Quyến rũ làng đá

01/02/2013 03:20 GMT+7

Huyện Tuy An (Phú Yên) nổi tiếng với bộ kèn đá, đàn đá - báu vật quốc gia và danh lam thắng cảnh gành Đá Đĩa. Thế nhưng, ít ai biết ở địa phương này còn có một ngôi làng đá cũng quyến rũ không kém.

Từ ngã ba Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An rẽ theo đường đi vào gành Đá Đĩa, đến thôn 6, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), sẽ gặp một ngôi làng nhỏ nằm ngay trên đỉnh dốc. Hầu hết cư dân ở đây đều sử dụng đá để làm tường rào, giếng nước, mộ, bờ ruộng, chuồng gia súc và lát đường đi. Có những giếng đá tuổi thọ hàng trăm năm. Theo lời ông Phạm Độ ở thôn 6, ngày xưa việc đi lại ở làng rất khó khăn nên vận chuyển vật liệu xây dựng từ nơi khác đến cũng rất khó. Trong khi xung quanh làng đều là đá, vì vậy ông bà xưa đã dùng đá để làm công trình phục vụ. Rồi cụ Độ đùa vui: “Ngày xưa, tui đi “tán” bà xã ở tận vùng đất cát Hòa Hiệp. Vào đó, thấy bả cùng bạn lúc nào chân cũng dính cát, thế là tui “nổ” ngay: Xứ tui sướng lắm, con gái về làm dâu đi ra đường không bao giờ chân lấm đất, dính cát cả. Thời đó, nếu ra đường mà không lấm đất chỉ dân thành thị, chứ dân ở thôn quê làm gì có chuyện đó. Bà xã không tin nên mới gật đầu về làm vợ. Ngày rước dâu, bả được đi trên những con đường “trải thảm đá” mát rượi chân”.

 Tường rào và lối đi bằng đá
Tường rào và lối đi bằng đá - Ảnh: Đức Huy

Điều khá lạ là những giếng nước sử dụng đá để xếp thành bộng giếng thì nước mát quanh năm. Theo chị Nguyễn Thị Phương Trang, giếng nhà chị có từ thời ông cụ tổ của chồng nên có tuổi thọ gần 150 năm. Chị Trang nói: “Trưa hè trời nắng đổ lửa, lấy gàu múc nước lên uống, nước chạy đến đâu mát rượi tới đó, chẳng khác nào nước đá lạnh”. Điều ngạc nhiên nữa là đá được xếp công phu, viên to nhỏ nằm chồng lên nhau suốt hàng trăm năm nhưng chẳng hề bị ngã đổ, mặc dù vùng biển này vốn chịu những cơn gió bão khủng khiếp. Không chỉ bền về thời gian, kỹ thuật xếp đá cũng rất nghệ thuật. “Xếp đá thành tường, thành bộng giếng mà không ngã đổ, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao, con mắt tinh tế, phải chọn trong số đá đó, những viên nào chồng lên nhau được và tạo ra sự gắn kết mà không hề có vật liệu gì kèm theo”, cụ Độ phân tích.

Nhờ vào đá mà ngôi làng này trở nên đẹp hơn, quyến rũ hơn và cực kỳ độc đáo. Theo bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, chính quyền huyện đang nỗ lực bảo tồn làng đá để làm du lịch, gắn với điểm du lịch gành Đá Đĩa.

Đức Huy

>> Ngõ làng đá san hô

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.