Rối rắm tuyển sinh

09/04/2012 03:59 GMT+7

Năm nay, Bộ GD-ĐT ban hành một số quy định mới trong tuyển sinh. Tuy nhiên khi thực hiện, trường và thí sinh gặp không ít khó khăn.

Năm nay, Bộ GD-ĐT ban hành một số quy định mới trong tuyển sinh. Tuy nhiên khi thực hiện, trường và thí sinh gặp không ít khó khăn.


TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ ở bộ phận tuyển sinh của cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM -  Ảnh: Đào Ngọc Thạch  

Lúng túng mã ngành

Theo quy định của Bộ, năm nay các trường phải công bố thông tin tuyển sinh với mã ngành mới, không theo mã của chuyên ngành như những năm trước đây. Thực tế này khiến thí sinh (TS) khá lúng túng khi đăng ký dự thi.

Nhiều TS muốn vào một chuyên ngành cụ thể nhưng không biết phải đăng ký như thế nào. Ông Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho biết: “Năm nay, Bộ chỉ cho công bố mã ngành lớn chứ không được công bố tên các chuyên ngành nhỏ trong cuốn Những điều cần biết nên TS lo lắng không biết trong ngành có những chuyên ngành nào. Thậm chí tên một số ngành thay đổi khiến TS không hiểu. Ví dụ như: tên ngành là công nghệ hóa học nhưng thực chất đối với Trường Mỏ - Địa chất là ngành lọc hóa dầu”.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cũng cho biết: “Trường vẫn phải tuyển sinh theo chuyên ngành. Tuy nhiên TS phải xem ở website của trường về những thông tin này. Để đảm bảo TS đăng ký được đúng chuyên ngành, trường cho phép TS đăng ký theo mẫu phiếu đăng ký của trường trong buổi làm thủ tục dự thi”.

 

 

Các trường phải công bố tiêu chí

Ông Đỗ Thanh Duy, Trưởng phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết: “Với đối tượng học sinh ở các huyện nghèo, Bộ đã đưa ra quy định trong đó có 2 yêu cầu: điều kiện cần là TS phải học ở đó và có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên. Điều kiện đủ thì do hiệu trưởng các trường tự quyết định và công bố. Các trường có thể đặt ra yêu cầu cho phù hợp với trường mình. Để đảm bảo quyền lợi của TS, các trường phải công bố tiêu chí để xét tuyển. Nếu không tuyển là không đúng quy định. Về việc tổ chức học bổ sung kiến thức một năm theo quy định, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể. Theo đó, trường nào có điều kiện thì dạy theo chương trình dự bị hoặc có thể gửi vào các trường dự bị ĐH để đào tạo văn hóa. Sau đó cho TS vào học chứ không phải thi tuyển. Nếu phải thi tuyển thì không còn ý nghĩa của việc ưu tiên".

VŨ THƠ

Trước đây khi áp dụng mã tuyển sinh cũ, mỗi chuyên ngành của Trường ĐH Luật TP.HCM đều có mã tuyển sinh và điểm trúng tuyển riêng. Nay theo quy định mã ngành mới, chỉ còn một mã ngành chung cho ngành luật. Thạc sĩ Ngô Đức Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết: “Trường có 2 phương án giải quyết: Trước hết, trong phiếu đăng ký hồ sơ dự thi của TS có thêm phần để ghi tên chuyên ngành. Nếu TS đăng ký đầy đủ các thông tin này thì trường sẽ tạo thêm mã chuyên ngành trong phần mềm tuyển sinh, rồi nhập dữ liệu chuyên ngành vào để tuyển sinh như bình thường. Nếu phần đăng ký của TS không thể hiện đầy đủ thông tin, trường sẽ phát cho TS phiếu đăng ký vào các chuyên ngành luật ngay tại phòng thi”.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có 10 ngành mà chương trình đào tạo sư phạm kỹ thuật song song với công nghệ. Khi áp dụng theo mã ngành mới, trường phải sử dụng chung một mã ngành cho cả 2 chương trình trên. Vì vậy, sau khi TS đăng ký dự thi vào ngành rồi nhà trường sẽ tiến hành phân chương trình đào tạo sau đó. Tiến sĩ Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng lên tiếng: “Việc áp dụng mã ngành mới vào các ngành đào tạo của trường nhiều khi rất bất hợp lý ngay từ tên gọi. Ví dụ, nhà trường đào tạo ngành ngữ văn Anh tức vừa đào tạo tiếng Anh vừa đào tạo về văn học Anh, nên chuyển thành ngôn ngữ Anh chưa hoàn toàn đúng. Đặc biệt, ngành song ngữ Nga - Anh chuyển thành song ngữ Nga thì càng bất hợp lý”.

Lý giải về những “rắc rối” này, ông Đỗ Thanh Duy, Trưởng phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Theo quy định, Bộ chỉ quản lý và công bố mã ngành, còn việc tuyển sinh theo chuyên ngành do các trường tự công bố trên website của trường. Trên phiếu đăng ký dự thi năm nay cũng đã có phần để cho TS đăng ký chuyên ngành. Vì vậy, TS cần xem thông tin của các trường chứ không chỉ căn cứ vào cuốn Những điều cần biết”.

Mỗi trường xét tuyển một kiểu

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, năm nay những đối tượng TS thuộc các huyện nghèo sẽ được xét tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn lúng túng với quy định này.

Ông Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mỏ - Địa chất, cho biết: “Nhà trường chưa biết phải đặt điều kiện như thế nào. Nếu muốn học, TS phải đạt một trình độ nhất định nhưng nếu không trải qua kỳ thi ĐH thì rất khó xác định. Nếu yêu cầu học lực phổ thông đạt loại khá, giỏi thì rất dễ nảy sinh tiêu cực. Đồng thời nhà trường chưa biết phải đào tạo một năm kiến thức bổ sung ra sao vì nhà trường chưa có chương trình nào như vậy”. Tương tự, ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thông tin: “Năm nay, trường không thông báo tuyển đối tượng này vì thực tế không phù hợp với yêu cầu của trường. Trường hướng tới đào tạo chất lượng cao vì vậy TS phải có trình độ đạt yêu cầu mới có thể theo học được”. Ông Sơn cho rằng quy định này chỉ phù hợp với một số trường địa phương vì sẽ đào tạo các em để phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương.

PGS-TS-BS Lý Văn Xuân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nói: “Nếu yêu cầu học sinh dân tộc thiểu số và các huyện nghèo này phải đạt loại giỏi các năm học phổ thông, thì sẽ rất khó cho các em để được tuyển thẳng vào trường. Nhưng nếu “cửa” mở quá rộng thì cũng khó khăn cho việc đào tạo các trường. Chủ trương hiện nay của trường là sẽ cho các em được đăng ký vào nhưng khống chế bằng tiêu chuẩn đầu vào và hạn chế tỷ lệ từng ngành”.

Trong khi đó, một số trường như: ĐH Ngoại thương, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội... công bố tiêu chuẩn đối với những TS này ở mức cao như phải có học lực giỏi hoặc học lực khá trong 3 năm học phổ thông và tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi... Tuy vậy, theo đánh giá của các trường thì yêu cầu này rất khó để TS ở các huyện nghèo đủ điều kiện xét tuyển.

Vũ Thơ - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.