Quy hoạch mắc ca cần tầm nhìn chiến lược

15/04/2015 07:00 GMT+7

'Làm quy hoạch cần có tầm nhìn chiến lược', GS Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ NN-PTNT, bình luận xung quanh văn bản đề nghị mới đây của Bộ NN-PTNT với Thủ tướng Chính phủ về phát triển cây mắc ca tại VN.

“Làm quy hoạch cần có tầm nhìn chiến lược”, GS Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ NN-PTNT, bình luận xung quanh văn bản đề nghị mới đây của Bộ NN-PTNT với Thủ tướng Chính phủ về phát triển cây mắc ca tại VN.

Mắc ca đổi đời một số người dân Tây nguyên, nhưng vẫn còn là một dấu hỏi - Ảnh: Nguyệt Ánh
Mắc ca hiện được xem là loại cây có giá trị kinh tế khá cao, nhưng trong văn bản nói trên Bộ NN-PTNT đề nghị quy hoạch mắc ca tại VN từ nay đến 2020 chỉ nên dừng ở con số 10.000 ha. Là người nhiều năm nghiên cứu về mắc ca, ông có bình luận gì về con số này?
Theo tôi, tầm nhìn chiến lược của một cơ quan quản lý cấp trung ương dường như đã không được đề cập một cách đúng mức khi đưa ra con số này.
Trước hết và quan trọng nhất là yếu tố môi trường. Suốt 50 năm qua, chúng ta phát triển ồ ạt cà phê, cao su, điều... trên 3 triệu ha quỹ đất đỏ bazan rất quý của Tây nguyên. Nhưng vấn đề rất lớn hiện nay là ngày càng thiếu nước, nước ngầm tụt xuống hàng mét. Nhiều nơi bà con đào giếng xuống 60 - 70 m vẫn không có nước, dẫn đến không đủ nước tưới cây cà phê. Phương pháp canh tác thì vẫn rất lạc hậu, đó là bón phân thật nhiều, nhất là phân đạm, đồng thời tưới nước ồ ạt, gây xói mòn, rửa trôi, làm hỏng quỹ đất.
Trong khi mắc ca là loại cây chịu hạn rất tốt, không cần tưới và chăm bón nhiều, lại có khả năng chống xói mòn cho đất. Cây này mọc cao, lại thêm khả năng che nắng gió cho cà phê nên có thể trồng xen vào cà phê. Hiện Tây nguyên có hơn 600.000 ha cà phê, mỗi ha cà phê trồng thêm 50 - 100 cây mắc ca, như thế vừa giữ đất, vừa tiết kiệm nước, làm cà phê vẫn ổn định như cũ, không ảnh hưởng gì về năng suất, lại tạo thêm được thu nhập cho nông dân từ hạt mắc ca.
Cho nên, đứng về mặt chiến lược, loại cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Tây nguyên, có khả năng góp phần tái cơ cấu nông nghiệp cho vùng đất này, giúp sử dụng quỹ đất tốt hơn, để lại cho các thế hệ sau. Cây có tuổi thọ 60 - 80 năm, năng suất càng lâu năm càng cao, chứ không như cây cà phê chỉ trồng 20 năm là tàn mà gần một nửa diện tích cà phê hiện nay năng suất rất thấp.
Trở lại với văn bản của Bộ NN-PTNT, sau 20 năm Bộ thí điểm cây mắc ca và bây giờ kết luận trong văn bản nói trên là vẫn “chưa đủ căn cứ khoa học”, trong khi thực tế đã có hàng nghìn hộ nông dân, nhiều doanh nghiệp đang trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Kết luận như vậy khác gì chặn đứng một hướng phát triển mới mà nhiều người dân đang kỳ vọng? Thái độ “khó hiểu” này của Bộ cũng có thể gây rất nhiều phân tâm cho những người dân đang muốn đổi đời nhờ mắc ca.
Theo ông, con số giới hạn 10.000 ha mắc ca từ nay đến 2020 trong văn bản nói trên xuất phát từ căn cứ nào?
Tôi hiểu thắc mắc của bạn vì đó cũng là thắc mắc của nhiều người, khi trong văn bản của Bộ chỉ đề cập đến con số, mà không đề cập đến nguyên nhân vì sao dẫn đến con số này.
Tôi đã dự cuộc họp trước khi văn bản đó được phát đi. Nói về căn cứ, thì xuất phát điểm là của người đứng đầu một công ty xuất nhập khẩu nông lâm sản, công ty của ông ấy có vườn ươm mắc ca ở Ba Vì. Lập luận của ông ấy là từ giờ đến năm 2020, ta chỉ nên trồng một số giống mắc ca đã đảm bảo chắc chắn, mà giống của ông ấy là chắc chắn nhất. Vườn của ông ấy một năm ươm được 600.000 cây, thì 5 năm là khoảng 3 triệu cây. Dựa trên số cây, ông ấy đưa ra con số áng chừng 12.000 ha. Và cuối cùng Bộ kết luận là 10.000 ha...
Tôi cũng không hiểu sau khi Bộ có ý kiến chỉ đạo như vậy mà Lâm Đồng đang có kế hoạch 22.000 ha, Đắk Nông có kế hoạch 13.000 ha (từ cách đây 2 năm, trước khi có văn bản của Bộ) thì sẽ xử lý thế nào? Còn Đắk Lắk và Gia Lai, Kon Tum nữa... Tóm lại, tôi thấy hơi khó hiểu.
Cũng có ý kiến lo ngại nếu không quản lý chặt về cây giống, mắc ca sẽ khó phát triển bền vững?
Về chất lượng cây giống thì không chỉ riêng mắc ca, mà tất cả các cây công nghiệp phổ biến ở Tây nguyên đều gặp vấn đề tương tự. Bộ cần quản lý chặt, điều đó là đúng, nhưng cấm đoán lại là vấn đề khác. Không quản được thì cấm, đó là kiểu quản lý đã cũ. Điều quan trọng hiện nay là cần có hướng dẫn cho nông dân chọn giống và trồng cây sao cho có hiệu quả, bán được giá cao trên thị trường thế giới.
Nếu cây mắc ca thực sự có giá trị như vậy, tại sao một số quốc gia có điều kiện lại không đẩy mạnh phát triển thưa ông?
Lý do đầu tiên là mắc ca rất kén thổ nhưỡng và khí hậu. Trồng ở đâu cũng được nhưng có ra hoa kết trái không lại là chuyện khác. Nên nhiều nước có muốn cũng không phát triển được. Lý do thứ hai là một số nước khác họ đã có nền kinh tế rất phát triển, họ có nhiều lựa chọn hơn.
Lý do thứ ba, thuộc về VN. Chúng ta có lợi thế ưu đãi về quỹ đất đỏ bazan quý báu, được nhiều chuyên gia Úc đã đến và khẳng định rất phù hợp với mắc ca, chất lượng hạt thậm chí còn được đánh giá là tốt hơn Úc, và chúng ta lại có ưu thế về chi phí nhân công. Tất cả điều trên sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của “mắc ca VN” so với các nước khác trên bản đồ thế giới.
Tôi nghĩ “mắc ca đã chọn VN” với nhiều điều kiện cần đã hội tụ. Bây giờ chỉ thiếu điều kiện đủ là sự quyết liệt, gắn liền với thực tế và tầm nhìn chiến lược của cơ quan quản lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.