Trong mấy ngày qua, tràn ngập trên mạng xã hội là những bức tranh, bài học trong sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học cũ, thời chưa cải cách. Mỗi người một kỷ niệm, một nỗi nhớ cứ tuôn chảy trong tiếc nuối sau khi xem lại bộ ảnh này do một trang Facebook đưa lên.
“Tiếng trống trường đã điểm/ Năm học mới tới rồi/ Chúng em bước vào lớp/ Khăn quàng bay đỏ tươi” là những câu thơ miêu tả không khí rộn ràng, phấn chấn của những cô cậu học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè 3 tháng. Từ hình ảnh này, Nguyễn Tuấn Hùng (Hà Nội) nhớ lại: “Không hiểu sao ngày đó mỗi lần nghỉ hè là mình buồn rười rượi vì nhớ trường nhớ lớp. Chỉ mong sao 3 tháng hè trôi qua nhanh để đến ngày khai giảng. Những câu thơ miêu tả đúng tâm trạng háo hức của học sinh trong ngày tựu trường. Mình tự hỏi, học sinh bây giờ không có nghỉ hè, liệu có còn đượ tâm trạng đó hay không?”.
Còn biết bao câu thơ, hình ảnh minh họa đã trở thành “kinh điển”, như bài Hòn đá với những câu dễ thuộc “Hòn đá to, Hòn đá nặng, Chỉ một người, Nhấc không đặng”… Minh họa cho bài thơ là bức vẽ diễn tả một chàng trai nhấc hòn đá mãi không nên, nhưng 3 chàng trai nhấc thì trở nên nhẹ bỗng. “Mình nhớ cô giáo Tâm của mình giảng bài này rất hay. Cô nói nếu có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau thì việc gì cũng thành công. Đó là một trong những bài học đầu đời dễ hiểu, dễ làm theo, mà mình nhớ mãi”. Văn Thắng chia sẻ.
Hình ảnh “chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu nghề nghênh” cũng không phai mờ trong trí nhớ của những người sinh ra thuộc thế hệ 7X, 8X. Hay bài “Gửi lời cháo lớp một” cũng đã khiến bao nhiêu người bâng khuâng.
“Mình vẫn nhớ ngày đầu tiên đi học, mình đã khóc nức nở khi bóng mẹ dần xa, để cô giáo phải dỗ mãi. Nhưng nhoằng một cái, đã phải “gửi lời chàolớp một”. Từng câu thơ như lời thổn thức “lớp một ơi lớp một, đón em vào năm trước, nay giờ phút chia tay, gử lời chào tiến bước. Chào bảng đen phấn trắng, chào lớp học thân quen…”. Không hiểu sao khi học đến bài đó mình cũng lại khóc, khiến cô giáo phải đến hỏi han”, chị Xuân Mai, sinh năm 1977 kể lại.
Còn Lê Dũng vừa chân thật vừa hài hước: “Tôi nhớ nhất bài Cây bàng. Thấm thoắt đã 30 năm. Nay tôi đã một vợ và 2 con, sắp thành ông già! Xin một lần quay lại tuổi thơ được không?”.
Lý giải về việc vì sao những trang sách lại có ấn tượng sâu đậm đối với nhiều người đến thế, Nguyễn Mỹ Hạnh, giáo viên Trường THCS Phước Thiền (Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết: “Những bài học ngày đó nhẹ nhàng, đơn giản, dễ hiểu, dễ đọc và dễ học nhưng vô cùng sâu sắc. Đặc biệt những ảnh vẽ minh họa rất dung dị mà giàu hình ảnh”.
Trong khi đó, Tấn Phong, nhân viên văn phòng tại TP.HCM, sinh năm 1982, sau khi xem lại loạt ảnh, đã nhìn nhận: “Sách giáo khoa giờ bày vẽ đủ loại. Con tôi học lớp 2, thấy nhiều bài tiếng Việt quá dài, trình bày cũng không còn sinh động và dễ hiểu như sách ngày xưa. Nhiều học sinh học xong chẳng nhớ nổi viết cái gì”.
Bình luận (0)