Chính sách biên mậu của ta hiện nay có nguy cơ chèn ép cơ cấu kinh tế VN, khiến nền kinh tế không vươn lên nổi.
Xe chở hàng hóa VN kẹt ở cửa khẩu Tân Thanh chờ xuất đi Trung Quốc - Ảnh: Hà An
|
15 tỉ USD giao dịch qua biên giới
Phát biểu tại hội thảo Cơ cấu kinh tế VN - những rủi ro phát triển do Viện Kinh tế VN tổ chức hôm qua 8.1, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cảnh báo: “Chính sách biên mậu là chính sách cực kỳ nguy hiểm, kéo cấu trúc kinh tế VN xuống rất thấp”. Theo ông Thiên, số tiền thanh toán qua biên giới của VN với Trung Quốc (TQ) vào năm 2014 khoảng 15 tỉ USD. Nếu cộng với gần 30 tỉ USD nhập siêu chính thức từ nước này, VN nhập siêu tổng cộng 45 tỉ USD chỉ riêng thị trường này.
“Nếu ai từng đến các chợ ở khu Chợ Lớn (TP.HCM) sẽ thấy sự khủng khiếp của hàng hóa biên mậu. Biên mậu là chính sách mà có lẽ chỉ VN có với TQ, Lào, Campuchia. Các nước trên thế giới chỉ tồn tại chính ngạch với buôn lậu chứ không có biên mậu. Biên mậu là loại “nửa dơi nửa chuột”, là nhập nhèm giữa chính ngạch với buôn lậu. 15 tỉ USD biên mậu với TQ đã đè kinh tế VN không vươn lên nổi. Chúng ta không thể có công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ bởi chính sách biên mậu với TQ”, TS Thiên bức xúc.
|
Hiện nay, xuất khẩu qua biên giới chủ yếu là các mặt hàng nông lâm, thủy sản, trong đó, gạo là mặt hàng nông sản có giá trị cao nhất. Trong nửa năm 2014 lượng gạo tiểu ngạch đi TQ lên tới 1 triệu tấn, khiến xuất khẩu chính ngạch gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu luôn trong tình trạng hạn hẹp. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu từ TQ là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, nguyên liệu thuốc lá, than, hóa chất... “Sản xuất trong nước phụ thuộc không nhỏ vào nguồn cung qua biên giới từ TQ. Điều đó dẫn tới những rủi ro về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp khi công nghệ, máy móc, thiết bị, hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào chất lượng thường ở mức trung bình và thấp. Mặt khác, xuất khẩu qua nước này bằng đường biên giới chủ yếu những mặt hàng có giá trị thấp, tỷ trọng thấp. Vì thế, thương mại biên giới trở thành một mối quan hệ mất cân đối, với sự phụ thuộc lớn nghiêng về VN”, TS Vũ Hoàng Linh, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh.
Thương mại ít, buôn lậu nhiều
Rủi ro là TQ luôn thay đổi chính sách thường xuyên “bất thình lình” trong giao thương biên mậu với VN. Do vậy luôn đặt VN ở thế bị động và không thể đối phó kịp thời. Như nông sản xuất khẩu khi đến cửa khẩu biên giới đã bị phía TQ buộc phải chuyển sang một cửa khẩu khác mới được thông quan, dẫn tới tình trạng dồn xe về cửa khẩu này. Hậu quả, sản phẩm bị hư hỏng do giao thông ùn tắc quá lâu. TQ cũng thay đổi đột ngột các quy định kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến doanh nghiệp VN rơi vào thế bị động.
TS Linh thẳng thắn nhìn nhận, thương mại biên giới Việt - Trung là mô hình thương mại gắn với buôn lậu. Trên dọc tuyến biên giới Việt - Trung dài hơn 1.450 km đi qua 7 tỉnh của VN tình hình buôn lậu luôn diễn ra phức tạp. Các mặt hàng nhập lậu từ TQ đa phần là hàng cấm, có thuế nhập khẩu cao, hàng phải qua kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... Tổng giá trị hàng hóa nhập lậu qua biên giới Việt - Trung hằng năm là rất lớn. Năm 2012 có ít nhất 5 tỉ USD từ nhập lậu. Trong khi đó, tình trạng xuất lậu cũng khủng khiếp, nhất là xuất lậu khoáng sản. Đơn cử như mặt hàng quặng sắt, có năm phía VN thống kê xuất sang TQ 23.000 tấn nhưng nước này ghi nhận nhập từ VN tới 1,74 triệu tấn. Chỉ với quặng sắt, giai đoạn 2011 - 2012, VN thất thu do xuất lậu quặng sắt khoảng 1.700 tỉ đồng/năm. Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Bích Ngọc, số liệu thâm hụt thương mại của VN với TQ do phía VN công bố luôn thấp hơn nhiều so với phía TQ. Đỉnh điểm như năm 2011, con số này chênh lệch tới 4,7 tỉ USD. Có thể lý giải, do một lượng hàng hóa quy mô lớn nhập lậu và xuất lậu tiểu ngạch qua biên giới mà VN chưa quản lý được.
Bà Ngọc cho rằng, hàng hóa buôn lậu ồ ạt qua biên giới sẽ bóp chết doanh nghiệp sản xuất VN. Chia sẻ quan điểm này, TS Thiên cho rằng, thương mại mậu biên giữa VN và TQ là giữa một lực sĩ và một người hom hem. Vì vậy, VN hoàn toàn thua thiệt. “VN có bao giờ ngăn được dòng hàng kém chất lượng của TQ vào nước ta đâu. Nhưng dưa hấu của VN qua thì họ ngăn được ngay. Đó là một thực tế. Chấp nhận trò chơi không luật này là bất lợi cho VN. Với tính chất hàng hóa TQ qua VN như vậy thì liệu nền kinh tế VN có lớn mạnh được không, có đẳng cấp không? Tất cả các mặt hàng đều có thể mua được từ TQ với giá rất rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo ấy khiến cho doanh nghiệp VN mất hết khả năng. Biên mậu là cách quan hệ giữa VN và TQ nhưng chúng ta bị lừa về chính sách”, ông Thiên nói.
Để tránh bị TQ chèn ép trong giao thương biên mậu, các chuyên gia cho rằng, VN có thể lập “danh sách đen” những mặt hàng cấm nhập của các cơ sở sản xuất TQ không đảm bảo chất lượng, cấm nhập vào VN. Thiết lập một cơ chế kiểm soát riêng và cụ thể chuyên thẩm định chất lượng các mặt hàng nhập khẩu tiểu ngạch từ nước này. Ngoài ra, để hạn chế rủi ro phụ thuộc khi xuất nhập khẩu hàng của TQ qua đường biên giới, VN cần tìm kiếm nguồn cung và thị trường thay thế; tăng cường thực hiện các hợp đồng chính ngạch, làm ăn lâu dài với thương nhân TQ.
Chính sách thương mại biên giới Việt - Trung
Năm 2004, theo đề xuất của chính phủ hai nước, chiến lược Hai hành lang một vành đai ra đời để thúc đẩy giao thương hàng hóa.
Năm 2006, TQ phát triển một chiến lược khác quy mô hơn là Một trục hai cánh, không chỉ kết nối với VN mà cả ASEAN. Ngoài ra, VN và TQ còn thực hiện các chính sách liên quan đến đầu tư phát triển hệ thống chợ, các khu kinh tế ở vùng biên phục vụ cho xuất nhập khẩu.
|
Bình luận (0)