Nguy cơ mất trắng
|
Anh Trần Đức Quang, ngụ Vũng Tàu, cho biết cách đây cả tháng anh và một người bạn đã trả hơn 7 triệu đồng để mua 4 voucher đặt phòng 2 đêm tại khách sạn La Sapinette (Đà Lạt) trong hai ngày 23-24.12. Thế nhưng, chiều 11.12, khách sạn thông báo sẽ hủy lịch đăng ký của anh vì Công ty Nhóm Mua đã công bố ngưng sử dụng các voucher phát ra từ nay đến hết tháng 12. Anh Quang gọi điện liên tục đến số điện thoại của Nhóm Mua nhưng không có ai tiếp. Trao đổi với đại diện khách sạn La Sapinette, đơn vị này xác nhận thông tin trên và cho biết đây là chương trình lần thứ 5 triển khai cùng Nhóm Mua và công ty này vẫn còn nợ tiền của khách sạn.
Liên tiếp những ngày qua, Báo Thanh Niên nhận được phản ánh của nhiều độc giả về việc một số công ty, cửa hàng từ chối nhận phiếu dịch vụ họ mua từ Công ty Nhóm Mua. Chuyện này đã xảy ra cách đây cả tháng khi những lộn xộn trong nội bộ của Nhóm Mua xảy ra và trang web công ty này bị ngưng hoạt động khoảng 10 ngày.
Trả lời vấn đề trên, ông Tom Trần (Trần Đức Thắng), Tổng giám đốc Công ty Nhóm Mua, xác nhận việc nhiều đối tác đã tạm ngưng dịch vụ liên quan đến Nhóm Mua. Hiện ông vẫn đang chờ câu trả lời từ phía nhà đầu tư để quay trở lại điều hành công ty và giải phóng tài khoản ngân hàng, nhằm trả lương cho nhân viên cũng như giải quyết hợp đồng với đối tác, khách hàng. Ông cũng đã gửi công văn đến đối tác và khách hàng cam kết các hợp đồng, giao dịch đã ký kết vẫn được công ty thực hiện đầy đủ. Nếu vi phạm, Nhóm Mua sẽ chịu phạt và bồi thường.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, từ ngày 11.12, các nhân viên Nhóm Mua bất ngờ nhận được thư từ nhà đầu tư thông báo việc ngừng cung cấp vốn hoạt động cho công ty; đồng thời yêu cầu Kyle Phạm (giám đốc được nhà đầu tư bổ nhiệm thay ông Tom Trần từ ngày 13.11) và đội ngũ quản lý trọng yếu từ nhiệm, có hiệu lực ngay tức thì. Các nhân viên cũng được yêu cầu nghỉ việc ngay lập tức dù lương tháng 11 vẫn chưa nhận được. Cho đến nay công ty vẫn đóng cửa và nhân viên cũng tiếp tục nghỉ mà chưa có thông báo mới dù website của công ty này vẫn đang hoạt động. Khách hàng gọi điện thoại liên tục nhưng vẫn không có người nghe.
Theo thông tin từ Nhóm Mua, sau 2 năm hoạt động công ty này đã dẫn đầu với hơn 60% thị phần, gần 2 triệu thành viên và “số lượng voucher bán ra kỷ lục”. Ước tính, doanh số bình quân của Nhóm Mua khoảng 44 tỉ đồng/tháng (tính trong 10 tháng đầu năm 2012). Bình quân một voucher có thời hạn sử dụng 3 tháng. Vì vậy, số tiền chỉ riêng Nhóm Mua đã nhận của khách hàng (voucher còn hạn sử dụng) có thể lên đến con số cả trăm tỉ đồng.
Đáng nói là không hề có một ràng buộc nào khác giữa các trang web bán hàng theo nhóm với khách hàng hay giữa nhà cung cấp dịch vụ với khách hàng. Do đó, khi các trang web này đột nhiên ngưng hoạt động, người đại diện biến mất thì nguy cơ mất trắng của khách hàng là rất lớn.
Mới đây, nhiều khách của trang bán hàng theo nhóm Dealsoc.vn thuộc Công ty cổ phần TM All in One cũng đứng ngồi không yên bởi trước đó khoảng 2 tuần trang web đột nhiên ngưng hoạt động và khách hàng bị từ chối sử dụng dịch vụ. Đến nay, khách hàng cũng không biết liên hệ với ai để nhận lại tiền.
|
Ai quản lý "mua theo nhóm" ?
Trong khi hàng trăm tỉ đồng của khách hàng có nguy cơ bị mất thì câu hỏi ai quản lý hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ này lại không tìm được câu trả lời cụ thể.
Chuyên gia về thương mại điện tử, tiến sĩ Hồ Thúy Ngọc, cho rằng Công ty Nhóm Mua chịu sự quản lý về thủ tục hành chính của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, sự điều chỉnh của luật Giao dịch điện tử năm 2005 vì hoạt động kinh doanh thông qua website. Còn theo các quy định về thương mại điện tử thì Nhóm Mua chịu sự quản lý, giám sát của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương). Ngoài ra, Nhóm Mua cũng là công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nên chịu sự điều đỉnh của luật Thương mại năm 2005.
Tuy nhiên, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM (nơi cấp phép cho Công ty Nhóm Mua) khẳng định cơ quan này chỉ cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp (DN). Còn hoạt động của DN như thế nào sẽ chịu sự quản lý, giám sát của các luật chuyên ngành. Sở chỉ có thể kiểm tra nội dung kinh doanh của DN có đúng với nội dung đã đăng ký hay không mà thôi.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (thuộc Bộ Công thương), khẳng định những hoạt động bán hàng theo nhóm của các công ty không thuộc lĩnh vực thương mại điện tử nên cũng không thuộc diện quản lý của đơn vị này.
Ông Nguyễn Dzũng, Tổng thư ký kiêm Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử tại TP.HCM, thì giải thích hoạt động mua theo nhóm chỉ mới ra đời tại Việt Nam nên các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động này cũng chưa có. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần thiết phải siết chặt hoạt động này. Đặc biệt các trang web bán voucher đã thu giữ trước một lượng tiền mặt của khách hàng nên cần đưa hoạt động này vào loại hình kinh doanh có điều kiện và có hình thức ký quỹ.
Mua theo nhóm hoạt động ra sao ? “Mua hàng theo nhóm” được biết tới trên thế giới qua cái tên Groupon (Groupon.com) xuất hiện tại Mỹ vào năm 2008. Cái tên này có ý nghĩa Group + Coupon, tức là nhóm và thẻ giảm giá. Groupon chỉ mất 18 tháng kể từ khi chuyển đổi để đạt giá trị 1 tỉ USD. Thậm chí, đầu năm 2011 Google đã chào mua với giá khoảng 6 tỉ USD nhưng những người chủ này không chấp thuận. Cho đến nay, Groupon.com vẫn được xem là một sự sáng tạo nổi bật trong lĩnh vực thương mại điện tử và khá thành công. Vì là một hình thức kinh doanh có lợi cho cả ba bên (win-win-win) gồm nhà cung cấp, chủ trang web groupon và khách hàng đã nhanh tay đặt mua món hàng với giá rất hời trong một khoảng thời gian nhất định, nên các trang web cũng mang tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tại Việt Nam, mô hình mua theo nhóm chỉ mới chính thức ra đời trong khoảng 2 năm nay và nở rộ trong năm 2011. Tất cả trang web này đều liên kết với các đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ và sau đó bán lại cho người mua dưới dạng voucher với mức giảm giá từ 40 -70% so với giá dịch vụ được công bố trên thị trường. Thông thường, một dịch vụ được bán ra với số lượng tối thiểu từ 50 hay 100 voucher trở lên thì mới được áp dụng chính sách giảm giá này. Khi khách hàng đồng ý mua voucher thông qua trang web, các công ty sẽ có người giao voucher tận nơi và nhận tiền, hoặc khách hàng chuyển khoản, thanh toán trực tuyến sau đó sẽ được nhận voucher. Voucher sẽ được sử dụng trong thời gian cụ thể kèm với các điều kiện đính kèm. |
Mai Phương - Nguyễn Trần Tâm
Bình luận (0)