa có trường đại học thôi. Còn tỉnh nào cũng có trường đại học. Nhưng tỉnh này cũng sắp có rồi. Bến Tre trước đây hai năm chưa có nhưng giờ có rồi. Nghĩa là cái gì cũng phải có. Tới đây có thể là tỉnh nào cũng sẽ có casino...”, ông Hòa nhận định.
Đã thế, quy hoạch vùng còn bị bệnh dàn trải, đầu tư không tập trung khiến hiện đi đâu cũng có dự án. Trong khi kinh nghiệm của các nước thì xong việc nào ra việc nấy. Đặc biệt khi ta ít vốn thì càng nên làm tập trung và dứt điểm từng dự án một. “Mình rất nhiều khu công nghiệp, trên Từ Sơn, Mỹ Đình, Mê Linh cũng có. Tức là cứ làm dàn trải ra hết thôi. Không bán, không sử dụng được. Nên các nước họ cũng có đổi quy hoạch rồi. Người ta làm quy hoạch chiến lược thôi. Chẳng hạn Hà Nội mở về phía tây hay tây bắc, xong rồi thì người ta làm cái gọi là quy hoạch hành động. Nghĩa là có tiền đến đâu thì làm đến đó. Như thế làm đâu xong đấy”, ông Lăng nói.
Một nhược điểm nữa là quy hoạch chồng chéo, ví dụ rất rõ là quy hoạch ngành. “Có đoạn đường nay ông điện đào lên rồi chôn dây, mai ông nước lại cũng đào lên chôn ống nước. Ngành này chồng ngành khác”, ông Lăng cho biết.
Theo ông Hòa, kiểu quy hoạch này cho thấy tầm nhìn chiến lược chưa được chú trọng.
Trinh Nguyễn
>> Quy hoạch vùng đô thị để giãn dân
>> Ngập do quy hoạch không đồng bộ
>> Quy hoạch nhiều nhưng thiếu đồng bộ, liên kết
Bình luận (0)