|
NSND Trần Bình có chút tự hào khi nhà hát của ông được nhắc tới trong dự thảo Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn đến 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, Nhà hát Nghệ thuật đương đại là đơn vị duy nhất tự chủ được 100% về tài chính. Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn phân bố cho các nhà hát tổng cộng hàng chục tỉ đồng mỗi năm, nhưng nhà hát của ông thì không nhận đồng nào. Ngoài đất và cơ sở cũ được giao sử dụng, nhà hát phải lo tất tật, từ điện, xăng đến ô tô, lương diễn viên, chưa kể đóng thuế. “Nói chung mỗi ngày phải có từ 80 - 100 triệu đồng để lo cho nhà hát. Cứ như thế đã gần 3 năm nay rồi”, NSND Trần Bình nói.
Trước khi “ra riêng” tự chủ hoàn toàn về tài chính, nhà hát của NSND Trần Bình đã luôn được Bộ VH-TT-DL giao khoán cao nhất. Khi các nhà hát khác được giao 200 - 300 triệu đồng/năm thì ông được giao khoán nộp 1 tỉ đồng. Khi nhà hát khác phải nộp 500 triệu đồng thì ông nộp 2 tỉ đồng.
Nhưng đấy là so với các nhà hát, còn trên thực tế, rất nhiều nhóm nghệ sĩ phía nam như kịch Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, Nhà hát Sân khấu nhỏ, Sân khấu nghệ thuật Thái Dương… cũng đều đã tự chủ 100%, không có hỗ trợ của nhà nước mà vẫn cho ra đời những tác phẩm có giá trị nghệ thuật được đánh giá cao, bên cạnh những tác phẩm đáp ứng nhu cầu giải trí của đông đảo khán giả.
Những khu đất vàng có thể được sử dụng làm dịch vụ của Nhà hát Nghệ thuật đương đại quả thật là một nguồn thu đáng kể. “Chỉ cần cho thuê biểu diễn, cho thuê sự kiện đã có thể lo lương cho anh em rồi”, một bầu show chia sẻ. Cho nên, thay vì so bì về chuyện được nhà nước hỗ trợ, ông Bình nêu ra những vấn đề khác của quy hoạch biểu diễn. Chẳng hạn, nếu được bao cấp thì nên bao cấp ai, bao cấp như thế nào. “Chúng ta bảo tồn nghệ thuật truyền thống nhưng cũng phải bảo tồn cái tinh. Không thể một cái nhà hát nghệ thuật truyền thống hàng trăm người một năm xuân thu nhị kỳ diễn có vài buổi. Muốn bảo tồn nhưng không diễn nhiều thì chả có tác dụng gì. Có thể cấp kinh phí nhưng bộ máy cũng phải co lại”, ông Bình nói.
Tầm nhìn là thế nên tuy đã nói về quy hoạch từ rất lâu nhưng Bộ VH-TT-DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn chưa làm được nhiều. “Họ chưa kiên quyết. Xã hội hóa, quy hoạch đưa ra 4 năm nay rồi mà chưa thực hiện. Việc đầu tiên là phải sắp xếp lại để tránh nơi quá thừa, nơi lại thiếu. Có loại hình có số đoàn quá nhiều, cùng màu sắc”, ông Bình nói.
Hiện theo quy hoạch, tới 2020 sẽ có tổng cộng 31 tỉ đồng cho đặt hàng tác phẩm. Điều này sẽ hỗ trợ xã hội hóa, cũng như tìm kiếm tác phẩm chất lượng cao. Trước khi “ra riêng”, Nhà hát Nghệ thuật đương đại được hứa là sẽ có đơn đặt hàng sáng tác. “Nhưng ra rồi thì thấy rất khó đến lượt đặt hàng. Đến giờ vẫn tồn tại chuyện nhóm lợi ích. Sáng tác chục tỉ phải đấu thầu nhưng nhiều khi rơi vào sân sau của các vị, các nhóm lợi ích với nhau”, ông Bình chia sẻ kinh nghiệm xương máu.
Chính vì thế, ông Bình thấy nghi ngại việc quy hoạch lần này cũng sẽ ầm ầm lên rồi rơi vào im lặng như quy hoạch cách đây chục năm. Nó không chạm vào được thực tế xã hội. Cũng chẳng chạm đến mảng sôi động của đời sống biểu diễn thị trường hiện nay. Thậm chí, nhiều người còn có cảm giác người soạn thảo quy hoạch không làm việc liên quan nghệ thuật biểu diễn. “Đọc quy hoạch, tôi chả thấy xúc động gì”, ông Bình nói.
Sẽ xây mới 51 nhà hát ? Một đại diện của Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) cho rằng mục tiêu xây mới 51 nhà hát, nâng cấp 20 nhà hát của quy hoạch này nặng về xây dựng cơ bản. TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai, tán đồng quan điểm này và cho rằng có thể xây nhà hát biểu diễn ở đô thị lớn chứ không nên ở miền núi. “Chúng ta nên lồng ghép chương trình nhà văn hóa và nhà hát biểu diễn hay thiết chế khác. Xây nhiều quá, mỗi xã một cụm, một năm đoàn nghệ thuật của tỉnh biểu diễn may ra được ba lần thì lãng phí”, ông Sơn đề xuất. |
Trinh Nguyễn
>> Hội thảo về tính thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn
>> Hội thảo phát triển nghệ thuật biểu diễn
>> Ca sĩ ngôi sao" lên sân khấu kịch
>> Người trong cõi nhớ" lên sân khấu kịch
Bình luận (0)