"Mình bị đau bụng, phải uống thuốc hai ngày mới đỡ"
Khi gõ cụm từ “cà phê sữa trứng vịt bách thảo” trên TikTok thì hằng hà sa số các clip hiện ra như: thử thách, bắt “trend” với món này. Một số người còn “chịu chơi” bằng cách thay trứng vịt bách thảo bằng hột vịt lộn rồi trộn chung với trà sữa, vắt thêm trái tắc, khiến người xem không khỏi rùng mình.
Là người từng thực hiện thử thách trào lưu trộn trứng vịt bách thảo với trà sữa, N.T.L (27 tuổi), ngụ Q.7, TP.HCM chia sẻ: “Lúc đầu, mình cảm thấy ghê sợ nhưng vì món này đang được mọi người hưởng ứng nhiệt tình nên đã “bấm bụng” quay clip. Sau khi ăn xong, mình bị đau bụng, phải uống thuốc hai ngày mới đỡ”.
Bên cạnh đó, để câu like, câu view (lượt xem), nhiều TikToker bất chấp làm ra những clip bày cách chế biến vô số đồ ăn, thức uống "bậy" như: rau má trộn mắm ruốc xoài non, mì sống trộn với các nguyên liệu xúc xích, xốt kem tươi hay phô mai trộn với nước mắm, kem ốc quế ăn với bún bò, sữa chua với mì tôm, trà sữa trân châu nấu chung với mì tôm…
Nguyễn Thị Thu Hiền (25 tuổi), làm viên chức tại Q.11, TP.HCM, chia sẻ: "Mình cảm thấy rùng mình và ghê rợn trước những clip thực hiện trào lưu ăn uống "bậy" trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Đừng vì “câu like, câu view” mà làm những hành động bất chấp sức khỏe của mình. Với lại, thời buổi công nghệ 4.0 hiện nay, các video nội dung như này tràn lan không được kiểm soát khi các bạn nhỏ xem sẽ rất dễ làm theo và nguy hiểm về sức khỏe”, Hiền nói.
Ngành dinh dưỡng, ẩm thực trở nên hỗn loạn
Nói đến những trào lưu ăn uống “bậy” mà chúng tôi đề cập bên thạc sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng (cơ sở TP.HCM) cho hay cách thức chế biến món ăn càng “độc lạ” thì càng khiến người ta quan tâm và làm theo. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe nếu như mọi người không có cơ sở chọn lọc thông tin.
"Vừa rồi, rộ lên các tin tức như: cà rốt, củ cải tạo chất độc hay bỏ cà chua vào tủ lạnh gây nguy hiểm. Còn bây giờ thì trào lưu ăn uống "bậy" từ trà sữa mắm ruốc chấm xoài non đến cà phê sữa tươi dầm trứng vịt bách thảo hay những đồ ăn, thức uống "khổng lồ"… Thay vì hướng đến sự khỏe mạnh, cân bằng thì chúng ta lại quan tâm đến những thứ tào lao trên mạng xã hội. Điều này đã làm cho ngành dinh dưỡng, ẩm thực trở nên hỗn loạn", bác sĩ Hùng nói.
Vị bác sĩ còn cho rằng các TikToker tìm sự “độc lạ” trong đồ ăn, thức uống trên là đang cổ súy cho các thói quen dinh dưỡng lệch lạc, như thế sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của giới trẻ nói riêng và người Việt nói chung, gây ra hệ lụy, gánh nặng bệnh tật và thậm chí là gen di truyền yếu cho thế hệ sau.
“Đã đến lúc chúng ta dừng lại trào lưu ăn uống bậy hay làm nội dung tào lao, các hành động quái gở, kỳ dị để gây sự chú ý trên mạng xã hội”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Bác sĩ Hùng cho rằng để bảo đảm sức khỏe chúng ta không thể ăn theo bản năng hoặc chỉ lựa chọn thứ mình thích, mà các thói quen trong cách lựa chọn đồ ăn, thức uống đều phải có sự “tỉnh thức”.
“Muốn cơ thể hoạt động hài hòa, mỗi ngày chúng ta cần cân đối các chất dinh dưỡng theo tỷ lệ nhất định tinh bột – đường, chất béo, vitamin – khoáng chất, xơ, nước, chất có hoạt tính sinh học. Nên ăn 3 bữa chính và có thêm 1, 2 bữa phụ, cố gắng đa dạng từ 20-30 loại thực phẩm vì mỗi loại có điểm mạnh và điểm yếu riêng để cộng hưởng cho nhau”, bác sĩ Hùng thông tin.
"Hạn chế nạp chất không cần thiết hoặc gây hại từ các loại gia vị như: đường, muối, mật ong… cũng như những thực phẩm chế biến sẵn như: xúc xích, thịt nguội, lạp xưởng… Bên cạnh đó, mọi người cần hạn chế dùng đồ ăn chiên, nướng, các thực phẩm qua tinh chế như: bánh mì trắng, mì ống… Đồ ăn càng tươi, nguyên bản càng tốt. Đừng quên thêm các loại rau xanh từ 500 - 600 gr/ngày, trái cây đa dạng 200 - 300 gr/ngày và hãy chú trọng đến giờ giấc sinh hoạt. Đặc biệt là không nên ăn quá no mà chỉ cảm giác chớm no rồi dừng lại”, bác sĩ Hùng cho lời khuyên.
Xem nhanh 20h ngày 4.4: Thoát nghèo nhờ phố hàng rong | Mánh khóe vụ chuyến bay giải cứu
Bình luận (0)