Dân ta có câu “Mất bò mới lo làm chuồng”, ngẫm ra cũng đúng với vụ
tai nạn xe tải tránh rạp đám cưới dựng trên đường, gây ra tai nạn giao
thông chết người (ở Q.Thủ Đức, TP.HCM tối 21.11).
Nhà chức trách địa phương, nơi xảy ra tai nạn, hứa rằng: “Sau vụ việc này, UBND quận nghiêm cấm hành vi lấn chiếm lòng lề đường dựng rạp để tổ chức tiệc tùng. Nếu các phường để xảy ra vi phạm, quận sẽ xử lý kỷ luật người đứng đầu”.
Theo lẽ thường tình, tất cả mọi vụ việc công khai vi phạm pháp luật xảy ra ở địa phương nào thì bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị, nhất là những người lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm. Vẫn biết là vậy nhưng dường như không ít vi phạm diễn ra hằng ngày, thường xuyên, giữa ban ngày ban mặt, ai cũng thấy cũng biết, lại được chính quyền bỏ qua. Rất nhiều dạng vi phạm, có khi ban đầu chỉ cỡ tiểu yêu, dẹp ngay xong liền, tuy nhiên do được dung túng, bỏ qua, do sự thờ ơ vô trách nhiệm, thậm chí đồng lõa của nhà quản lý và lực lượng chức năng, dần dần chúng biến thành yêu quái, chỉ khi chúng gây ra tai họa thì cả cộng đồng mới vội giật mình.
Nhiều khách du lịch phương Tây đến VN thường than thở về tình trạng pháp luật bị thả lỏng khiến họ ban đầu có đôi chút lạ lẫm, tò mò, sau thì cảm thấy bất an, khó chịu. Quen sống ở nơi mọi thứ đâu ra đấy, việc to điều nhỏ đều được ràng buộc, điều chỉnh bởi quy định pháp luật, họ lạ, khó chịu là phải. Lúc nào cũng nghe tuyên truyền đường thông hè thoáng nhưng lúc nào cũng thấy hàng quán tràn lan, rạp đám tiệc lấn chiếm hết cả con đường. Nhiều người cằn nhằn về âm thanh của hệ thống loa phường nhưng lại sẵn sàng bỏ qua, nín nhịn trước tình trạng tổ chức tiệc tùng rồi thuê dàn âm thanh về hát nhạc sống hay karaoke giữa phố buổi đêm... Chúng ta có hẳn những quy định về nếp sống văn hóa, văn minh công cộng, văn minh đô thị, vậy mà chỗ nào cũng có thể bắt gặp tình trạng vi phạm một cách công khai, vô tư, như mặc nhiên được chấp nhận.
Không phải chỉ ở nông thôn, người ta mới hồn nhiên ra quốc lộ phơi rơm rạ, thóc lúa, nông sản, bất chấp việc có thể gây tai nạn giao thông. Mà ngay trong đô thị, chuyện dựng rạp, ngang nhiên cấm đường, bày biện ăn uống tiệc tùng, đàn hát chiếm không gian công cộng là “chuyện ngày thường ở huyện”. Mà trong bộ máy quản lý xã hội, chúng ta có cả cơ quan chính quyền chịu trách nhiệm lẫn các lực lượng chức năng chuyên xử lý vi phạm, chẳng biết khi nó (tình trạng vi phạm) công khai thế, bộ máy ấy có biết không? Biết nhưng mọi sự vẫn xảy ra. Thế mới lạ.
Điều nguy hiểm ở chỗ, hầu hết dân chúng lẫn nhà chức trách đều coi những vi phạm kiểu ấy là chuyện nhỏ, dễ tặc lưỡi cho qua, xuê xoa, thông cảm. Thậm chí có nơi lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố... cũng được gia chủ hợp đồng trông coi giữ xe cho sự kiện. Thì đành rằng cũng có phần nên chiếu cố, cởi mở, chứ khe khắt với nhau quá trong sinh hoạt chẳng hay, nhưng xét cho cùng phần dở nhiều hơn phần hay, cái mất nhiều hơn cái được.
Cái sảy nảy cái ung, một khi những vi phạm pháp luật được nuông chiều, được nhởn nhơ, được đà lấn tới, gây ra hiểm họa cho cộng đồng xã hội thì mọi sự kiểm điểm, rút kinh nghiệm về sau chỉ có ý nghĩa làm cho vụ việc thêm tròn trịa, đầy đủ mà thôi.
Bình luận (0)