Cách rừng tiểu khu 363 khoảng 5 km, con đường trở nên lầy lội, nham nhở bởi những vết bánh xe máy ủi, máy cày, cuốc và những cây gỗ có đường kính trên 1 m, dài hàng chục mét nằm chất đống hai bên đường. Càng vào gần cửa rừng, xuất hiện nhiều lán trại của những người khai thác gỗ nằm san sát nhau.
|
Bên cạnh đó là một khoảnh rừng rộng lớn hơn 40 ha đã bị chặt hạ, cày ủi lên những gốc cây lớn. Theo tìm hiểu, diện tích rừng đã bị chặt hạ này thuộc khoảnh 2, 5 và 8 (tiểu khu 363). Lội bộ hơn 2 km đường rừng lầy lội, chúng tôi vào đến khoảnh 6 (tiểu khu 363) bắt gặp hàng chục cây gỗ lớn (thân cây to 2 người ôm không xuể) vừa bị đốn hạ nằm ngổn ngang giữa lối vào rừng. Một con đường rộng cũng vừa được san ủi để cho máy kéo gỗ chặt được từ khoảnh 6 ra ngoài. Tiến sâu vào rừng theo con đường này khoảng hơn 100 m, thì bắt gặp một nhóm người đang cưa cắt, chất gỗ lên máy kéo.
Cấp dưới đâu dám trái lệnh!
Trước đó, trong hai ngày 13 và 14.8, PV cũng đã tìm hiểu thực tế tại tiểu khu 389 (Nông lâm trường Tân Lập). Khu vực rừng rộng hàng trăm héc ta (hướng ra sông Mã Đà) vẫn đầy người và xe cộ cưa cắt, chặt hạ những cây gỗ lớn chất lên xe tải và máy kéo tập kết ra ngoài. Những cây gỗ lớn đường kính trên 1 m, dài gần 20 m cũng nằm san sát hai bên đường chưa kịp chuyển đi.
Một người dân cho biết khu vực rừng tiểu khu 389 đã khai thác được khoảng 3 tháng nay. “Diện tích còn lại gần 200 ha thì phải khai thác 2 tháng nữa mới hết. Quân của ông Sơn “mèo” mới rút bớt một số để sang khai thác ở tiểu khu 363”, một người dân cho biết. Bên cạnh đó, một khu đất rộng lớn chừng 200 ha đã được cày ủi, san phẳng và khoảng gần 30 người đang xuống giống trồng khoai mì và cao su. Trong đó, một diện tích lớn khoai mì đã mọc lên khá cao.
Ông Nguyễn Văn Cao, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đồng Phú, cho biết việc khai thác tận dụng lâm sản ở tiểu khu 363 và 389 do Sở NN-PTNT cấp phép. Dự án giao đất và chuyển đổi đất rừng ở hai tiểu khu này đã được lập dự án đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, về câu hỏi rừng ở đây đã được chuyển đổi như thế nào, ông Cao nói: “Cá nhân tôi cũng thấy bất hợp lý. Khu vực này là rừng tự nhiên có hàng trăm năm được UBND tỉnh Bình Phước quy hoạch thành rừng sản xuất. Bây giờ phá rừng này để trồng rừng và trồng cao su thì bất hợp lý lắm. Tuy nhiên cấp trên đã quyết định như vậy, chúng tôi là cấp dưới đâu dám trái lệnh”.
Hàng trăm héc ta rừng đã bị phá
Theo một số tài liệu, ngày 28.9.2015, UBND tỉnh Bình Phước có quyết định phê duyệt dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp tại khoảnh 2, 5, 6, 7, 8 và 9 tiểu khu 363 thuộc Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước (gọi tắt là Công ty cao su Bình Phước). Ngày 26.2, Công ty cao su Bình Phước có tờ trình xin cấp phép khai thác lâm sản tại tiểu khu 363. Sau khi được cấp phép, công ty này ký hợp đồng với Công ty CP sản xuất, xây dựng thương mại Hải Vương để thực hiện khai thác và nhận mặt bằng bàn giao đất hoán đổi.
tin liên quan
Hàng loạt dấu hiệu sai phạm trong vụ phá 575 ha rừng ở Bình PhướcCông an bước đầu phát hiện một số sai phạm nghiêm trọng của cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Phước
Sau đó, Công ty Hải Vương làm giấy ủy quyền lại cho Công ty TNHH MTV thương mại - dịch vụ Hồng Phúc (Bình Phước) nhận hiện trường khai thác, nghiệm thu và làm các thủ tục về lâm luật tại các khoảnh ở tiểu khu 363. Theo đó, số lượng khai thác lâm sản ở tiểu khu 363 có tổng khối lượng gần 3.700 m3 gỗ (từ nhóm 3 đến nhóm 8), trong đó số lượng cây có đường kính từ 25 cm đến 1,3 m chiếm hơn 1.900 m3. Số còn lại là gỗ nhỏ đường kính dưới 25 cm và củi. Theo ước lượng của một cán bộ kiểm lâm, trong diện tích 88 ha rừng, đơn vị đã khai thác được trên 50% diện tích này, diện tích còn lại đã hết thời hạn khai thác.
Đối với diện tích rừng ở tiểu khu 389, ông Nguyễn Văn Cao, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đồng Phú, cho biết trong toàn bộ diện tích khoảng 378 ha có 33 ha rừng được khoanh nuôi, giữ lại không khai thác lâm sản. Ngoài diện tích trên 78 ha ở khoảnh 5 và 6 đã và đang khai thác (thời hạn cấp phép gia hạn đến 30.7 - PV), còn lại khoảng trên 200 ha đã khai thác hết lâm sản rồi bàn giao đất cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước phục vụ mục đích quốc phòng. Ở diện tích 78 ha (khoảnh 5, 6) sau khi được cấp phép khai thác, Công ty cao su Bình Phước đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Phát Lộc khai thác, vận chuyển lâm sản. Thời hạn khai thác hết ngày 30.4, sau đó được gia hạn đến ngày 30.7.
“Làm gì có chuyện đó”
Chiều 15.8, ông Trần Văn Lộc - Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, khẳng định toàn bộ khối lượng lâm sản khai thác được ở tiểu khu 363 và 389 sẽ được Công ty cao su Bình Phước bán lấy tiền nộp ngân sách nhà nước. Ông Lộc cho biết diện tích 88 ha rừng ở tiểu khu 363 sẽ được giao cho Công ty Hải Vương theo kế hoạch sẽ được trồng cây tràm. Đối với diện tích 378 ha ở tiểu khu 389, PV đặt vấn đề là đất được bàn giao để phục vụ mục đích quốc phòng, nhưng thực tế đã cho trồng mì và cao su, ông Lộc nói: “Cái đó do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, tôi không nắm về việc này”.
Liên quan đến việc giấy phép khai thác hết hạn nhưng các đơn vị vẫn đang chặt phá cây rừng, ông Lộc cho rằng “làm gì có chuyện đó”. Chúng tôi đưa ra hình ảnh, clip về việc chặt phá rừng thì ông Lộc lập tức gọi điện thoại cho ai đó yêu cầu kiểm tra, báo cáo gấp.
Bình luận (0)