Rằm tháng Giêng 'nên ở nhà giữ tâm an thay vì đi lễ chùa' để phòng dịch

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
25/02/2021 12:12 GMT+7

Mai là Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu, nhiều chùa ở TP.HCM đóng cửa để tránh tập trung đông người. Một số chùa lớn tuy mở cửa nhưng khuyến khích người dân nên ở nhà thay vì đi lễ chùa để phòng dịch Covid-19 .

Ý nghĩa việc đi chùa ngày rằm tháng Giêng

Dân gian có câu "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng" để nói về tầm quan trọng của ngày rằm đầu tiên trong năm. Giải thích ý nghĩa của ngày rằm tháng Giêng, Hòa thượng Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó tổng biên tập thường trực Báo Giác Ngộ, trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang cho biết một năm có 3 ngày rằm chính là rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10 (còn được gọi là Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên). Người Trung Hoa xưa đã phân chia như vậy, cho đến khi Phật giáo vào Việt Nam thì vẫn giữ 3 cột mốc ngày rằm quan trọng trong năm.

Tháng 1 âm lịch, nhiều người tranh thủ đến lễ chùa cầu bình an

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Hòa thượng giải thích thêm, tính theo lịch âm, tháng Giêng là tháng đầu của năm, trong dân gian còn gọi “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, thể hiện tập tục dân gian vì con người làm việc quanh năm mệt mỏi nên họ muốn được nghỉ ngơi, thư thả. Riêng đối với người theo đạo Phật, rằm tháng Giêng quan trọng hơn và thường đi chùa để cầu bình an, vái lạy Phật vì ngày mùng 1 Tết có thể chưa có dịp đi chùa.
Chính vì vậy mà các chùa, ngay cả Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2, TP.HCM) ngay từ mồng 8 tháng Giêng đã làm lễ khai Kinh Dược Sư để cầu an cho bá tánh. Mặt khác, đầu năm nhiều người cũng thích đi chùa để cầu an, một số khác lại bị ảnh hưởng bởi tập tục xem tốt xấu từ xa xưa, người nào gặp phải sao hạn, không tốt người ta sẽ bị lấn cấn nên đầu năm đi chùa cầu an mới yên tâm.
Tương tự, thầy Thích Chúc Phương cho rằng phần lớn người Việt Nam thường đi chùa đầu năm để cầu mong may mắn, thuận lợi. Trước tiên cầu bình an khỏe mạnh, sau là gửi gắm ước nguyện, đó cũng là một cách để giải tỏa muộn phiền sau một năm làm việc vất vả.

Nên ở nhà vào rằm tháng Giêng thay vì đi chùa để phòng dịch

Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ năm 2020 là năm thiên tai dịch bệnh, phần lớn người đến chùa thường tâm sự chuyện làm ăn không được suôn sẻ nhưng ông bà người Việt mình có câu “Người sống hơn đống vàng”. Vì vậy, trải qua 1 năm đại dịch mà mình vẫn bình yên, những người làm ăn thì bệnh dịch quanh năm khiến kinh doanh khó khăn nhưng mình nên chia sẻ với xã hội, tự an ủi mình được sống bình yên đã quý lắm rồi.
“Nhìn vào thế giới có thể thấy ở nước mình vẫn còn rất ổn. Trong môi trường sống con người phải giữ sự thân thiện với nhau trước trong thời buổi hòa bình thì đến khi có thiên tai dịch bệnh thì các cộng đồng vẫn rất trân quý giúp đỡ nhau. Bá tánh nên ở nhà bái Phật 3 lạy giữ được tâm an, ông bà mình đã nói thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba mới tu chùa”, Hòa thượng chia sẻ.

Nhiều người đến chùa Vĩnh Nghiêm cầu bình an giữa dịch Covid-19

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Còn với Phật tử, Hòa thượng Thích Giác Toàn khuyên mọi người nếu đến thì bái Phật 3 lạy rồi về, có thể bỏ qua việc tụng kinh vì dịch Covid-19, phải để ý giãn cách an toàn, đứng nhóm 2 người chứ không tụ tập đông người.
Theo thầy Thích Chúc Phương, đối với Phật giáo, rằm tháng Giêng để đánh dấu 1 năm mới nên cũng không đặt nặng việc cúng kiếng, với những người cúng tại nhà, mâm cúng có hoa, trái cây, nước là đủ.

Pháp viện Minh Đăng Quang đóng 1 cánh cửa lớn và khuyên Phật tử hạn chế đến chùa

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Pháp viện Minh Đăng Quang vắng người dịp rằm tháng Giêng

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Về việc ăn chay, thầy Thích Chúc Phương cho biết: “Ngày 15 là ngày rằm cũng là ngày tốt nên nhiều người không sát sinh, chuyển qua ăn rau củ cũng là một cách để thanh lọc cơ thể bớt đi tính ác tính xấu. Ăn chay là cách bảo vệ môi trường và dương sinh trị bệnh nhưng phải ăn đúng phương pháp và chọn lọc đúng thì mới có thể chữa bệnh, thanh lọc cơ thể”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.