Rối với chỗ bỏ, chỗ giữ phiên âm trong sách giáo khoa mới

24/10/2022 06:05 GMT+7

Dù Chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ngoại ngữ vào dạy từ lớp 3 như một môn học bắt buộc, nhưng sách giáo khoa mới từ tiểu học đến THPT vẫn phiên âm cả tên riêng của nước ngoài sang tiếng Việt.

Tuy nhiên, riêng sách giáo khoa môn hóa lại bỏ phiên âm.

Theo chương trình mới, học sinh lớp 10 gọi tên các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất hóa học bằng tiếng Anh

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bỏ phiên âm tên gọi các nguyên tố

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với môn hóa học (học sinh (HS) được học từ lớp 6 - 12), tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất, ô xít, a xít, ba zơ, muối… sẽ được đọc bằng tiếng Anh theo danh pháp IUPAC (International Union of Pure and Applied Chemistry - Liên minh Quốc tế về hóa học thuần túy và hóa học ứng dụng) thay vì đọc theo phiên âm tiếng Việt như trước đây. Ví dụ, nguyên tố N giờ được đọc thành nitrogen; O (oxygen), H (hydrogen), P (phosphorus) hay Cu (copper), thay vì ni tơ, ô xy, hiđro, phốt pho và đồng như trước đây.

Nhiều HS lớp 10 cho biết năm trước học môn hóa theo sách giáo khoa (SGK) cũ thì vẫn đọc các nguyên tố theo phiên âm tiếng Việt như O (ô xy), Al (nhôm), P (phốt pho), Cu (đồng), Fe (sắt), Pb (chì), Ag (bạc), Ca (can xi), Au (vàng), Zn (kẽm)... và đã thông dụng, nhưng khi lên lớp 10 lại phải “tập đọc” lại tên các nguyên tố tưởng như đã rất quen thuộc. Do vậy, việc đọc nhầm, đọc sai là không tránh khỏi trong mỗi giờ học hóa dù năm học mới cũng đã trôi qua gần 2 tháng.

Với giáo viên (GV) cũng vậy, hiện nay việc “thay sách” đang thực hiện theo hình thức cuốn chiếu nên 1 GV trong một trường vẫn dạy cả SGK mới và cũ, tương ứng với 2 chương trình nên GV hóa cũng phải “phân thân” trong cách gọi tên nguyên tố và không tránh khỏi bối rối trước HS. Một GV Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội) cho biết: Vừa phải dạy HS khối 7 đọc tên nguyên tố theo cách đọc mới vừa phải dạy HS khối 8, 9 theo cách đọc cũ. Điều này cũng xảy ra ở bậc THPT khi GV vừa dạy chương trình mới lớp 10, vừa dạy chương trình cũ với lớp 11, 12.

Cách gọi mới có lợi cho học sinh

Tuy nhiên, nhiều GV ủng hộ cách gọi tên nguyên tố trong SGK mới. GV cho rằng dù cả thầy và trò mất thời gian làm quen nhưng không quá khó khăn. Cách gọi mới cũng thuận lợi hơn cho HS, đặc biệt khi tham gia các cuộc thi quốc tế hay sau này đọc tài liệu của nước ngoài. GV Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội) cho hay ngay cả với HS đang học SGK của chương trình 2006, cô cũng đưa SGK mới ra để giới thiệu và giúp các em làm quen với cách đọc theo SGK mới, nhằm tránh bỡ ngỡ khi các em lên lớp 10.

PGS-TS Đặng Thị Oanh, Trưởng tiểu ban Xây dựng và phát triển Chương trình giáo dục phổ thông môn hóa học 2018, giải thích chương trình mới thay đổi danh pháp hóa học (cách gọi tên) theo các nguyên tắc: khoa học, thống nhất, hội nhập và thực tế. Thực tế ở VN, danh pháp hóa học không thống nhất ở các ngành như y, dược, giáo dục và giữa các cấp học. Hội Hóa học VN từng có đề tài cấp quốc gia về thuật ngữ và danh pháp hóa học được Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng VN cho phép. Hội đã đề nghị với Bộ GD-ĐT cho sử dụng danh pháp hóa học theo tiếng Anh trong đợt đổi mới SGK 2018 và được đồng ý.

Cách đọc mới có lợi vì chỉ học một tên duy nhất. Thay vì trước đây các em phải nhớ 2 tên, một tên phiên âm tiếng Việt, một tên bằng tiếng Anh theo danh pháp để sau này đọc tài liệu; giờ chỉ học một tên thôi nên rất có lợi.

Ông Trần Đình Hương, (Tổ trưởng tổ hóa, Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM)

Theo PGS Oanh, danh pháp hóa học sử dụng theo khuyến nghị của IUPAC, có tham khảo tiêu chuẩn VN. Tên 13 nguyên tố đã quen dùng trong tiếng Việt tiếp tục được sử dụng nhưng có kèm chú thích tiếng Anh, gồm: vàng, bạc, đồng, chì, sắt, nhôm, kẽm, lưu huỳnh, thiếc, ni tơ, natri, kali và thủy ngân. Hợp chất của các nguyên tố này cũng được gọi tên theo khuyến nghị của IUPAC.

PGS Đặng Thị Oanh cũng lưu ý, khi muốn tra tên nguyên tố, GV và HS nhìn vào bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học trong các bộ SGK mới sẽ biết cách đọc. Cách đọc tên các hợp chất sẽ tuân theo một số nguyên tắc chung. Ngoài ra, mỗi bộ SGK đều có học liệu điện tử, video hướng dẫn cách phát âm nguyên tố hóa học và một số hợp chất...

Học sinh lớp 7 học môn tích hợp khoa học tự nhiên gồm lý, hóa, sinh

đào ngọc thạch

Ông Trần Đình Hương, tổ trưởng tổ hóa, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), đánh giá: “Với học trò không vấn đề, trình độ tiếng Anh khá tốt, cách đọc mới có lợi vì chỉ học một tên duy nhất. Thay vì trước đây các em phải nhớ 2 tên, một tên phiên âm tiếng Việt, một tên bằng tiếng Anh theo danh pháp để sau này đọc tài liệu; giờ chỉ học một tên thôi nên rất có lợi”.

Với GV, ông Hương cho hay chỉ cần bỏ ra vài buổi cũng có thể đọc nhuần nhuyễn. Hiện tại GV dạy 2 chương trình cùng một lúc: lớp 10 theo chương trình 2018 và lớp 11, 12 theo chương trình cũ nên đôi khi còn lẫn lộn.

Thạc sĩ Lê Văn Nam, Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhận xét HS nắm bắt nhanh. Do vậy sự thay đổi này sẽ giúp HS dễ dàng quốc tế hóa hay khi du học.

Vì là năm đầu tiên sử dụng tên nguyên tố hóa học theo danh pháp tiếng Anh nên thạc sĩ Nam cho biết cũng có một vài khó khăn. Chính vì thế, trong quá trình dạy, GV thường phải đọc cả tên cũ và mới cho HS quen dần, xong rồi mới dần dần chuyển sang tên mới hẳn. Ví dụ: “Cho nguyên tử sodium (“natri á tụi con”) hay potassium (“kali đó tụi con”)…”.

Thay đổi chưa đồng bộ

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cũng là GV môn học này, nói rằng 2 bộ sách Chân trời sáng tạo và Cánh diều đổi mới là gọi theo đúng tên tiếng Anh của danh pháp hóa học. Sự thay đổi này là tốt, để HS đọc tài liệu tiếng Anh thuận lợi.

SGK các môn học khác vẫn phiên âm

Điều gây băn khoăn là dù môn hóa có thay đổi như vậy trong cách gọi tên nguyên tố nhưng ở môn học khác, tên riêng nước ngoài vẫn được phiên âm sang tiếng Việt. Một chuyên gia tham gia biên soạn SGK mới cho biết phiên âm sang tiếng Việt là yêu cầu bắt buộc từ khi xây dựng bản thảo SGK để trình thẩm định, đã có không ít trường hợp hội đồng thẩm định trả lại yêu cầu sửa từng từ khi không phiên âm sang tiếng Việt đối với tên riêng nước ngoài. Chỉ có điều, SGK mới có phần chú tên riêng nguyên dạng ngay bên cạnh phần phiên âm hoặc in dưới dạng phụ lục cuối SGK.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), lý giải: Ngoài Quyết định số 1989 của Bộ GD-ĐT, SGK còn điều chỉnh theo Nghị định 30 về công tác văn thư, ban hành năm 2020. Việc này được cho là nhằm thống nhất cách viết, phục vụ cho việc áp dụng vào thực tiễn. Do vậy, để đảm bảo sự phù hợp giữa cách viết hoa trong SGK với cách viết hoa trong các văn bản hành chính, Bộ GD-ĐT đề nghị các nhà xuất bản tổ chức xuất bản SGK thực hiện việc viết hoa trong SGK theo quy định tại Nghị định 30. Nghị định này có phần phụ lục về cách viết hoa danh từ riêng chỉ tên người, trong đó yêu cầu “tên người nước ngoài được phiên âm chuyển sang tiếng Việt”. Vì vậy, các bộ SGK mới vẫn áp dụng cách viết phiên âm nhưng đã có thêm bảng tra cứu tên riêng nước ngoài ở cuối sách, hoặc từ gốc cạnh phiên âm.

Tuệ Nguyễn

Tuy nhiên theo ông Phú, vẫn còn một số bất cập. Chẳng hạn nhóm tác giả chỉ gọi một vài tên của một vài nguyên tố, một vài chất thôi, chưa kể cách gọi cũng không đồng nhất trong cùng một bộ sách hóa học khi có lúc gọi là “khí”, có lúc gọi là “gaz”.

Ông Phú nhận định: “Đâu phải tất cả nguyên tố hay các chất trên vũ trụ này do các nhà khoa học của nước Anh tìm ra. Mà đó là các nhà bác học của Đức, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga, Ba Lan... Hầu hết tên các nguyên tố hay tên hợp chất gọi theo tên của các nhà khoa học, nay chỉ quy về tiếng Anh cũng tương tự như quy về tiếng Việt. Nên chăng chúng ta cho gọi song song?”.

Cũng theo ông Phú, thay đổi thì phải đồng bộ ở tất cả bộ môn toán, lý, sinh, địa, khoa học kỹ thuật... với tên các định lý, quy tắc, tên nhà khoa học...

(còn tiếp).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.