Ra tay với đất có chủ bỏ hoang: Việc bỏ hoang đất đã là vi phạm luật

21/02/2011 09:16 GMT+7

Trước những băn khoăn của những người có quyền sử dụng các lô đất về chủ trương dọn vệ sinh và quản lý các khu đất bỏ hoang của TP Đà Nẵng, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Điểu, GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng.

Thưa ông, khi thực hiện chủ trương này, Sở đã lường trước được những phản ứng (tích cực và tiêu cực) của những người có quyền sử dụng các lô đất chưa?

Chúng tôi cũng đã tính tới. Chủ trương của TP là việc làm thân thiện. Khi Nhà nước giao đất cho các cá nhân và tổ chức, theo luật, anh phải có trách nhiệm tối thiểu là bảo vệ môi trường. Trong trường hợp này, rõ ràng mục đích sử dụng của họ là không đúng, khiến phát sinh nhiều mặt trái xã hội từ những lô đất để hoang.

Hiện tại, chúng tôi đã thông báo lên các phòng công chứng số hiệu của các lô đất có chủ nhưng bỏ hoang gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu họ phải thực hiện nghĩa vụ MT về lô đất của mình rồi mới được phép giao dịch.

Nhiều người có quyền sử dụng đất (SDĐ) đồng tình nhưng cũng rất băn khoăn vấn đề làm sao tin số tiền họ phải trả là chính xác?

Trước mắt chúng tôi không sử dụng ngân sách mà là huy động sự góp sức của các lực lượng xã hội bao gồm các tổ chức, đoàn thể và doanh nghiệp. Chính vì vậy, kinh phí của việc thực hiện chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế.

Dù mới là dự kiến nhưng dư luận đang rất quan tâm đến việc người có quyền SDĐ muốn lấy lại đất thì bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ đóng phí dọn vệ sinh, họ còn phải thông báo địa phương trước 6 tháng.

Vấn đề này, chúng tôi còn đang suy nghĩ thêm. Mục đích của chủ trương này là để cảnh tỉnh, yêu cầu các chủ đất có ý thức, trách nhiệm đối với môi trường, đối với xã hội.

Một thực tế hiện nay là dù đã có chủ trương nhưng dưới các phường, họ khá ngần ngại trong việc thực hiện?

Đối với những lô đất mà người có quyền SDĐ không liên hệ, TP phải dọn vệ sinh, chúng tôi sẽ ra những quyết định xử phạt hành chính về việc sử dụng đất sai mục đích gây ảnh hưởng môi trường. Bên cạnh đó, Sở TN-MT sẽ có quyết định giao đất cho phường quản lý. Các phường phải cam kết thực hiện tốt việc bảo vệ những lô đất này. Việc tạm sử dụng với mục đích bảo vệ đất sẽ được thực hiện trên nguyên tắc để nguyên hiện trạng đất. Chúng tôi hoàn toàn đảm bảo các cơ sở pháp lý cho việc thực hiện của mình.

Việc tạm SDĐ theo quy định phải có sự thỏa thuận giữa hai bên, và họ có thể khởi kiện nếu không đồng tình, thưa ông?

Khi người có quyền SDĐ liên hệ thì chúng tôi sẽ thỏa thuận để thống nhất việc tạm sử dụng. Chúng tôi đâu có thu hồi đất hay tước đoạt đất của họ mà chỉ là giữ, bảo vệ đất theo thẩm quyền của mình. Hơn nữa, họ cũng không có đủ điều kiện để khởi kiện vì bản thân việc SDĐ của họ là sai mục đích và đã bị khống chế bởi quyết định xử phạt do làm ô nhiễm môi trường.

“Tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương này của TP Đà Nẵng để đảm bảo MT, vì lợi ích chung của TP. Căn cứ điều 105 và 107 của Luật Đất đai, người SDĐ có các quyền liên quan đến việc SDĐ của mình như quyền được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền SDĐ hợp pháp của mình; quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền SDĐ của mình. Bên cạnh đó, người SDĐ cũng phải có nghĩa vụ liên quan mà trong trường hợp này là nghĩa vụ thực hiện các biện pháp bảo vệ đất và tuân theo các quy định về bảo vệ MT. Nhưng theo Điều 103 của Luật Đất đai, địa phương cũng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương mình.

Việc địa phương tạm SDĐ theo mục đích nào đó thì sẽ được điều chỉnh dựa trên quan hệ của Luật Dân sự, theo đó, phải có sự thỏa thuận với người SDĐ. Trong trường hợp người SDĐ đồng ý thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu không thống nhất, người SDĐ có quyền khiếu nại, khởi kiện trong phạm vi quyền lợi của mình”.

Luật sư Đỗ Pháp,
Đoàn luật sư TP Đà Nẵng

Vũ Phương Thảo
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.