Mỗi ngày cả nước thải ra gần 68.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Lượng rác thải này gia tăng hàng năm, gây ra nhiều áp lực, thách thức không nhỏ trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).
Vì vậy, luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có những quy định mới mang tính đột phá, thay đổi cách thức quản lý, ứng xử với chất thải nói chung và CTRSH nói riêng. Một trong những điểm mới đó là quy định nguyên tắc phân loại CTRSH làm 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế này, luật quy định UBND tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể CTRSH với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31.12.2024. Chính sách trên được đánh giá là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cả mô hình quản lý CTRSH cũng như việc vận hành triển khai trên thực tế.
Rác ùn lên mỗi ngày, không thể chờ cơ chế
Tính đến thời điểm này, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã bắt đầu có những mô hình thí điểm việc phân loại cụ thể CTRSH. Tuy nhiên, không ít những địa phương gặp khó khăn từ kinh phí, các khâu thu gom, vận chuyển, xử lý...
Đáng chú ý, một số địa phương còn đang gặp vướng mắc ngay từ bộ phận đứng đầu lĩnh vực môi trường của tỉnh.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Ninh Bình, cho biết có 3 cái khó đơn vị đang gặp phải để triển khai phân loại rác tại nguồn. Đầu tiên là Phòng Xử lý chất thải rắn, hiện nay, chỉ có 3 địa phương có phòng này là Hải Phòng, Hà Nội và TP.HCM còn các Sở TN-MT chưa có hoặc đang ghép lại, đơn vị đang băn khoăn việc làm như thế nào.
Thứ hai là kinh phí thực hiện phân loại cụ thể CTRSH, đến nay Bộ TN-MT cũng chưa có quy định cụ thể, ông Dũng yêu cầu bộ nhanh chóng có hướng dẫn để các địa phương tính toán.
Thứ 3 là về cơ chế. Vị Phó giám đốc khẳng định, đây là việc khó nhất với Sở TN-MT Ninh Bình bởi yêu cầu đất dành cho nhà máy xử lý rác là đất đấu thầu.
"Rác của tỉnh này có sang tỉnh khác được đâu. Bộ TN-MT phải có định hướng rõ ràng là tỉnh nào làm tỉnh đấy. Tỉnh tôi sẵn sàng đầu tư kinh phí để xử lý rác nhưng vướng về cơ chế đấu thầu về đất, về rác. Tỉnh bỏ tiền đầu tư nhưng cơ chế đấu thầu phải mời doanh nghiệp, làm nhà máy điện rác lại vướng quy hoạch về điện, rất vướng về cơ chế", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng nên có cơ chế tỉnh nào lo cho tỉnh đấy bởi dù đây là việc nhỏ nhưng "cần phải nhanh vì rác không thể để lâu được, vài ngày là bốc mùi lên rồi, không thể chờ cơ chế".
Đồng quan điểm với ông Dũng, ông Phạm Bình Công, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên, cho biết đơn vị đang vướng mắc cơ chế nhiều tháng nay chưa làm được nhà máy điện rác vì cơ chế đấu thầu. Ông lấy ví dụ, việc ưu tiên hạ tầng để thực hiện phân loại cụ thể CTRSH phải thuộc dạng ưu tiên "giống như đi máy bay vé hạng thương gia thì mới qua".
"Năm 2016, tỉnh chúng tôi đã làm nhà máy điện rác đầu tiên nhưng khi lên Bộ Công thương thì vướng ngay quy hoạch về điện nên phải hủy. Bây giờ, chúng tôi tiếp tục làm nữa vì vấn đề rác quá bức xúc nhưng mấy tháng nay tôi gọi biết bao nhiêu cuộc cho Sở KH-ĐT, Sở Tư pháp nhưng vẫn chưa được. Chúng tôi đề nghị với cục và Bộ TN-MT thảo luận kỹ về nội dung này, làm sao tháo gỡ cơ chế đảm bảo cho tỉnh có hoạt động đúng", ông Công nhấn mạnh.
Ông Công lấy ví dụ cách đây 3 năm tỉnh Thái Nguyên đã bỏ ngân sách 50 tỉ đồng để thực hiện phân rác tại nguồn tại TP.Thái Nguyên. Tuy nhiên, do chi phí quá lớn, đơn vị vận chuyển không đủ xe phân loại, người dân cũng chưa thực hiện đúng nên kế hoạch bị phá sản vì vướng về cả nhận thức của người dân và cơ chế.
Tháng 10 sẽ có mức phí cụ thể về thu gom, xử lý rác
Trả lời vướng mắc của các đơn vị trên, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, (Bộ TN-MT), cho biết, về các văn bản ban hành cho công tác quản lý rác sinh hoạt, hiện nay bộ đã ban hành 9/10 loại, chỉ còn văn bản định mức kinh tế kỹ thuật cho công tác thu gom, phân loại, vận chuyển chất thải sinh hoạt, bộ đang cố gắng hoàn thành, khoảng tháng 10 sẽ ban hành.
"Địa phương có công nghệ nào sẽ áp dụng mức phí đó, ngoài ra, địa phương thấy định mức của bộ ban hành phù hợp với tỉnh thì có thể sử dụng thẳng vào tính đơn giá, có 1 số đặc thù thì sẽ trình HĐND tỉnh ban hành giá phù hợp", ông Thức nói.
Về vướng mắc Phòng Xử lý chất thải rắn, ông Thức cho rằng, các địa phương đều có thể tự quyết định việc này. Về phân loại rác tại hộ gia đình, luật đề nghị triển khai tốt đồng bộ từ khâu phân loại đến hạ tầng thu gom vận chuyển và đến khâu cuối cùng là xử lý bằng công nghệ nào.
"Để làm tốt thì quy hoạch phải đồng bộ. Đến nay, cái gì không nằm trong quy hoạch thì chúng ta không làm được gì, kể cả đốt rác phát điện. Nếu như tỉnh dự định đốt rác phát điện rồi nhưng quy hoạch điện chưa nằm trong pháp luật về năng lượng thì chưa thể đầu tư được", ông Thức nói tiếp.
Theo ông Thức, luật có quy định trong xử lý rác thải rắn sinh hoạt thì đầu tiên phải qua đấu thầu. Trong trường hợp không đấu thầu thì sẽ thông qua hình thức giao nhiệm vụ. "Việc các sở vướng mắc rồi yêu cầu kiến nghị đến Chính phủ thì không thể vì nếu như vậy, phải thay đổi luật và liên quan đến luật Đấu thầu", ông nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng, liên quan về đấu thầu cho các nhà máy đốt rác phát điện thì luật Bảo vệ môi trường có ưu tiên với đất đai và tỉnh phải chuẩn bị cho mặt bằng đất sạch, ra đấu thầu chỉ đấu thầu về công nghệ xử lý. Nếu không có nhà thầu nào đáp ứng được sẽ chuyển sang hình thức là đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Bình luận (0)