DreamWorks từng gây tiếng vang với các phim hoạt hình Shrek, Kungfu Panda, Madagascar… Năm 2016, hãng khởi động loạt Trolls, lấy cảm hứng từ thương hiệu búp bê nổi tiếng cùng tên. Từ đó, hãng sáng tạo một vũ trụ hoạt hình về các nhân vật quỷ lùn nhỏ bé, dễ thương.
Hai phần phim đầu là hành trình nữ hoàng Poppy (Anna Kendrick) và cậu bạn Branch (Justin Timberlake) giải cứu thần dân cùng các bộ tộc khác khỏi lũ xâm lược. Tới Trolls Band Together, hai nhân vật chính bắt đầu hẹn hò và đứng trước thử thách mới.
Phần này tiết lộ Branch và 4 anh trai từng là thành viên nhóm nhạc thần tượng đã tan rã BroZone. Một ngày, anh cả John Dory (Eric André) tới báo tin một người anh khác là Floyd (Troye Sivan) đang bị bộ đôi ca sĩ mới nổi Velvet và Veneer (Amy Schumer và Andrew Rannells) giam cầm. Để cứu Floyd, Branch và Poppy buộc phải lên đường tìm những anh em còn lại.
Điểm sáng từ phần đồ họa
Trolls Band Together kết hợp 3D và vẽ tay, tạo thành phong cách nghệ thuật phóng khoáng. Một trong những cảnh phô diễn sức sáng tạo của ê-kíp hình ảnh là khi chiếc xe của cả hội nhân vật chính xuyên qua hàng loạt chiều không gian. Nét vẽ lấy cảm hứng từ các tác phẩm giải trí đương đạI như Yellow Submarine, Fantasia, The Powerpuff Girls; cho đến các thước phim hoạt hình cổ điển của họa sĩ Robert Crumb.
Khâu bối cảnh cũng là điểm sáng. Khu rừng Branch sống làm từ mì và bơm hơi... Công viên giải trí bị bỏ hoang được làm từ kẹo và chiếc yo-yo. Hai đạo diễn của phim là Walt Dohrn và Tim Heitz tạo ra thành phố ảo với buổi trình diễn âm nhạc hoành tráng trên các tàu lượn siêu tốc.
Các nhân vật trong Trolls muôn hình vạn trạng. Nếu quỷ lùn làm từ thực vật, chất xơ thì phe phản diện Velvet và Veneer làm nên từ nhựa và cao su. Cư dân đảo Vacay giống những quả bóng nước bọc trong khăn bông, bởi sở thích duy nhất của họ là nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, bầu không khí nhẹ nhàng, tươi sáng và các khung hình ngọt ngào vô tình làm mất đi tính kịch tính của hành trình. Bởi chuyến đi giải cứu không khác gì một kỳ nghỉ dài, thiếu hụt những hiểm nguy cần thiết.
Câu chuyện về tình thân thiếu điểm nhấn
Phim tập trung khai thác sự đồng lòng của “người một nhà” dù xa cách. Branch và anh em bỏ qua mâu thuẫn, bất chấp hiểm nguy để hiệp lực bảo vệ nhau. Hay Poppy vừa gặp đã cảm nhận sợi dây liên kết với nữ thủ lĩnh Viva (Camila Cabello), người chính là chị gái thất lạc của cô.
Tình cảm gia đình cũng giúp các nhân vật tìm lại sự tự tin. Branch chọn cách khép mình còn Viva dùng vẻ ngoài “nữ cường” để giấu đi thương tổn và cô đơn. Biến cố lần này khiến họ học cách đối diện quá khứ và thực tại, vượt qua vùng an toàn để khám phá bản thân và thế gian tươi đẹp bên ngoài. Bên cạnh đó, Trolls còn đề cập vấn nạn “gia đình độc hại”, điển hình là cô chị Velvet luôn thao túng tâm lý cậu em Veneer.
Lựa chọn đề tài gia đình quen thuộc thay vì những vấn đề vĩ mô như hai phần trước, Trolls Band Together chưa tìm ra lối kể hấp dẫn và lộ rõ dấu hiệu cạn ý tưởng. Phim vẫn đi theo cấu trúc phim hành trình khi đoàn đi qua các vùng đất mới và tiếp nạp đồng đội. Nhưng các tình tiết được xây dựng lỏng lẻo, không có điểm lắng đọng cũng không có cao trào bùng nổ.
Tác phẩm có cách truyền đạt hời hợt khi so sánh với các phim trước của DreamWorks. Trải qua từng phần, hành trình của Poppy và Branch lẽ ra phải ngày một cam go, phức tạp; nhưng họ lại nhận được thử thách nhẹ nhàng, thuận lợi. Việc giải quyết mâu thuẫn trong nhà lẫn xử lý phe phản diện đều vội vàng. Điều đó khiến diễn biến tâm lý nhân vật chính chưa đủ thuyết phục và thiếu chiều sâu.
Việc ôm đồm hệ thống nhân vật mới quá đông, cộng thêm nhịp phim nhanh khiến khán giả khó đọng lại dấu ấn. Một số cây hài từng hút tiếng cười ở các phần trước như Bridget (Zooey Deschanel) và Gristle (Christopher Mintz-Plasse) chỉ xuất hiện chớp nhoáng, thậm chí biến mất. Hay những nhân vật tiềm năng như Viva và cậu cháu họ Tiny Diamond (Kenan Thompson) cũng chưa kịp thể hiện vai trò.
Âm nhạc chưa đủ sức nặng
Trolls Band Together mang đến cảm xúc hoài niệm về văn hóa đại chúng cuối những năm 1990 - thời đại các nhóm nhạc pop lấy đi trái tim của bao thiếu niên toàn cầu.
Bên cạnh các ca khúc mới, bản hit một thời của Boys II Men, New Edition, Dolly Parton… được phối lại. Một số câu thoại gợi nhắc tới các nhóm nhạc nam đình đám như Backstreet Boys, Menudo hay New Kids on The Block.
Justin Timberlake được dịp đưa câu chuyện của cả nhóm nhạc mình lên phim. Đáng tiếc, nhạc phẩm Better Place đánh dấu sự hội ngộ của NSYNC sau hai thập niên lại có ca từ và giai điệu bình thường, chưa đủ đặc biệt để tạo bùng nổ.
Phần nhạc nền còn rập khuôn, dù sở hữu những giọng ca tài năng hay các ngôi sao hút giới trẻ như Camila Cabello và Troye Sivan cũng rất khó để tái hiện thành tích mà Can stop the feeling! từng làm được ở phần 1.
Nếu phần phim trước Trolls World Tour mang đến đa thể loại nhạc để phù hợp nhiều lứa tuổi thì phần 3 lại lựa chọn “thị trường ngách”. Đưa tấm vé về thanh xuân cho các vị phụ huynh gen Y là ý tưởng thú vị nhưng quá xa rời thời đại của các khán giả nhí, đối tượng mà loạt phim cần tập trung.
Biên kịch Elizabeth Tippet cũng lồng ghép những tình tiết trào phúng thị trường âm nhạc. Đó là việc công chúng hào hứng với sản phẩm âm nhạc và ca sĩ mì ăn liền, còn khán giả sẵn lòng ra rạp xem phim concert của ngôi sao nhạc đại chúng hơn những bộ phim điện ảnh thực thụ. Thông qua cô trợ lý Crimp (Zosia Mamet) và BroZone, phim còn đề cập tới những nghệ sĩ, nhân viên đang bị ngành công nghiệp vắt kiệt sức và trí lực.
Nhìn chung, Trolls Band Together là một tác phẩm đáng yêu, chỉn chu về hình ảnh, đảm bảo tính giải trí nhưng nội dung và âm nhạc mờ nhạt. Phim thiếu vắng cốt truyện đong đầy cảm xúc và không đan xen nhiều bài học ý nghĩa.
Bình luận (0)