Rong ruổi trên đất nước “triệu voi”

25/11/2013 03:35 GMT+7

Đa phần tuổi từ 18 đến 30, họ là những chàng trai, cô gái Việt vẫn gánh gồng mưu sinh gian khó trong những túp lều hàng rong. Rong ruổi dặm dài trên “đất nước triệu voi”, ở đâu có “buôn” (lễ hội) là họ đến...

Rong ruổi trên đất nước “triệu voi”

Hai mẹ con Linh trong khu chợ lưu động tỉnh Attapue (Lào) - Ảnh: An Dy

Quê gốc Nam Định, 17 tuổi, Linh đã theo chân các anh họ sang Lào bán buôn theo kiểu chợ lưu động. “Một khu chợ thường quy tụ khoảng 20 đến 30 gian hàng, đa dạng các chủng loại hàng hóa. Một “ngan” (phiên chợ) sẽ kéo dài trong 7 đến 10 ngày tùy vào nhu cầu bán mua ở nơi họp chợ. Kết thúc “ngan” này, các tiểu thương lại thu dọn lều bạt, hàng hóa và vật dụng sinh hoạt đến một tỉnh khác và bắt đầu một “ngan” mới”, Linh cho biết.

Có một điều khá đặc biệt là, ở những khu chợ lưu động trên đất Lào, do người Lào làm chủ, nhưng hơn 80% các gian hàng trong đó là của những thanh niên người Việt (chủ yếu là người gốc Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa…). Huỳnh Thanh Minh (18 tuổi, người Nam Định) sống trong khu chợ lưu động cùng đại gia đình 3 thế hệ với hơn chục người.

Mới tuần trước họp chợ ở Pakse thì tuần này đến Attapeu, rồi tuần sau nữa là SeKong, Salavan… Rong ruổi theo những phiên chợ lưu động hết tuần này sang tuần khác, tỉnh này sang tỉnh nọ, có khi mỗi tỉnh cách nhau đến hàng mấy trăm cây số, những người Việt xa xứ xem khu chợ như là ngôi nhà chung, ngôi nhà thứ hai của họ.

Trong những câu chuyện rời rạc với các thanh niên ở khu chợ lưu động tỉnh Attapeu, chúng tôi chia sẻ cùng họ con đường mưu sinh nhọc nhằn, tha hương... “Khoảng 5 - 7 năm về trước, bán buôn kiểu này thu nhập rất khá, nhất là vào các mùa lễ hội từ tháng 8 đến tháng 11, khách phương xa đến cầu nguyện, tham quan, mua sắm rất nhộn nhịp. Nhưng mấy năm trở lại đây kinh tế khó khăn, người Việt mua bán ở đây cũng nhiều, “buôn” lại hạn chế tổ chức nên khó càng thêm khó”, Minh buồn bã nói.

Có tiếng nhạc rè rè từ chiếc loa cũ, hát một câu hò xứ Nghệ xen lẫn trong tiếng mưa rơi khiến những người lớn tuổi lại bần thần… Nỗi nhớ quê dù da diết đến mấy họ cũng không thể quay về khi mà những đứa con còn lang thang nơi đất khách. Còn Linh, Minh, Phương hay hàng chục thanh niên Việt trong khu chợ vẫn loay hoay với mớ hàng hóa, để ngày mai sẽ lại tạm biệt Attapeu và lên đường sang Sê Kông, bắt đầu một “ngan” mới trong hy vọng.

An Dy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.