Rượu Hồng đào cớ sao lại không có thật!

18/03/2006 18:14 GMT+7

Đọc bài viết "Rượu Hồng đào hoàn toàn không có thật" của anh Lê Minh Quốc, tôi buộc phải cãi lại - không cãi không được - như cách người Quảng Nam vẫn thường nói. Bởi không chỉ là rượu, là đất, câu ca dao ấy nói một chủ thể không có mặt (trên câu ca dao) là người Quảng Nam. Nó như hạt ngọc sao lại dễ dàng vứt bỏ đi.

Không đợi đến năm Nguyễn Hoàng cầm quân vượt Hải Vân trấn giữ Quảng Nam thì câu ca dao: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Rượu Hồng đào chưa nhấm đã say mới có. Danh xưng Quảng Nam đã được xác định vào năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông khôi phục lại bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (vốn là đất Chiêm Thành đã nhượng cho nhà Hồ từ năm 1402). Có thể trước đó cái tên Quảng Nam đã được dùng đâu đó trong dân gian nhưng theo văn bản thì tháng 6/1471, vua Lê Thánh Tông lập thừa tuyên Quảng Nam đạo, tức thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt gồm có 3 phủ, 9 huyện. Phần đất từ bờ bắc sông Thu Bồn trở ra đến đèo Hải Vân (bao gồm cả TP Đà Nẵng ngày nay) lúc này mang tên huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong của Châu Hóa. Mãi đến khi Nguyễn Hoàng thiết lập dinh trấn Quảng Nam (năm 1602) thì hai năm sau mới tách huyện Điện Bàn sát nhập vào dinh trấn Quảng Nam.
Vậy thì cớ gì lại khu trú sự xuất hiện của câu ca dao trên phải có trước hay sau cái mốc Nguyễn Hoàng vào trấn Quảng Nam mà lại không thể có từ khi Quảng Nam đã thành danh xưng?
Cũng cần nói lại cho đúng trong cả 2 câu, người Quảng Nam dùng chữ "đà" chứ không phải chữ "đã".
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng đào chưa nhấm đã say

Câu ca dao trên viết theo lối văn biền ngẫu thường thấy ở lối văn cổ, lời, ý đối nhau, nhưng có dịp để phân tích kỹ cách dùng từ trong hai câu thật là hay. Cùng sử dụng danh từ riêng Đất Quảng Nam - Rượu Hồng đào kết hợp với phó từ chưa biểu thị ý nghĩa phủ định: chưa mưa, chưa thấm nhưng đưa đến kết quả xác định đà thấm và đà say, để chỉ một chủ thể (thực) vắng mặt trong câu là người Quảng Nam. Cái tài tình ở chỗ không có chữ nói đến người - chủ thể vắng mặt - mà đọc lên là hiểu đến người, không phải một người mà còn là tính cách một tập thể người.

Thật là: "Danh khả danh phi thường danh". Cái khả dĩ là "danh" nằm ngoài cái "danh" thường hằng! Bởi nói đất, nói rượu mà lại nói người, nên tính cách người. Khi đặt tên Quảng: mở ra, Nam: Phía Nam vị vua tài trí, thần thơ tên hiệu Hồng Đức này đã xác định vùng đất, con người mở ra tiến vào Nam làm cuộc đổi mới bờ cõi. Chính vậy nên người Quảng Nam "nhạy cảm với cái mới, khao khát cái mới như đất hạn khát mưa, háo hức hút ngay từ giọt nước đầu tiên. Thậm chí khi chưa thật sự có giọt nước nào, chưa thật sự mưa đã náo nức hóng về mưa, cảm nhận ra nó rất sớm, chờ đón nó nồng nhiệt" (sđd: trang 370: Tìm hiểu con người xứ Quảng do Nguyên Ngọc chủ biên).

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm là vậy. Chưa cần nói câu nặng nhẹ, nghe cái hơi, cái không khí thôi, là đã hiểu muốn nói gì rồi. Nhưng tại sao lại "đà" chứ không là "đã". Theo ngữ pháp tiếng Việt do Tiến sĩ ngôn ngữ Nguyễn Hữu Quỳnh soạn (NXB Tự điển Bách khoa in năm 2001) thì đã là nhóm phó từ biểu thị ý nghĩa thời gian. "Đã" chỉ việc đã làm chuyện đã qua, đã xong rồi còn "đà" là biến từ của đã nói việc đã qua đang còn diễn tiến và có khi tiếp đến tương lai. Khi dùng từ "đà" trong ngữ cảnh của câu ca dao trên tất muốn nói cái sự thấm, sự say ấy là đã có, lưu lại cứ mãi mãi còn hoài trong tính cách người xứ Quảng.

Từ thấm không do tự điển ta cũng hiểu đúng như anh Lê Minh Quốc trích dẫn. Với học sinh dễ hiểu hơn thấm có nghĩa là thẩm thấu: ngấm vào từ từ (mà sâu bền). Đặc biệt ở câu dưới, động từ quan trọng cùng với từ thấm để chỉ ra tính cách lại đặt trước chữ đà là nhấm. Nhấm tức là dùng đầu lưỡi chạm vào, tiếp xúc với vật chất (không phải nếm, lại càng không phải uống) nhằm kéo dài sự thích thú, cảm nhận hết sự tinh tế, tuyệt vời của rượu, hay của cái tình trạng nó. Rượu Hồng đào chưa nhấm đã say: "Đến câu này thì rõ ràng nói về một con người thật đa cảm, đa tình. Nếu là người nơi khác nói người Quảng thì đó là một nhận xét thương yêu, trân trọng đối với con người ở đây. Còn nếu người Quảng tự nói về mình thì quả thật con người, phải sống khắc nghiệt là vậy, buộc phải lý trí là vậy, mà trong đáy sâu tâm hồn vẫn nhân hậu và lai láng nghệ sĩ biết bao!". (sđd trang 367. Tìm hiểu con người xứ Quảng do Nguyên Ngọc chủ biên).

Hỏi rượu Hồng đào là rượu gì, có thật hay không? Ngày có cơ duyên làm báo đi khắp các vùng quê Quảng Nam, cũng nghi ngại như anh Quốc (và nhiều người khác) tôi cố tìm hỏi nó là cái chi chi. Mỗi người diễn tả cách "chế tác" rượu Hồng đào mỗi cách, nhưng tựu trung lại thì rượu Hồng đào khắp cả Quảng Nam nơi nào cũng có và thường chỉ làm ra dùng vào việc lễ, dịp cưới hỏi nghinh hôn, lấy làm rượu hợp cẩn giao bôi. Cách chế tác như sau: lấy rượu đế (trắng) thường nấu bằng gạo sau khi lên men, dùng cây tăm hương (chân hương đã đốt còn trong bát nhang) hay lấy cái vỏ bao hương nhúng vào rượu trắng, nhuộm màu hồng của chân hương hay vỏ bao hương cho rượu, nên rượu Hồng đào. Để làm chi vậy? Là để khác với rượu thường ngày thường. Ngày thường uống rượu đế thường ngàn ly (chun) không say, nhưng ngày lễ - rượu Hồng đào - cái tình ấy, cái nghĩa ấy (sao) chưa nhấm đà thấy say. Đến đây mới thấy hết ý nghĩa của chữ "đà". Bởi cái tình ấy, chuyện tình, chuyện nghĩa, chuyện lễ là cái đã có ngấm sẵn trong con người và nó cứ lâng lâng phấn khích, say lòng người cần gì rượu, cần gì mưa! Là trong rượu có tình và cái tình ấy mới say chứ rượu thì làm gì phải say và cái say này hứa hẹn kéo dài đến tương lai.

Vậy thì rượu Hồng đào là có thật chứ! Chỉ do người dân quê tôi không muốn (hay không biết) tổ chức để công nhận thương hiệu mà thôi. Bởi cũng có thể do giấu nghề hay giấu nghèo! Cũng là sĩ diện mà ra, cái ngày lễ, ngày bái ấy không phải ngày thường rồi, cần phải dâng lên, trao nhau vật gì trân quý hơn cái thường dùng (rượu đế) nhưng nghèo quá nên đành biến báo ra cái rượu khác ngày thường - rượu Hồng đào.

Chúng ta ở vào thời đại mà những giá trị tinh thần đã được thế giới công nhận tôn vinh là di sản nhân loại (phi vật thể) thì cớ sao rượu Hồng đào của Quảng Nam lại không có thật?

Nguyễn Trung Dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.