|
Cho thuê đất, nhận lại ao
Ông Trần Văn Tính (ngụ ấp 6, xã Bình Thắng, H.Bình Đại) cho biết năm 2002, gia đình ông cho Công ty Thuốc lá Bến Tre thuê 1,6 ha đất để nuôi tôm công nghiệp, giá 10 triệu đồng/ha/năm, đến cuối năm 2012 hết hạn hợp đồng. Sau khi nhận lại đất, gia đình đã đề nghị UBND xã Bình Thắng và UBND H.Bình Đại hỗ trợ việc đo đạc, xác định lại ranh giới để gia đình làm ăn và chia cho các con nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, do vậy phần đất này hiện vẫn bị bỏ hoang. Ngoài ra, khi ông mang sổ đỏ đi vay ngân hàng để đầu tư nuôi tôm công nghiệp cũng không được chấp thuận vì lý do trên. Gia đình ông đành phải thỏa thuận với hộ dân bên cạnh để đắp tạm bờ bao phân chia ao tôm ra làm hai. Tuy nhiên, vì bờ bao tạm bợ nên không bên nào dám thả giống mà chỉ khai thác tôm cá tự nhiên sống qua ngày.
Gia đình anh Lê Văn Thông (ngụ cùng ấp) cũng đứng ngồi không yên hơn một năm nay. Anh Thông cho biết mẹ anh cho thuê 3,2 ha đất và hết hạn vào tháng 12.2012. Từ đó đến nay mọi việc vẫn như cũ, gia đình phải sống tạm qua ngày bằng cách bắt tôm cá tự nhiên dưới các ao bị bỏ hoang. Theo anh Thông, phần đất 3,2 ha này trước đây là đất lúa. Sau đó đơn vị thuê đã cho đào ao, đắp bờ nuôi tôm, cá nên giờ đây không thể cày cấy gì được. Muốn làm ruộng phải kêu máy vào san lấp trở lại và chi phí rất lớn. Nhưng trên hết, nếu đất chưa xác định lại ranh giới thì người dân không thể làm gì cả. Anh Thông cho biết thêm sau khi hết hạn hợp đồng, một số công ty cũng đến liên hệ thuê đất nhưng hộ thì đồng ý, hộ thì không, thành ra không cho thuê được.
Xã Bảo Thuận (H.Ba Tri) cũng có khoảng 450 hộ dân (cho thuê hơn 250 ha đất) đang lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Võ Văn Tiền (ngụ ấp Thạnh Lễ) cho biết gia đình ông cho Công ty Xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre thuê phần đất làm muối rộng 0,85 ha để đơn vị này nuôi tôm công nghiệp. Hợp đồng kéo dài 10 năm và hết hạn vào tháng 10.2013. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy công ty này bàn đến việc giao lại đất, trong khi hợp đồng ghi rõ “bên A (tức đơn vị đi thuê) có trách nhiệm hoàn trả lại đất theo hiện trạng ban đầu (nếu bên B yêu cầu)” và “sau khi hết hạn (ngày 15.10.2013 - PV) hợp đồng này coi như được thanh lý”.
Cho thuê tiếp
Ông Nguyễn Minh Trí, Phó chủ tịch UBND xã Bình Thắng, cho biết kể từ khi các hợp đồng cho thuê đất hết hạn, UBND xã đã chủ động liên hệ và làm trung gian để các đơn vị đã thuê, hoặc kêu gọi các công ty, cá nhân mới đến thuê lại đất của người dân. Cũng theo ông Trí, việc cho thuê lại đất UBND xã chỉ đứng ra làm trung gian, còn giá cả, thời hạn thuê và các điều khoản liên quan là do người dân với bên thuê tự thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Trí cũng lưu ý sẽ xiết chặt hơn những vấn đề quan trọng như: sau khi hết hạn việc hoàn trả được tiến hành thế nào, có khôi phục hiện trạng ban đầu hay không, ai chịu chi phí đo đạc...
Liên quan đến những hộ dân muốn đo đạc và nhận đất trở lại để tiếp tục canh tác, ông Trí cho biết xã đã kiến nghị lên UBND huyện hỗ trợ. “Riêng đối với những hộ nghèo, cận nghèo, chúng tôi kiến nghị miễn phí đo đạc”, ông cho biết thêm. Còn ông Nguyễn Văn Nghị, Phó chủ tịch UBND H.Ba Tri, thì cho biết UBND huyện đã chỉ đạo các xã đứng ra làm trung gian để người dân tiếp tục cho thuê đất. “UBND huyện sẽ giải quyết theo hướng này và cơ bản mọi thứ đã ổn thỏa”, ông Nghị khẳng định.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân cho rằng việc cho thuê đất trở lại sẽ không giải quyết được vấn đề. Vì sau khi hết hạn hợp đồng (5 hoặc 10 năm nữa) thì người dân vẫn yêu cầu nhận lại đất để canh tác. Việc đo đạc, phân chia, tách thửa trở lại cần phải làm ngay từ bây giờ thay vì “tránh” bằng cách vận động dân tiếp tục cho… thuê.
Khoa Chiến - Giao Hòa
>> Cho thuê đất giá 'bèo' còn bị kiện
>> Dừng cho thuê đất làm kho bãi tại CCN Nhơn Bình
>> Dừng cho thuê đất tại “cụm công nghiệp sạch”
>> Nhiều sai phạm liên quan đến cho thuê đất tại Long Hồ
Bình luận (0)