Rừng thông 'chết đứng' vì thuốc độc

14/11/2014 08:57 GMT+7

Nhiều cụm rừng thông ở TP. Đà Lạt và H. Lạc Dương (Lâm Đồng) “chết đứng” do bị ken cây, khoan lỗ rồi bơm thuốc độc vào thân cây.

Thông bị ken ngang thân và đổ thuốc độc - Ả̉nh: Lâm Viên

Đi dọc tuyến đường 723 (nối TP.Đà Lạt - TP.Nha Trang) dễ dàng nhìn thấy nhiều cụm rừng thông cận kề các rẫy cà phê hoặc các vườn trồng rau, hoa bị “chết đứng”. Những cây thông “chết đứng” đều có dấu vết bị ken (chặt vát ngang thân), khoan lỗ rồi bơm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ vào thân; thông bị ngấm thuốc rồi chết dần. Ông Trần Đức Nam, Bí thư Đảng ủy P.12 (Đà Lạt) cho biết: “việc kẻ xấu ken, khoan lỗ và đổ thuốc độc vào thân cây thông được thực hiện vào ban đêm, nhưng sau vài tháng ngấm thuốc thì cây thông mới chết dần, nên rất khó khăn trong việc phát hiện và xử lý những người vi phạm”.

Tương tự, tại các tiểu khu 148A, 148B, thuộc địa bàn P.7, TP.Đà Lạt, (giáp ranh với H. Lạc Dương), do Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Nung quản lý, có hàng chục cây thông bị ken, bị bơm thuốc độc làm thông chết khô. Ông Phan Cảnh Thiện, Chủ tịch UBND P.7 (Đà Lạt), cho biết sau khi có chỉ đạo của UBND TP. Đà Lạt, các cơ quan chức năng của phường đã phối hợp với chủ rừng và Hạt Kiểm lâm đến 2 tiểu khu trên thống kê số cây thông bị “đầu độc” và diện tích đất rừng bị san ủi trái phép để báo cáo UBND TP. Đà Lạt trước ngày 15.11.

Còn tại H. Lạc Dương, từ đầu năm 2014 đến nay, đã phát hiện 75 vụ phá rừng, trong đó có 19 vụ ken cây thông, đổ hóa chất làm cây chết. Cũng trên địa bàn H. Lạc Dương, tại tiểu khu 91, thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có gần 100 cây thông từ 25 - 30 năm tuổi đang chết dần do bị ken và “tiêm” thuốc độc với mục đích lấn chiếm đất rừng. Năm 2013, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tổ chức nhiều đợt truy quét, giải tỏa lấn chiếm và giành lại được gần 30 ha đất lâm nghiệp, trong đó có điểm phải thực hiện 5 - 7 lần giải tỏa. Ông Phạm Triều, Phó chủ tịch UBND H. Lạc Dương cho biết: “Lạc Dương có 45 dự án du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, liên quan đến rừng với diện tích trên 7.000 ha (chủ yếu nằm dọc đường 723), nhưng do các doanh nghiệp không triển khai dự án đã để dân lấn chiếm rừng nên huyện đã đề nghị tỉnh thu hồi 15 dự án”. Cũng theo ông Phạm Triều, những khu rừng nằm liền kề với đất sản xuất thường xảy ra hiện tượng ken cây, lấn rừng.

Box: Ngày 31.10, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản yêu cầu TP.Đà Lạt và H.Lạc Dương khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng ken cây, bỏ hóa chất làm chết cây rừng, lấn chiếm đất rừng, đồng thời rà soát, thu hồi giấy phép đã cấp không đúng quy định; không cấp phép cho cá nhân, tổ chức san ủi đất tại các khu vực cấm.

Lâm Viên

>> Sẽ khởi tố vụ phá rừng thông
>> Rừng thông cảnh quan 25 năm tuổi bị chặt phá
>> Rừng thông 3 lá bị đốn hạ hàng loạt
>> Triệt hạ rừng thông ba lá
>> Lãnh án vì hủy hoại rừng thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.