Quyết liệt vào việc ngay từ đầu năm

30/12/2017 08:38 GMT+7

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các bộ, ngành với tinh thần không để "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả".

Năm của nhiều kỷ lục
Trưa 29.12, phát biểu kết luận sau một ngày rưỡi hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm qua những nét chú ý của năm 2017 và nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Thủ tướng nhìn nhận 2017 là một năm thành công bởi cùng với việc hoàn thành, đạt và vượt 13 chỉ tiêu cơ bản, hàng loạt kỷ lục trong nhiều lĩnh vực đã được thiết lập, như kim ngạch xuất khẩu, thu hút vốn FDI, thành lập doanh nghiệp mới, thu hút khách du lịch, giảm nợ công…
Báo cáo tại phiên họp sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm đạt 425 tỉ USD, riêng xuất khẩu là 213,77 tỉ USD, tăng 21,1% và gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Đã có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, tăng 3 thị trường so với năm 2016.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng thông tin, tới thời điểm này, tổng dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt con số kỷ lục là xấp xỉ 52 tỉ USD, tăng khoảng 4 tỉ USD so với dữ liệu cập nhật cách đây khoảng 10 ngày… "Chính chúng ta cũng không thể nghĩ nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu trên 425 tỉ USD và VN xuất siêu; riêng xuất khẩu nông sản đạt 36 - 37 tỉ USD. Quy mô nền kinh tế hiện vào khoảng 5 triệu tỉ đồng đã đưa VN vào top 50 nền kinh tế lớn của thế giới", Thủ tướng chia sẻ.
Từ lời nói để hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc đến không ít “kỷ lục buồn” như về thiên tai, số vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao… Kinh nghiệm, bài học rút ra sau 1 năm, theo Thủ tướng, là nêu cao trách nhiệm của mỗi cá nhân người đứng đầu, vì “làm ì ạch thì làm sao có cách mạng, làm sao hoàn thành được?”, và gắn với phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ. Các chỉ tiêu phải được lượng hóa, đo đếm được, kiểm tra được. Thủ tướng kể, ông rất vui khi nghe tin ở nhiều địa phương, có những cán bộ cứ thứ bảy, chủ nhật là xuống cơ sở, ngồi uống cà phê để lắng nghe những trăn trở của người dân và doanh nghiệp, để tìm ra giải pháp.
Dẫu vậy, Thủ tướng nhắc lại lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, để nhấn mạnh đến tinh thần không chủ quan, không được bằng lòng. “Một đất nước thu nhập bình quân đầu người 2.335 USD thì có gì quá phấn khởi, có phải là nỗi buồn của những người lãnh đạo khi thu nhập bình quân người dân thấp như thế?”, Thủ tướng trăn trở.
Kiểm tra chương trình phát triển kinh tế tư nhân
Dẫn chứng câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có chương trình hành động cụ thể, đồng thời thông báo Chính phủ đã xin ý kiến Bộ Chính trị để lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện nội dung này ở các tỉnh, thành. “Quan trọng nhất là tổ chức thực hiện khi đây vẫn là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai, phải được tháo gỡ. Từ lời nói để hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý phải tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Có đổi mới, áp dụng kỹ thuật công nghệ mới hay không, quan trọng là ở các cấp này. Chứ nếu tổng cục, vụ cứ tham mưu xong rồi thôi thì khó. Cấp này không chịu đổi mới, hội nhập, thay đổi tư duy thì rất khó cho đất nước.
Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ sớm trình dự thảo Nghị quyết 01 về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội kèm theo danh mục 242 đầu việc để Thủ tướng ký ban hành ngay những ngày đầu tháng 1.2018, nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương có cơ sở bắt tay ngay vào việc, tránh tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả".
Trước đó, các phó thủ tướng cũng đã đề cập đến những phần việc cụ thể và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành trong từng mảng việc. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT rà soát lại để báo cáo tổng hợp các giải pháp phát triển các dự án BOT; báo cáo quy hoạch tổng thể, kế hoạch huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng GTVT bằng các nguồn lực xã hội hóa. Cụ thể, với tuyến cao tốc bắc - nam, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tập trung thực hiện tốt khâu chuẩn bị đầu tư, các địa phương phối hợp chặt chẽ, sớm giải phóng mặt bằng nhằm khởi công sớm để có thể đưa vào sử dụng khoảng năm 2020 - 2021.
Bộ GTVT cũng được giao phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành; hoàn thiện phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ Công thương được yêu cầu sớm rà soát lại quy hoạch điện 7 điều chỉnh, chú ý bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời…), từ đó có cơ sở khoa học để cấp phép các dự án bảo đảm phát triển bền vững hệ thống năng lượng cho nền kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.