Chiết khấu tối thiểu hay cố định cho bán lẻ?
Bà Bùi Thị Loan, chủ doanh nghiệp (DN) tư nhân có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Gia Lai, cho rằng quy định một mức chiết khấu tối thiểu trong dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu mới giúp đại lý bán lẻ không bị chèn ép từ đầu mối cung cấp. Thời gian qua, tại những thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng, trong nước chuẩn bị điều chỉnh tăng thì các DN đầu mối báo không có hàng hoặc đưa chiết khấu về 0 đồng. Trong khi đó, kinh doanh tại vùng xa thì có tháng cao điểm như lễ tết tăng cao nhưng không có hàng để bán, tháng mưa dầm không lấy hàng thường xuyên do người mua không có, sản lượng giảm.
Từng có 8 cửa hàng nhưng đã chuyển nhượng hết 3 cửa hàng do thua lỗ kéo dài, ông Trần Đình Sơn, Giám đốc Công ty TNHH An Phước An (Đồng Nai), cũng đề nghị nên có quy định mức chiết khấu tối thiểu, chứ không nên cố định hoặc thả nổi chiết khấu để các DN tự thương thảo với nhau. Bởi xăng dầu vẫn là mặt hàng thuộc nhà nước điều hành quản lý và liên quan an ninh năng lượng quốc gia nên cần quy định mức tối thiểu để DN bán lẻ và cả thương nhân phân phối có động lực phấn đấu, tăng sản lượng...
Chẳng hạn, hiện tại chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho, cảng về cây xăng trung bình 170 đồng/lít; chi phí nhân công, điện, nước, thuế khoảng 330 đồng/lít; nếu thuê hoặc đầu tư cây xăng để kinh doanh thêm chi phí 300 đồng/lít. Như vậy, tổng cộng người bán lẻ chi cho 1 lít xăng dầu đưa về bán tại cửa hàng hết 500 - 800 đồng, chưa có lãi. Nếu định mức chiết khấu tối thiểu khoảng 1.000 đồng/lít thì DN bán lẻ lãi được 200 đồng/lít. Ngoài ra, theo ông Sơn, chiết khấu nên tùy vào lượng hàng của DN lấy. Chẳng hạn, chiết khấu cho cửa hàng bán 100 khối (m3)/tháng khác cửa hàng bán 1.000 khối/tháng.
Đồng quan điểm, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị có quy định về chiết khấu tối thiểu trên mỗi lít xăng cho DN bán lẻ để đảm bảo họ có lãi, duy trì kinh doanh, cung ứng. Theo địa phương này, hệ thống chuỗi các cửa hàng bán lẻ của DN lớn (tập đoàn, công ty có vốn nhà nước chi phối) chưa phủ đều đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, mà do DN địa phương, DN tư nhân... đảm đương. Tuy nhiên, hiện không có quy định chiết khấu định mức (mức hoa hồng các đầu mối, thương nhân phân phối trích lại) cho các cửa hàng bán lẻ, dẫn tới nhiều đơn vị thua lỗ, phải ngừng kinh doanh, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Ngoài ra, ngày 3.2, Bộ Tài chính trong công văn góp ý sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu, cũng đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu định mức thù lao tối thiểu cho bán lẻ xăng dầu để họ hoạt động ổn định, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.
Tuy nhiên, một số thương nhân phân phối (khâu đưa xăng dầu từ DN đầu mối đến hệ thống bán lẻ - PV) có ý kiến ngược lại khi cho rằng chiết khấu nên để thị trường tự quyết định vì các đầu mối nhập khẩu đã được giao tổng nguồn và thêm tồn kho 20 ngày. Như vậy, đầu mối đưa hàng về phải bán ra càng nhiều càng tốt và duy trì tỷ lệ tồn kho thấp nhất để còn nhập tiếp lần sau. Các đầu mối xăng dầu không bao giờ thỏa hiệp được với nhau khi thị trường dồi dào hàng hóa. Thế nên, kiến nghị về chiết khấu có thể hợp lý với DN bán lẻ hiện tại, nhưng không hợp lý trong tổng thể chung.
Bộ Công thương đề nghị các địa phương siết kinh doanh xăng dầu
Cần thiết, nhưng đi lùi?
Chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét: Đề xuất mức chiết khấu cố định là không cần thiết và đẩy nền kinh tế quay trở lại thời bao cấp. "Tôi ủng hộ quan điểm nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu nên đề cập về mức thù lao tối thiểu cho bán lẻ xăng dầu để họ hoạt động ổn định. Điều này là cần thiết và trong bối cảnh ta chưa có thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường đúng nghĩa. Tuy nhiên, chiết khấu bao nhiêu thể hiện trong hợp đồng mua bán giữa đầu mối và thương nhân phân phối với bán lẻ, không thể đưa vào
tỷ lệ phần trăm trong nghị định được. Nếu đưa một tỷ lệ chiết khấu cố định vào luật, vô hình trung chúng ta đang muốn nền kinh tế quay lại thời bao cấp. Không biết anh bán được bao nhiêu lít xăng, nhưng cứ 1 lít bán ra bảo đảm lợi nhuận đạt chừng ấy. Thế nên xây dựng nghị định cần xem xét đưa hoạt động của DN bán lẻ, phân phối, kể cả DN đầu mối vào quy trình theo cách thức hướng tới một thị trường cạnh tranh. Mức bao nhiêu thì các hợp đồng đàm phán, mua bán giữa các DN tự thỏa thuận với các điều kiện theo hoàn cảnh, sản lượng của nhà bán lẻ…", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Còn chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) có quan điểm ngược lại khi cho rằng vẫn có thể đưa quy định tỷ lệ chiết khấu tối thiểu vào nghị định được. Thực tế, việc đưa vào mức lợi nhuận định mức mới đi ngược lại cơ chế thị trường, triệt tiêu tính cạnh tranh trong thị trường. Nhưng một tỷ lệ chiết khấu tối thiểu bảo đảm cho DN bán lẻ hoạt động ổn định là cần thiết. "Lạm phát chúng ta cũng được đưa vào tỷ lệ phần trăm và được Quốc hội thông qua đấy thôi. Thế nên, chiết khấu cho bán lẻ xăng dầu vẫn có thể quy định được tỷ lệ phần trăm trong nghị định. Mức tối thiểu là tạm chấp nhận được và bảo đảm lợi ích hài hòa. Hơn nữa, có tỷ lệ tối thiểu, việc kiểm toán sau này đối với DN kinh doanh xăng dầu nói chung cũng dễ hơn và khoa học hơn. Còn lại, sự phấn đấu, nỗ lực, cạnh tranh của các DN nằm trong những thỏa thuận cụ thể từng hợp đồng mua bán giữa 2 bên với nhau. Các điều khoản trong hợp đồng mua bán giữa đầu mối với bán lẻ, phân phối với bán lẻ phải được chú trọng hơn", ông Lạng giải thích.
Một thương nhân phân phối
Nghị định sửa đổi cần quy định mức chiết khấu cố định tối thiểu 5% trên giá bán lẻ cho đại lý bán lẻ trong cơ cấu giá cơ sở do cơ quan quản lý ban hành tại mỗi kỳ điều chỉnh.
Ông Lê Văn Báu, Công ty TNHH xăng dầu Minh Đạt (TP.HCM)
Bình luận (0)