Rắc rối chuyện con voi sẩy thai

30/01/2005 23:41 GMT+7

Voi nhà có chửa là chuyện rất hiếm, voi sẩy thai lại càng chưa nghe nói đến. Thế nên chuyện con voi cái có tên là Y Khăm của nhà Ma Nia bị sẩy thai - thai voi đã xấp xỉ 3 năm tuổi - đang làm xôn xao buôn Đôn, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk)...

Thủ phạm

Kẻ gây ra vụ việc làm xôn xao vùng đất cạnh sông Sêrêpôk này là một... con voi đực tên là Păk Plang, của nhà Y Lít ở cùng buôn. Con voi Păk Plang đã làm một việc "tồi tệ" là dùng sức mạnh cưỡng đoạt con Y Khăm, khiến con voi cái này sẩy thai.

Lần tìm mãi chúng tôi mới đến được nhà Y Lít, nằm cạnh đường đi vào bãi đất thường được dùng tổ chức hội đua voi hằng năm của huyện. Y Lít thở ra: "Mình mới ở ngoài rừng về, vừa làm thuốc cho con voi Y Khăm xong. Nó bị voi Păk Plang nhà mình gây vết thương trên lưng. Nhà Ma Nia giao hẳn cho mình chăm sóc, chữa chạy hơn chục ngày nay". "Thế chữa chạy bằng cách nào?". "Mình lấy vỏ cây thuốc trong rừng về giã nhỏ rồi đem đắp trên lưng nó thôi. Bây giờ thì vết thương của nó cũng đã đỡ rồi".

Y Lít kể lại, cách đây hơn 10 ngày, anh cùng Y Nghĩa - con ông Ma Nia - vào rừng dẫn voi về để chở khách du lịch ở Trung tâm Du lịch Buôn Đôn thì phát hiện Y Khăm bị nhiều vết thương trên lưng, trông rất đau đớn, cạnh đó là voi Păk Plang. Cả hai người đều hiểu chuyện xảy ra đêm qua. Con voi cái gần 50 tuổi đang có chửa, bị xích chặt đôi chân, trong khi con voi đực 27 tuổi khỏe mạnh, lực lưỡng lại được thả rông. Đêm tối, voi đực "cưỡng bức" voi cái, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người trong buôn cũng nói trước đó voi Păk Plang động dục cứ đuổi theo, "đòi" voi Y Khăm hoài.

Một ngày sau khi voi Păk Plang "gây án", voi Y Khăm đẻ non trong rừng. Thai voi đã chết, đó là một con voi đực nặng khoảng 60-70kg, toàn thân phủ đầy lông đen mịn. Gia đình Ma Nia đưa vụ việc này ra cuộc họp toàn buôn để giải quyết, đòi đền bù bằng giá một con voi đực trưởng thành. Cũng còn may là voi Y Khăm không chết sau khi sẩy thai, nếu không vụ việc còn phức tạp hơn.

Voi “dại”, chủ chịu đòn

Trưa ngày 28/1, chúng tôi đến nhà ông Y Ka Byă là em vợ ông Ma Nia, ở buôn Trí, để hỏi thêm sự tình. Y Ka tỏ ra bức xúc khi nói đến chuyện này: "Mình đã nói nhiều lần rồi mà Y Lít không nghe, không canh chừng voi của nó. Con voi nhà, nhất là voi đực, thường bị ức chế khi động dục, nó mà "thèm" rồi thì đâu kể voi cái bao nhiêu tuổi, có chửa hay không. Con voi có chửa phải đến bốn năm mới đẻ. Hiếm lắm chớ, dễ gì mà có một con voi, lại là voi nhà đẻ ra. Voi rừng thì Nhà nước không cho săn bắt nữa rồi".

Y Ka lại bảo: "Luật tục đồng bào mình nghiêm lắm. Con voi nhà nào gây thiệt hại cho ai thì chủ voi phải chịu trách nhiệm. Thậm chí hai con voi đánh nhau, một con bị con kia cắn đứt đuôi thì luật tục cũng buộc chủ voi kia đền một con voi đấy. Huống hồ đây lại chết một con voi". Nhưng rồi ông xuống giọng: "Nói vậy thôi chứ giờ đây, việc đền bù phải dung hòa theo thỏa thuận đôi bên, không thể xử hoàn toàn theo luật tục được, phải tính đúng theo giá trị thiệt hại thực tế của nó".

Ban đầu, nghe đâu cái giá mà nhà Ma Nia đòi Y Lít đền bù là 50 triệu đồng. Nhưng khi họp buôn, ai cũng nói giá như vậy là cao quá nên rút xuống 30 triệu. Tổ hòa giải của buôn cũng đề nghị Ma Nia giảm giá đòi đền bù xuống.

Chúng tôi tìm đến nhà hai lần nhưng không gặp được Ma Nia, lần thứ hai thì có vợ ông là Mí Nia ở nhà. Mí Nia không đồng tình khi nghe nói nhiều người trong buôn cho rằng giá đền bù cao quá: "Ô, nhà nó (chỉ Y Lít) không nghèo đâu, nhà có voi mà! Nó phải trả ít nhất bằng một phần ba con voi lớn chớ. Con voi chết là voi đực mà! Nhà Mí Phương bên kia mới bán con voi đực hơn một trăm triệu đồng đó".

Đến chiều cùng ngày, chúng tôi gặp lại Y Lít thì được anh cho biết, mức giá cuối cùng mà Ma Nia đòi đền bù là 20 triệu đồng và cho trả chậm trong 18 tháng. Nhưng Y Lít bảo, mức đền như vậy cũng quá cao: "Mình chỉ chấp nhận 10 triệu đồng thôi". Anh lập luận: "Đó chỉ là một con voi con, nếu nó trưởng thành, có giá trị cao thì người nuôi cũng phải tốn hàng chục năm chăm sóc, tốn kém hàng chục triệu đồng. Do đó khi đền bù phải trừ đi chi phí này".

Nghe đâu gia đình Ma Nia bắn tin lại, nếu Y Lít không chịu mức 20 triệu đồng thì họ viết đơn đề nghị xã và huyện đứng ra phân xử. Xem ra vụ việc vẫn chưa được giải quyết nhanh gọn như người dân ở buôn Đôn mong muốn...

Trần Ngọc Quyền - Trịnh Huê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.