Ở một đất nước có hơn 3.450 hệ thống sông ngòi và có lượng mưa trung bình hằng năm lên đến 2.000 mm như VN thì việc lựa chọn phát triển thủy điện để phát triển năng lượng của quốc gia không phải là một lựa chọn sai.
Nhưng lựa chọn thủy điện cũng đặt VN vào một bài toán lớn về an nguy của người dân. Chuyện ngăn dòng xây đập, di dân vùng lòng hồ, giữ nước mùa khô, xả lũ mùa mưa bão trên thực tế để lại nhiều vấn đề nan giải về xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư thủy điện với cộng đồng địa phương nơi xây dựng nhà máy thủy điện.
Chuyện xả lũ gây ngập không phải là chuyện của bản tin báo hôm nay, bản tin báo tháng này hay thậm chí bản tin từ năm 2009 với những cái tên: thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Hố Hô... Rồi là nhiều vụ tranh chấp nước giữa các nhà máy thủy điện với địa phương mùa khô hạn.
Khi mưa lũ ập về, công bằng mà nói, nếu thủy điện không xả lũ cứu đập, thì an nguy vùng hạ du có khi còn khủng khiếp hơn. Nhưng cũng công bằng mà nói, nếu ở trong tình thế người dân chạy lũ, mất nhà mất cửa, lời ca thán và chỉ trích là lẽ đương nhiên. Ai đúng ai sai trong chuyện này nhiều khi là câu chuyện không có hồi kết, không có câu trả lời thỏa đáng.
Điện lực bảo xả lũ “đúng quy trình” để bảo vệ “an toàn hồ đập”. Câu trả lời như thể chạm vào nỗi đau người dân. Câu trả lời như thể vô cảm, không quan tâm gì đến mất mát, thiệt hại của dân.
Địa phương bảo không nhận được thông tin xả lũ của thủy điện bằng văn bản, mà chỉ nhận qua điện thoại. Lời chỉ trích như thể lời đổ lỗi.
Vậy cuối cùng ai là người gánh chịu? Ai sẽ là người gánh chịu hậu quả khốc liệt cho những truy vấn trách nhiệm lẫn nhau giữa chính quyền địa phương và nhà máy thủy điện? Là dân.
Giữa cái hoàn cảnh khẩn cấp mưa lũ kéo về, nguy cơ vỡ đập, điều cần quan tâm không phải là chuyện xả lũ đúng quy trình, an toàn hồ đập hay thông tin văn bản hành chính, mà là các phản ứng vì an nguy của người dân.
Cần hành động ngay để có được một quy trình mới - không phải là quy trình xả lũ, mà là quy trình phản ứng của nhà máy và chính quyền trong việc báo động, di dời người dân mùa mưa lũ. Quy trình để bất kỳ người dân nào cũng được học, được tập dượt, được biết thành thục để ứng phó với bão lũ, thiên tai. Quy trình thành một bộ tiêu chuẩn để khuyến nghị cách làm nhà, lao động sản xuất, trường học... thậm chí hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm phù hợp trong hoàn cảnh ứng phó thiên tai, quy trình để các hoạt động cứu giúp được đầu tư chuyên nghiệp và bài bản...
Nói chung, một “quy trình” đúng nhất là phải bảo vệ tính mạng và tài sản người dân.
Bình luận (0)