7 năm kinh nghiệm với nghề nuôi yến trong nhà, anh Lê Danh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Chấn Hưng với thương hiệu Yến sào Hoàng Yến, cho biết anh đã bắt đầu nghề này từ năm 2004 và đến nay đã thực hiện 500 căn nhà tại Việt Nam và Campuchia.
Anh nói, yếu tố đầu tiên để có thể mang lại tỷ lệ thành công đến 50%, đó là chọn được địa điểm tốt để xây dựng nhà yến. Địa điểm đó phải gần những căn nhà đang có yến, hoặc nơi chim đi ăn bay ngang qua và những nơi chim thường bay lượn vòng. Yếu tố quan trong thứ hai là phải có kỹ thuật tốt, có thể mang lại tỷ lệ thành công 40%. Tuy nhiên, nghề này còn có yếu tố may mắn, có thể chiếm 10% trong các yếu tố cấu thành nhà nuôi yến thành công. Theo đánh giá của anh Lê Danh Hoàng, trên địa bàn TP.HCM có 2 trục hướng có thể mang lại hiệu quả cho nghề nuôi yến trong nhà, đó là trục hướng đông từ Q.3 - Q.1 - Q.Bình Thạnh - Q.2 - Q.9 và trục hướng đông nam từ Q.3 - Q.1 - Q.4 - Q.7 - Nhà Bè - Cần Giờ, trong đó trục hướng đông nam hiệu quả tốt hơn.
Đó cũng là lý do nghề nuôi yến trong nhà đã phát triển rầm rộ trên địa bàn H.Cần Giờ. Ông Phạm Trọng Đức - Phó trưởng phòng Kinh tế H.Cần Giờ, cho biết từ năm 2006 đã có nhà đầu tư đầu tiên đến xây nhà yến tại huyện, đến nay đã có 101 nhà.
Ông Trương Hoàng, Ban Chỉ đạo nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết chim yến không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp từ tổ yến mà còn góp phần bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp vì thức ăn của nó là các loài côn trùng. Nuôi chim yến đã trở thành phong trào, mà đã là phong trào thì có nhiều sóng gió và đi theo khuynh hướng tự phát, mạnh ai nấy làm. Ông Trương Hoàng đề nghị cần phải quy hoạch và có kế hoạch nuôi chim yến một cách khoa học, chặt chẽ; đồng thời phải biết rút ra những bài học cần thiết về thành công và thất bại từ các nước đi trước.
Ông Trương Hoàng nói: “Tôi có xem qua các tài liệu, nuôi chim yến đã hình thành ở Indonesia cách nay hơn 100 năm, nhưng môi trường tự nhiên và xã hội xáo trộn, rừng bị phá sạch, chim yến bỏ đi. Malaysia đi sau nhưng khá thành công nhờ biết rút kinh nghiệm và có nhiều sáng tạo, có tổ chức những người nuôi yến, phương pháp dẫn dụ, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cho nên chim yến kéo về ngày càng đông, nghề nuôi chim yến vì thế ngày càng phát triển. Là người đi sau, chúng ta phải sớm rút ra những bài học cần thiết để cái giá phải trả không rơi vào lãng phí và đỡ phải sửa sai sau này”.
PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu nhận xét: “Nghề nuôi yến ở nước ta mới hình thành và phát triển đến nay là 7 năm, với hơn 20 tỉnh, thành có nhà yến. Nhiều nhà yến thành công, tuy nhiên cũng có những nhà yến thất bại. Cho nên, để phát triển bền vững, cần phải bảo vệ môi trường thiên nhiên ven biển lên hàng đầu. Nếu có những vùng thích hợp thì nên quy hoạch thành những vùng nuôi yến tập trung, có thể quy hoạch nuôi yến trên đảo, đồng thời với kế hoạch bảo tồn những đàn yến đảo, vì yến đảo của Việt Nam có giá rất cao trên thị trường thế giới. Ngoài ra, có thể ứng dụng công nghệ ấp nở và nuôi nhân tạo để giúp gia tăng nhanh đàn yến”.
Muốn phát triển một cách bài bản, bền vững, lâu dài, cần có cơ quan nhà nước quản lý, theo dõi, xâu chuỗi, liên kết, cùng với những chính sách, định hướng phát triển, và các tiêu chuẩn về chăn nuôi chim yến.
Mai Vọng
Bình luận (0)