Khi còn sống, luật sư Ngô Bá Thành từng có một câu nói nổi tiếng: Ở VN có một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng, để nói về sự phức tạp và tính tuân thủ kém của hệ thống pháp luật VN. Gần đây nhất, tháng 6.2014, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, cũng thừa nhận: Pháp luật VN phức tạp nhất thế giới.
Suy cho cùng, hệ thống pháp luật cồng kềnh và tính tuân thủ kém vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của nhau.
Một ví dụ rất đơn giản, Viện Nghiên cứu quản lý trung ương (CIEM), trước khi sửa đổi luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư… có rà soát các loại giấy phép, điều kiện hạn chế đầu tư kinh doanh, phát hiện ra rằng, có 334 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lại được quy định bởi 235 văn bản pháp luật, trong đó có 5 pháp lệnh, 104 nghị định, 11 thông tư, 15 quyết định. Trong một rừng văn bản như vậy, bảo sao doanh nghiệp và người kinh doanh chẳng khó khăn khi tuân thủ, nhiều khi không biết để mà tuân thủ. Bảo sao mà môi trường kinh doanh chả không thân thiện.
Cũng theo kết quả rà soát của CIEM, số lượng và tốc độ ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật của VN khiến người ta phải hoa mắt, chóng mặt. Trung bình 1 năm, cả nước ban hành từ 10 - 20 luật, kèm theo đó là khoảng 100 nghị định hướng dẫn thi hành luật, 600 thông tư hướng dẫn thực hiện và từ 3.000 - 3.500 văn bản do các bộ, ngành và các cấp địa phương ban hành.
Thế nên dễ hiểu khi tình trạng văn bản dưới “đá” văn bản trên, chồng chéo, trùng lặp trở nên phổ biến. Và hệ lụy của nó là mặc dù trong nhiều trường hợp chính sách, chủ trương của nhà nước có xuất phát điểm đúng đắn, tạo thuận lợi cho hoạt động xã hội, song khi đi vào cuộc sống thực tế đã bị bóp méo, biến dạng.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là quá nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản. Theo ước tính, hiện tại ở VN có khoảng 23.600 cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản riêng ở cấp địa phương là 23.000 cơ quan.
Số lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành ngày càng tăng nhưng chất lượng văn bản chưa tương ứng. Tỷ lệ văn bản sai, xâm phạm quyền lợi ích của công dân không phải là hiếm, chiếm đến 13 - 14% số văn bản được rà soát.
Một nền luật pháp mà quan tòa khi xét xử phải nói “tôi chịu nhiều áp lực” là một nền luật pháp không minh bạch. Một nền luật pháp mà người dân luôn nơm nớp lo sợ không biết mình đang làm đúng hay sai là một nền luật pháp yếu kém.
Thay đổi điều đó không quá khó, nhưng cần tâm và tầm.
Bình luận (0)