|
Tám năm trước, Nguyễn Văn Thắng (30 tuổi, ở xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) tốt nghiệp bậc cao đẳng ngành công nghệ thực phẩm, Trường ĐH công nghệ Sài Gòn. Vừa ra trường, anh được nhận vào làm việc tại một công ty ở Bình Dương. Mức lương của anh dần được nâng lên đến 8 triệu đồng/tháng, là niềm mơ ước của nhiều người. Lãnh đạo công ty hứa sẽ tạo điều kiện cho đi học nâng cao trình độ chuyên môn và bố trí công việc với mức lương cao hơn. Tuy nhiên, Thắng vẫn nhất quyết xin thôi việc trở về quê chăm sóc bố mẹ già yếu để người em trai yên tâm công tác tại TP.Hồ Chí Minh. “Mọi người cứ khuyên tôi ở lại vì mỗi tháng vợ chồng thu nhập hơn 13 triệu đồng, cuộc sống khá ổn định. Nhưng tụi tôi không thể tiếp tục công việc vì ở quê không có người chăm sóc bố mẹ thường xuyên đau ốm” - Thắng tâm sự.
Trước khi thôi việc, anh xin chuyển sang làm ca đêm. Hàng ngày, anh đến giúp việc tại trang trại nuôi chim bồ câu của người bạn để học hỏi kinh nghiệm với ước muốn đây sẽ là “cần câu cơm” cho cả gia đình khi trở về quê nhà. Về đến quê, anh gom số tiền tích cóp cùng với khoản vay mượn được gần 150 triệu đồng xây dựng chuồng trại và trở vào Bình Dương mua 150 cặp bồ câu giống Pháp và Hà Lan.
Sau hơn 1 tháng chăm sóc, nhiều cặp bồ câu giống đã đẻ và ấp trứng nở ra những chú chim non lông óng mượt như tơ trước sự vui mừng của cả gia đình. Thắng thường xuyên truy cập vào mạng Internet để học hỏi kỹ thuật chăm sóc chim và tìm kiếm khách hàng. Bất kể đêm ngày, Thắng rong ruổi xe máy lân la đến các quán ăn, dịch vụ nấu cỗ để tìm thị trường tiêu thụ. Vì thế, khách hàng của anh ngày càng đông. Hiện trong chuồng trại của anh có 170 cặp chim bố mẹ với mức sinh sản mỗi tháng được khoảng 150 cặp chim ra ràng. Tùy theo thời gian chăm sóc, mỗi cặp chim thịt hoặc chim giống được anh bán với giá từ 75.000 - 450.000 đồng, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho khách hàng.
|
Trái với sự e ngại của nhiều người lúc ban đầu, hiện mỗi tháng anh thu được khoản lãi trên 3 triệu đồng từ mô hình nuôi chim bồ câu. Thắng chia sẻ: “Nuôi chim bồ câu rất dễ vì ít bị dịch bệnh khi được nuôi nhốt. Mỗi ngày, tôi chỉ dành 2 giờ đồng hồ cho việc chăm sóc, nhưng khoản lãi cao gấp nhiều lần so với công việc khác. Tôi sẽ tiếp tục mở rộng chuồng trại để nuôi 500 cặp chim giống bố mẹ.”
Cùng với việc chăm sóc chim, Thắng còn nuôi 2 con bò sinh sản, 50-60 con gà thả vườn. Anh còn canh tác hơn 3 sào ruộng lúa và rau xanh. Những lúc rỗi rãi, Thắng lại mang lưới thả cá ở đầm Lâm Bình mang về làm thức ăn cho gia đình và xoay nhuyễn, trộn với cám, ngô làm thức ăn cho gà. Anh nhẩm tính, sau khi trừ chi phí cũng thu được khoản lãi mỗi năm trên 100 triệu đồng. “Không nhất thiết phải bám trụ lại thành phố mới có mức thu nhập cao. Nếu chịu khó suy nghĩ, tìm hiểu và áp dụng mô hình làm ăn hiệu quả thì vẫn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương thôi anh à!” - Thắng nói.
Trang Thy
Bình luận (0)