Quyền tối thiểu của giới quan sát

01/08/2012 21:05 GMT+7

(TNO) Những người trung lập hoàn toàn có quyền nghi ngờ Ye Shiwen nói riêng cũng như nhiều ngôi sao khác trong đội bơi lội Trung Quốc nói chung. Ở đây, chẳng có gì là xúc phạm, bởi “nghi” là cái quyền tối thiểu của giới quan sát.

(TNO) Những người trung lập hoàn toàn có quyền nghi ngờ Ye Shiwen nói riêng cũng như nhiều ngôi sao khác trong đội bơi lội Trung Quốc nói chung. Ở đây, chẳng có gì là xúc phạm, bởi “nghi” là cái quyền tối thiểu của giới quan sát.

>> Mỹ nghi ngờ bơi lội Trung Quốc có doping
>> Học sinh 15 tuổi giành HCV Olympic 2012
>> Hai kỷ lục thế giới mới được lập ở "đường đua xanh" Olympic 2012

 
Ye Shiwen đã đem về cho bơi lội Trung Quốc 2 tấm huy chương vàng - Ảnh: AFP

Nếu như các VĐV Trung Quốc cảm thấy bị xúc phạm khi người ta nghi họ dùng doping, thì họ cứ việc chỉ trích những kẻ gian lận đã bị chỉ mặt đặt tên tại Asiad 1994. Khi ấy, gần như mỗi VĐV Trung Quốc phóng xuống bể bơi thì đều có kỷ lục mới ra đời. Họ chiến thắng áp đảo. Và ngay sau đó, hàng chục người trong số họ bị phát hiện doping.

Bây giờ, Ye Shiwen phá kỷ lục thế giới ở cự ly 400m hỗn hợp nữ, với đặc điểm kỳ lạ là trong 50m cuối cùng, cô bơi còn nhanh hơn cả Ryan Lochte - ngôi sao đã hạ bệ huyền thoại Michael Phelps ở đường bơi nam. Không nghi mới lạ!

Thật ra, bất cứ cường quốc thể thao nào cũng đã có nhiều VĐV dính vào doping. Thế nên, cứ phải nói lại: nghi là một chuyện, kỳ tích thể thao đáng được khâm phục lại là chuyện khác. Trừ phi chứng minh được Ye Shiwen doping, người ta vẫn phải thừa nhận và khâm phục thành tích của cô bé 16 tuổi này.

Thật ra, Trung Quốc thành công một cách đồng đều chứ không trông cậy vào mỗi Ye Shiwen. Cũng tại London 2012, Sun Yang đi vào lịch sử với tư cách nam VĐV Trung Quốc đầu tiên đoạt HCV bơi lội ở đấu trường Olympic. Nói chung, thành công của Trung Quốc ở đường đua xanh là một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại Olympic kỳ này - ít ra là đáng chú ý cho đến khi môn điền kinh vào cuộc.

Có quá nhiều nguyên nhân lý giải vì sao bơi lội nói riêng cũng như thể thao Trung Quốc nói chung vươn lên nhanh chóng như vậy.

Ở các nước phương Tây, thể thao là chuyện của xã hội, có nghĩa mỗi VĐV tự trang trải kinh phí cho mình và khi thành công thì chính họ hưởng lợi từ sự nổi tiếng. Không có lý do gì để nhà nước chi tiền đầu tư cho những Michael Phelps hoặc Ryan Lochte.

Trung Quốc thì khác. Sun Yang hoặc Ye Shiwen thành công bởi họ vươn lên bằng tiền đầu tư của nhà nước. Họ lại chấp nhận chế độ khổ luyện và tập nặng từ khi còn rất bé. Và tất nhiên, với dân số tính bằng hàng tỷ của Trung Quốc, không có gì lạ khi các HLV Mỹ hoặc Úc phải choáng ngợp khi sang Trung Quốc và chứng kiến số VĐV năng khiếu đông đúc của nước này.

Bơi lội Trung Quốc không nhất thiết cứ phải thành công bằng con đường doping. Nhưng hễ khen ngợi thành tích của họ, thêm một chữ “nếu…” thì cũng không thừa.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.