Rác thải 'uy hiếp' vịnh Hạ Long

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
24/09/2024 07:00 GMT+7

Lượng rác thải khổng lồ từ nghề nuôi trên biển bị bão số 3 đánh trôi, đang bủa vây di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Nguy cơ thảm họa môi trường tái diễn nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Rác thải bủa vây di sản thế giới

Theo phản ánh của nhiều du khách, gần đây trên vịnh Hạ Long xuất hiện lượng rác khổng lồ, chủ yếu là phao xốp, bè tre, chai nhựa... Thậm chí có những vị trí rác dày đặc, phủ kín một góc biển khiến ai cũng cảm thấy xót xa trước môi trường di sản của nhân loại bị đe dọa.

Rác thải 'uy hiếp' vịnh Hạ Long- Ảnh 1.

Bè tre dạt vào các cánh rừng ngập mặn trên vịnh Hạ Long

ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

Ghi nhận của PV Thanh Niên từ ngày 20 - 23.9 cho thấy, sau khi bão số 3 (Yagi) đổ bộ Quảng Ninh khiến lượng rác khổng lồ trôi dạt vào vịnh Hạ Long. Lượng rác trên chủ yếu là phế liệu, dụng cụ trước đây được dùng phục vụ nuôi trồng thủy sản của ngư dân. Do ảnh hưởng của bão, các bè nuôi trồng thủy sản vỡ hỏng, trôi khắp nơi.

Bão Yagi thiệt hại gần 2 tỉ USD, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ khẩn cấp

Vịnh Hạ Long với đặc thù có hàng nghìn đảo đá nên lượng rác thải này phần lớn mắc ở chân bờ cát, núi đá. Số còn lại thì lênh đênh trên biển không được thu gom. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng cảnh quan môi trường, gây cản trở lưu thông của tàu, thuyền. Đặc biệt, hàng nghìn quả phao xốp bị đánh vỡ đã tạo ra vi nhựa đầy trên mặt biển, là mối lo ngại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường biển.

Rác thải 'uy hiếp' vịnh Hạ Long- Ảnh 2.

Mặt biển vịnh Hạ Long đầy vi nhựa

ẢNH: N.H

Tại khu vực đảo Tuần Châu, đảo Rều, hòn Trống Mái…, những ai đi qua đều rùng mình trước "núi rác" khổng lồ. Đáng chú ý, tại bãi tắm Tuần Châu nhiều ngày qua số lượng bè tre còn phủ kín bờ cát khiến hoạt động tắm biển, vui chơi phải dừng lại do không đảm bảo an toàn.

Anh Lê Xuân Vinh (52 tuổi, chủ tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long) cho biết: "Hàng chục năm chở khách trên biển, tôi mới chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đến vậy. Chi chít mảng bè tre lớn, phao xốp trôi nổi trên mặt biển. Các tàu thuyền rất sợ phải đi qua, nếu không cẩn thận là chân vịt sẽ mắc phải khiến phương tiện gặp sự cố".

Cơ giới hóa thu gom rác

Trước sự cố trên, Ban quản lý (BQL) vịnh Hạ Long triển khai công tác rà soát thiệt hại và xác định nguồn rác thải này. Theo đó, lượng rác chủ yếu từ nghề nuôi trên biển của nhiều địa phương như H.Vân Đồn, TX.Quảng Yên, TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) và H.Cát Hải (Hải Phòng) sau khi bị bão số 3 càn quét, theo dòng nước đẩy sang vịnh Hạ Long. Còn trong lòng di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long từ lâu không có hoạt động nuôi trồng thủy sản. Điều đáng nói, mặc dù biết sự cố xảy ra nhiều ngày qua, nhưng chính quyền các địa phương lân cận, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản cứ phó mặc TP.Hạ Long xử lý.

Rác thải 'uy hiếp' vịnh Hạ Long- Ảnh 3.

Rác thải trôi trên vịnh Hạ Long sau bão

ẢNH: N.H

Để khắc phục sự cố môi trường nói trên, UBND tỉnh Quảng Ninh giao BQL vịnh Hạ Long mời Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cử chuyên gia hỗ trợ thực hiện khảo sát, lập báo cáo đánh giá hiện trạng về giá trị địa chất - địa mạo và giá trị đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long, tư vấn giải pháp bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của vịnh này.

Cùng với đó, nhiều ngày qua UBND TP.Hạ Long huy động gần 20.000 người tham gia dọn vệ sinh trên vịnh Hạ Long và bờ biển. Riêng BQL vịnh Hạ Long, ngoài lực lượng sẵn có là 20 tàu, thuyền và 1.000 người thu gom bằng phương pháp thủ công tại các điểm tham quan, đã huy động thêm 2.000 người là lãnh đạo, cán bộ nhân viên đơn vị cùng tham gia thu gom.

Rác thải 'uy hiếp' vịnh Hạ Long- Ảnh 4.

Lượng rác khổng lồ mắc vào các đảo đá

ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

Thế nhưng việc thu gom rác vẫn bằng phương pháp thủ công nên "sức người có hạn". Trong khi đó, riêng vùng lõi vịnh Hạ Long đã rộng hơn 300 km2, nếu tiếp tục thu gom bằng phương pháp hiện nay thì không xuể.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng BQL vịnh Hạ Long, cho biết đã báo cáo Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) về sự cố này. Trước mắt, để đón khách du lịch, đơn vị đã mở lại 3/5 tuyến tham quan trên vịnh Hạ Long khi đủ điều kiện. Cùng đó, giải pháp ban đầu sẽ khoanh vùng thu gom tại các điểm tham quan. Các khu vực còn lại sẽ được dồn về các điểm khác để thu dọn dần do số lượng rác quá lớn không thể xử lý trong thời gian ngắn.

Rác thải 'uy hiếp' vịnh Hạ Long- Ảnh 5.

Công tác xử lý thu gom rác vẫn chỉ bằng sức người

ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

Cũng theo ông Cường, về lâu dài, đơn vị sẽ phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Quảng Ninh triển khai đề tài sản xuất phương tiện cơ giới tăng hiệu suất vớt rác trên vịnh Hạ Long.

BQL vịnh Hạ Long cũng đề nghị các địa phương lân cận tăng cường công tác xử lý, thu gom không để rác sau bão phát tán trên biển; đồng thời xây dựng cơ chế chính sách quản lý Di sản liên tỉnh vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (Hải Phòng); trong đó, tập trung công tác quản lý các hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường, kiểm soát, thu gom và xử lý các nguồn rác thải phát sinh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.