Giá dịch vụ bị đẩy lên cao
Tình trạng tăng giá đột biến trong dịp Lễ hội pháo hoa hằng năm đã trở thành nổi ám ảnh của không ít du khách đến Đà Nẵng trong dịp này. Chị Nguyễn Thị Thu Hoa, một du khách ở Ninh Thuận ra Đà Nẵng dịp pháo hoa chia sẻ, cách đây 2 năm, chị và gia đình cùng kéo nhau ra du lịch để thưởng lãm pháo hoa. "Tôi nghe là các khách sạn chỉ tăng độ phân nửa giá tiền vào 2 ngày diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa, ai dè đi khách sạn nào giá cũng cao ngất, tăng đến 200%-250%. Cuối cùng chúng tôi phải thuê một khách sạn nhỏ bởi giá hợp với túi tiền, nhưng thấy không thoải mái chút nào. Chưa kể giá ăn uống ở các nhà hàng cũng tăng hơn những dịp tôi ra đây mà không trúng lễ hội pháo hoa. Thiệt là đi du lịch mà cảm giác hết sức bực mình!". Không ít du khách cũng có chung tâm trạng như chị Hoa khi đến Đà Nẵng dịp Lễ hội pháo hoa, nhiều người tuyên bố thẳng thừng không muốn quay lại TP này bởi bị các dịch vụ chặt, chém quá mức.
Trước vấn nạn đó, các ngành chức năng địa phương đã vào cuộc. Năm 2012, tình trạng tăng giá đột biến tại một số khách sạn, nhà hàng đã giảm mạnh, tuy vậy không phải là không xuất hiện những khách sạn, nhà hàng hô giá phòng, giá dịch vụ trên trời, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thân thiện của Đà Nẵng. Các nhà hàng, khách sạn đã tìm đủ mọi cách để lách quy định. Kết quả rất nhiều du khách phải chịu thiệt. Thực tế, khi các lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất 120 nhà hàng, khách sạn, đã phát hiện hơn 60% cơ sở vi phạm, bị xử phạt hơn 100 triệu đồng.
|
Sẽ nghiêm khắc và quyết liệt
Đó là phát biểu của ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng đối với thực trạng tăng giá đột biến. Ông Bằng cho biết, năm nay, Thanh tra liên ngành của TP về việc chống tăng giá dịp pháo hoa sẽ có nhiều biện pháp mạnh đối với những cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn tăng giá trong dịp này. Trước đó, ngành Du lịch TP cũng đã yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh khách sạn kê khai cụ thể có bao nhiêu phòng, giá cả bao nhiêu..., các nhà hàng kê khai giá các mặt hàng. Theo đó, trong 2 ngày diễn ra lễ hội pháo hoa, các khách sạn được tăng giá ở mức tối đa là 50%, còn những ngày khác không được tăng giá, nếu vượt mức giá này sẽ bị xử phạt. Sau khi kê khai giá, bảng giá sẽ được công khai trên các trang web: www.cst.danang.gov.vn và www.danangtourism.gov.vn; bảng kê khai này còn được niêm yết ngay lễ tân của mỗi khách sạn, nhà hàng để khách hàng có thể theo dõi khi đến sử dụng dịch vụ của đơn vị này.
“Chúng tôi đã tổ chức đội Thanh tra liên ngành TP, mở đợt thanh kiểm tra kéo dài từ ngày 21.3 cho đến khi diễn ra Lễ hội pháo hoa. Năm nay chúng tôi làm chặt hơn, sâu hơn là kiểm tra về mặt tài chính, những đơn vị kinh doanh phải trình ra hóa đơn, sổ thu chi hằng ngày kiểm soát chặt chẽ hơn. Ngay khi phát hiện những đơn vị không thực hiện kê khai giá, hoặc tăng giá, sẽ lập tức xử lý nghiêm.” ông Bằng cho hay. Ông cũng nói thêm, với những cơ sở vi phạm, phát hiện lần đầu sẽ xử phạt hành chính; nếu là vi phạm gây tác hại xấu, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của TP thì sẽ nêu tên đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng; và biện pháp cuối cùng là rút giấy phép kinh doanh của cơ sở đó.
Để cùng chung tay với địa phương chống tình trạng tăng giá đột biến trong dịp Lễ hội pháo hoa, những du khách, người dân khi phát hiện hiện tượng này, nên lập tức gọi về đường dây nóng: ông Lữ Bằng: 0913.414.909; Thanh tra Sở VH-TT-DL: 05113.886761; Chi cục QLTT: 05113.624190; Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương: 05113.822525; Thanh tra Sở Tài chính thành phố: 05113.825946 để thông báo. “Năm 2012, nhờ những phản ánh của du khách qua đường dây nóng, mà chúng tôi đã phát hiện ra nhiều khách sạn, nhà hàng tăng giá, và xử phạt nghiêm.” ông Bằng cho hay. |
DIỆU HIỀN
Bình luận (0)