"Rừng Na Uy" là chuyện tình đẹp và buồn

23/12/2010 00:22 GMT+7

Vài giờ trước khi chiếu ra mắt phim Rừng Na Uy với báo giới tại Hà Nội vào tối qua (22.12), đạo diễn Trần Anh Hùng đã có trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên về bộ phim mới nhất này.

So với những bộ phim thành công trước đây của anh như Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng… thì Rừng Na Uy có gì khác biệt về phong cách thể hiện?

Khi nhận một dự án làm phim mới, tôi luôn phải tìm ra sự khác biệt mà trong Rừng Na Uy, thay đổi rõ rệt nhất là khi tôi viết kịch bản. Tôi viết từng đoạn, không liền mạch khi cảm xúc chợt đến, bằng tiếng Pháp, sau đó chuyển sang tiếng Anh và cuối cùng dịch lại tiếng Nhật, thành lời thoại cho diễn viên.

Là người Pháp gốc Việt, anh gặp trở ngại gì khi quyết định làm phim về người Nhật khi mình chưa hiểu rõ lắm về văn hóa của họ?

Theo tôi, quốc tịch không phải là vấn đề của điện ảnh. Ngôn ngữ trong điện ảnh sẽ tạo nên quốc tịch riêng cho mỗi đạo diễn. Tôi chẳng biết gì nhiều về nước Nhật trừ phim ảnh và sách báo. Nhưng quan trọng là, khi làm Rừng Na Uy, tôi thể hiện được sự gần gũi với khán giả. Đó cũng là cách tiếp cận về văn hóa. Một bộ phim thành công không đòi hỏi đạo diễn phải mang quốc tịch của nước mà bộ phim đang hướng tới. Làm sao để nói được ngôn ngữ của nghệ thuật điện ảnh mới là cái tôi quan tâm hơn.

Nhiều đạo diễn không thành công khi đưa tác phẩm văn học lên màn bạc. Anh có sợ mình phạm phải điều này?

Trước khi so sánh với tác phẩm của Haruki Murakami cần phải xem khán giả có thích Rừng Na Uy không, bởi nếu người xem quay lưng thì đồng nghĩa với thất bại. Điều tôi nhắm đến là tạo ra một bộ phim hay, còn chuyện so sánh là của khán giả. Với tôi phim hay là đủ. Điện ảnh là điện ảnh, còn văn chương thuộc về ngôn ngữ nghệ thuật khác.

Trần Anh Hùng luôn gắn với những bộ phim đậm chất nghệ thuật. Anh có bao giờ nghĩ mình sẽ làm được những bộ phim ăn khách không?

Tôi rất muốn thực hiện một bộ phim vừa đậm chất nghệ thuật vừa thu hút khán giả. Bởi bất cứ nền điện ảnh nào trên thế giới mà không bán được vé sẽ bị diệt vong. Phim thương mại hay nghệ thuật chỉ là do cách nhìn của mỗi người. Với tôi, hai phạm trù đó không hề mâu thuẫn. Tuy nhiên, tôi không có khả năng làm những bộ phim hành động bom tấn, sử dụng kỹ xảo hình ảnh 3D vì đó không là sở trường. 

Rừng Na Uy không có vợ anh là diễn viên Trần Nữ Yên Khê tham gia, vì sao?

Vì cô ấy không nói được tiếng Nhật. Vì cô ấy không hợp với lứa tuổi của các nhân vật trong phim. Tuy nhiên, vợ tôi làm phục trang và dựng bối cảnh cho phim. Rừng Na Uy được quay chủ yếu ở Tokyo và Tonomine.

Tâm trạng anh như thế nào sau khi đưa Rừng Na Uy tham dự Liên hoan phim (LHP) Venice nhưng không đoạt giải?

Bình thản. Bởi giải thưởng không là mục đích của tôi khi làm phim này. Cái tôi muốn nhắm đến là mình được lên tiếng tại một trong những LHP lâu đời nhất thế giới. Rừng Na Uy là một chuyện tình đẹp và buồn. Sự sợ hãi khi đánh mất tình yêu và người mình yêu thì chắc rằng mỗi người đều có thể trải nghiệm. Tôi tin phim này không quá kén khán giả mà có thể hướng đến số đông.

Sắp tới anh có dự án làm phim mới không? Có phim nào anh chuẩn bị quay tại Việt Nam?

Tôi đang nắm trong tay 3 dự án làm phim, trong đó có 1 phim làm tại Việt Nam.

Anh nhìn nhận như thế nào về điện ảnh Việt hôm nay?

Đang phát triển rất tốt. Cần có nhiều nhà làm phim hơn nữa, đặc biệt là lực lượng đạo diễn, nhà sản xuất Việt ở nước ngoài về nước đầu tư điện ảnh. Có như thế Việt Nam may ra mới hình thành nên nền công nghiệp điện ảnh. Tôi đặc biệt thích phim Bi, đừng sợ! của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di. Phim Việt gần đây đã bắt đầu chú ý đến ngôn ngữ điện ảnh hơn, ít dính đến “bụi bặm” của văn chương so với trước, gần như chỉ để minh họa cho tác phẩm hay kịch bản văn học.

Đến dự buổi chiếu ra mắt phim Rừng Na Uy tại Hà Nội ngoài đạo diễn Trần Anh Hùng và vợ con, còn có đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, ca sĩ Mỹ Linh, diễn viên Mai Thu Huyền, nghệ sĩ Đào Anh Khánh... Rừng Na Uy sẽ khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 31.12.2010.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.