Robot đưa người qua đường

01/04/2015 12:45 GMT+7

Sáng 31.3, tại nút giao thông Phan Đăng Lưu-Lê Thanh Nghị (TP.Đà Nẵng), Trường ĐH Duy Tân, Quận đoàn Hải Châu phối hợp với Cảnh sát giao thông, tổ chức thử nghiệm hoạt động của robot đưa người qua đường và hệ thống cảnh báo dừng sai vạch...

Sáng 31.3, tại nút giao thông Phan Đăng Lưu-Lê Thanh Nghị (TP.Đà Nẵng), Trường ĐH Duy Tân, Quận đoàn Hải Châu phối hợp với Cảnh sát giao thông, tổ chức thử nghiệm hoạt động của robot đưa người qua đường và hệ thống cảnh báo dừng sai vạch...

Thử nghiệm robot dắt người qua đường ở ngã tư Lê Thanh Nghị-Phan Đăng Lưu (TP.Đà Nẵng)
- Ảnh: An Dy
 
Đây là những sản phẩm sáng tạo, với nhiều ý tưởng độc đáo, tích hợp công nghệ vào thực tế cuộc sống của nhóm sinh viên (SV) đam mê nghiên cứu khoa học.
Robot độc đáo
Khi bạn đến gần, chú robot cao 1,9 m sẽ đưa ra lời mời thú vị: “Tôi là robot đưa người qua đường. Mời bạn ấn nút khởi động, tôi sẽ đưa bạn qua đường”.
Lời mời được thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Với tay phải cầm gậy dẫn đường giơ lên cao có hệ thống đèn, còi hú hỗ trợ để xin người tham gia giao thông nhường đường, tay trái của robot sẽ đưa khách qua đường. Khi qua hết phần đường, robot sẽ nói lời tạm biệt rồi quay về vị trí xuất phát.
“Robot được gắn nhiều cảm biến, trong đó có những cảm biến siêu âm loại tiên tiến, có khả năng đọc và xử lý tình huống rất nhanh. Vì vậy, khi dẫn người qua đường, nếu thấy xe hoặc vật cản tới gần, robot sẽ chủ động dừng lại chờ xe qua hoặc tăng tốc đi nhanh hơn, quay bánh lùi lại để tránh xe”, Nguyễn Công Tín, SV Khoa Điện-Điện tử, thành viên nhóm nghiên cứu robot chia sẻ.
Mỗi lần sang đường, robot sẽ hoạt động trung bình 1,5 phút. Mỗi ngày, chú robot có thể đưa hơn 50 lượt người qua đường mới tiêu tốn hết nhiên liệu dự trữ.
Được biết, ý tưởng hình thành nên robot dẫn đường nảy sinh khi Tín vào TP.HCM chơi, và chứng kiến cảnh những người chạy xe ôm kiếm tiền bằng việc đưa du khách Tây qua đường. Từ đó, Tín cùng các bạn Võ Thành Nghĩa, Hà Kim Tùng - học cùng lớp - đã thiết kế nên chú robot thông minh này.
Hệ thống cảnh báo dừng sai vạch đang chạy thử nghiệm - Ảnh: Diệu Hiền
 
Theo các thành viên nhóm nghiên cứu, robot sẽ được thiết kế, đặt ở những khu vực công cộng có đông người qua đường như bệnh viện, trường học, chợ, trung tâm thương mại… phục vụ những người già yếu, người khuyết tật, trẻ em, khách du lịch, người nước ngoài. Bước đầu, chi phí sản xuất một chú robot như thế này mất khoảng 15 triệu đồng, đầu tư chủ yếu cho động cơ và bộ điều khiển.
Hệ thống báo đi sai vạch và camera chụp ảnh vi phạm
Cũng là một sản phẩm phục vụ cho lĩnh vực giao thông, xuất phát từ ý tưởng của cô sinh viên duy nhất của lớp Điện-Điện tử, ĐH Duy Tân: bạn Mai Thị Quỳnh Hoa.
“Em đi đường, thấy rất nhiều người khi dừng đèn đỏ lấn vạch hoặc vượt đèn đỏ. Hệ thống cảnh báo dừng xe sai vạch sẽ tự động nhận biết, và cảnh báo bằng tiếng “Bạn đã dừng xe sai vạch” để nhắc nhở ý thức tuân thủ luật giao thông”, Hoa chia sẻ.
Khi bắt tay vào làm nên sản phẩm, Hoa cùng các bạn Phạm Tiến Cường, Hồ Công Tín cũng gặp không ít khó khăn khi phải tìm tòi nguyên vật liệu để chế tạo cho phù hợp.
“Nhiều khi mạch cháy, máy Mp3 hỏng, phải thay máy mới, nhưng em cũng không nản lòng vì đã nghiên cứu là say mê, miệt mài, không tiếc sức. Em đang nghiên cứu thêm bước nữa để nâng cấp hệ thống gắn thêm camera, khi người đi sai luật, đậu sai vạch và vượt đèn đỏ thì máy sẽ tự động ghi lại hình ảnh biển số xe đó, gửi đến Cảnh sát giao thông phục vụ việc xử phạt nguội”, Hoa nói đầy say mê về công trình nghiên cứu của mình.
“Robot dẫn đường trong lớp đồng phục áo xanh của thanh niên Việt Nam tạo độ thân thiện, tin cậy với người sử dụng. Tôi tin tưởng rằng những sản phẩm độc đáo với khá nhiều tiện ích này sẽ phát huy tác dụng ở những khu phố đông đúc phương tiện, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của tuổi trẻ Việt Nam”, anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Quận đoàn Hải Châu phát biểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.