Một vấn đề được nhiều báo quan tâm nhất là chuyện mở trường, mở ngành của các trường ĐH trong thời gian qua, trong đó có trường ĐH Phan Thiết. Một phóng viên đã thắc mắc về việc cơ sở vật chất hiện tại của trường ĐH Phan Thiết, nếu đào tạo theo hình thức tín chỉ và với nhiều chuyên ngành thì sẽ không thể đảm bảo công tác đào tạo cho quy mô SV của trường hiện nay.
Ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (GDĐH), thành viên đoàn kiểm tra trường ĐH Phan Thiết nói: đoàn kiểm tra đã đến trường và kiểm tra từng phòng học với 1 hội trường đầy đủ tiện nghi chứa được 400 người, 8 phòng có đủ bàn ghế cho 50 chỗ ngồi, 2 phòng có đủ bàn nghế cho 34 chỗ ngồi. Nếu tính trên số chỗ ngồi ở mỗi phòng học thì có thể đảm bảo đào tạo cho khoảng 1.000 SV. Theo ông Khôi, việc mở ngành đào tạo của trường ĐH Phan Thiết được Vụ GDĐH thực hiện trong 3 tháng với đầy đủ các quy trình theo các quy định hiện hành. Vụ GDĐH đã thẩm định dựa trên hồ sơ của trường và trình Bộ trưởng xem xét quyết định cho phép trường được mở các ngành như hiện nay.
“Gắn từ quốc tế vào”...
Một phóng viên khác nêu thực trạng trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã thừa nhận có nhiều bất cập trong việc mở ngành, mở trường nhưng tại sao vẫn chậm trễ trong việc chấn chỉnh và điều chỉnh quy trình thực hiện?
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ GDĐH cho biết: Thời gian qua, chưa có quy định phải thẩm định thực tế khi mở mã ngành, nên việc mở mã ngành mới chỉ được thẩm định trên hồ sơ, dẫn đến tình trạng một số trường đã báo cáo số lượng giảng viên và cơ sở vật chất không trung thực. Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng lại quy trình này và sẽ bổ sung quy định về việc phải thẩm định thực tế khi mở ngành để đảm bảo chất lượng.
“Các trường đều chủ yếu sử dụng số học phí thu tăng chi cho con người và đầu tư cơ sở vật chất, chưa chú ý đến việc tập trung cho đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ giảng viên”.
(trích báo cáo kiểm tra)
|
|
Bà Hà cũng cho biết, Bộ sẽ tổ chức đi kiểm tra, rà soát các trường ĐH để sau 3 năm hoạt động mà không đảm bảo các tiêu chí thành lập thì sẽ phải xem xét, xử lý.
Không tăng học phí, chỉ... thu thêm!
Tại cuộc họp, Bộ cũng đã công bố báo cáo kiểm tra một số trường ĐH trong thời gian qua, trong đó có việc thu chi học phí.
Báo cáo cho biết: các trường chưa tính toán được số học phí trong thực tế thiếu là bao nhiêu, chưa có kế hoạch cụ thể cho các mức chi từ nguồn thu được do tăng học phí, chưa nêu được các mức chi cụ thể cho từng mục.
Đối với việc thu học phí theo tín chỉ do chưa có quy định cụ thể nên còn chưa có mức thu thống nhất, mỗi trường thu một mức khác nhau; Các trường đều chủ yếu sử dụng số học phí thu tăng chi cho con người và đầu tư cơ sở vật chất, chưa chú ý đến việc tập trung cho đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ giảng viên.
Báo cáo kiểm tra cũng xác định: trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chưa công khai mức thu học phí và các khoản đóng góp trên website của trường; chưa xây dựng được cụ thể danh mục đầu tư từ nguồn tăng học phí. Về trường hợp ĐH Công nghiệp TP.HCM, báo cáo kiểm tra cho rằng: “Trường không tăng học phí so với năm học 2008-2009, tuy nhiên do là đơn vị tự chủ về tài chính và là trường thuộc khối ngành về kỹ thuật nên để đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng, mỗi năm trường thu thêm phần kinh phí hỗ trợ đào tạo là 1.600.000 đồng”.
Để làm rõ các khoản thu thêm ở một số trường ĐH trong thời gian qua, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi bên lề cuộc họp báo với ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT). Khi được hỏi việc các trường thu thêm như vậy thì có được phép hay không và dựa trên cơ sở nào, ông Ngữ cho rằng: Hiện chưa khẳng định được các trường thu các khoản đó là đúng hay sai vì còn phải rà soát, xem xét lại quy định của bộ chủ quản trường đó. Tuy nhiên, việc các trường thu học phí vượt khung quy định là sai. Việc tính học phí theo đào tạo tín chỉ cũng phải lấy tổng số học phí của năm học, khóa học chia cho số tín chỉ. Với cách tính này thì số học phí SV phải đóng cũng không thể vượt quá 240.000 đồng/tháng.
Vũ Thơ
Bình luận (0)