img
Rút lửa cuộc chiến ngầm trong công viên - Ảnh 1.

Chỉ một đoạn đường ngắn trên phố Võ Thị Sáu (Hà Nội), chị Thanh Thủy đã phải sang đường đi sang đường lại tới 5 lần. 

"Tôi ở trên phố Võ Thị Sáu, muốn đi bộ ở công viên Tuổi trẻ cho khỏe, nhưng đoạn vỉa hè của công viên này nhiều ô tô đỗ quá, nên cứ phải đi lên đi xuống liên tục. Rồi có đoạn không có xe đâu nhưng mà khai quá tôi lại phải đi sang đường đối diện. Khai vì xe đỗ ở đó lâu che lấp nên nhiều người cũng tiện thể… gây khai. Đi sang đi về thế mấy lần cũng tới cổng công viên Tuổi trẻ", chị Thủy tâm sự. 

Chị cũng cho biết, cuộc đi bộ trong công viên cũng dích dắc như vậy, vì công viên này có quá nhiều công trình nên bị chia làm nhiều khoảng nhỏ. Chia như vậy khiến người dân không có một khoảng thật rộng để đi mà không phải lòng vòng ngoắt nghéo.

Rút lửa cuộc chiến ngầm trong công viên - Ảnh 2.

Công viên là nơi nhiều người nhắm tới để gửi xe

BĂNG NHI

Không chỉ công viên Tuổi trẻ bị ô tô quây, nhiều công viên khác ở Hà Nội cũng đều "dính" ô tô cả. Họ còn cho đỗ cả ô tô trong công viên. Ngay cả nơi yên tĩnh so với mặt bằng chung công viên Hà Nội như công viên Bách Thảo cũng có dãy xe ô tô dài trong công viên. Công viên Thống Nhất còn từng được "ngắm" cho dự án bãi đỗ xe ô tô. 

"Nhiều nơi người dân tranh nhau bãi đỗ xe. Mà người dân mua ô tô, tăng trưởng ô tô không thể ngăn lại được. Thậm chí, ô tô còn giá rẻ, vài ba trăm triệu là có ô tô. Ai cũng muốn đi ô tô, thì để ô tô ở đâu. Ô tô sẽ chiếm vỉa hè, lòng đường, và các bãi ô tô sẽ nhảy vào công viên", KTS Nguyễn Hoàng Phương, người từng nhận nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế, nói.

Rút lửa cuộc chiến ngầm trong công viên - Ảnh 3.

Về việc đưa ô tô vào công viên, ông Phương cho rằng, tại sao nhà nước không đưa ra điều kiện ở đâu được xây dựng bãi đỗ ô tô thì ở đó phải xây bãi đỗ ô tô ngầm và ở trên phải xây dựng công viên. "Phía trên là công viên cây xanh, ở dưới là các tầng để ô tô. Có thể là tầng để ô tô tự động, bấm nút là xuống khoang, vì không đủ diện tích để làm đường đi lên. Chủ đầu tư bãi xe cũng có thể được ưu tiên được xây dựng thế nào trong thành phố", ông Phương nêu giải pháp.

KTS Phương cho biết, rễ cây thường chỉ sâu xuống độ 2 - 3 m, thì có thể coi như mất một tầng và việc xây bãi đỗ xe ngầm như vậy không ảnh hưởng tới cây. Nhưng nó lại giải quyết được nhiều vấn đề. Thứ nhất, giải quyết được việc xe phơi trong nắng nóng có thể bị ảnh hưởng. Bãi đỗ xe ngầm sẽ được cây xanh làm mát. Nhưng quan trọng hơn, nó sẽ giải quyết được nhiều chỗ để xe, và người để xe ô tô cũng sẵn sàng chi trả cho việc này, miễn là có chỗ đỗ lâu dài. "Thậm chí, nếu chủ đầu tư không có vốn lớn, người ta sẵn sàng trả tiền thuê chỗ ô tô vài năm luôn. Đây là mô hình có thể tự nuôi lấy mình", KTS Phương nói.

Rút lửa cuộc chiến ngầm trong công viên - Ảnh 4.

Vỉa hè ở công viên Tuổi trẻ là nơi đậu xe ô tô và thường có mùi không sạch sẽ

TRINH NGUYỄN

Ông Phương cũng chia sẻ kinh nghiệm của TP.Nam Ninh (Trung Quốc). Ông cho biết, TP.Nam Ninh chủ yếu là chung cư thấp tầng và cao tầng, không có nhà mặt đất. 

"Tầng hầm là siêu thị, bãi đỗ xe, tàu điện ngầm. Kiểu như Singapore, xuống tầng hầm có thể có cả một chợ đêm sinh hoạt sầm uất, một phố mua bán hoạt động liên tục. Nhưng ở trên mặt đất là cây xanh hết. Đường ô tô chạy, hàng rào như chạy trong công viên. Hà Nội chỉ cần sang Singapore xem, sang Trung Quốc xem, ngay Nam Ninh thôi. Còn nếu đã để tầng mặt đất cho ô tô đỗ thì đường phố và cả công viên sẽ luôn luôn bẩn, luôn luôn rác, luôn cãi nhau", ông Phương nói. 

Cũng theo ông Phương, nếu làm được những bãi đỗ xe thông minh như thế, Hà Nội sẽ có cả vườn hoa, công viên cây xanh. Chất lượng cuộc sống và cả giá trị bất động sản cũng tăng theo.

Rút lửa cuộc chiến ngầm trong công viên - Ảnh 5.

Nếu như chưa biết tới bao giờ Hà Nội mới có các bãi đỗ xe ngầm ở dưới công viên cây xanh thì cuộc chiến giữa phe cưng chó - ghét chó lại đã có giải pháp thực tế. Tại công viên Yên Sở, một khu "công viên chó" đã được xây dựng, lắp đặt. Hàng ngày, những gia đình có chó có thể mang thú cưng của nhà mình tới đó vui chơi. 

"Bạn Tito nhà em ở nhà thì em rất chiều, nhưng hàng xóm trong chung cư lại hay phàn nàn mỗi khi Tito sủa. Cho đi dạo trong sân khu nhà cũng nhiều người nhìn có vẻ không thích. Nhưng em không dám cho Tito đi dạo vỉa hè vì em đã từng bị dòng dây cướp chó ngay trước mặt. Vì thế, thỉnh thoảng em lại cho xuống công viên này chơi cho vui. Chó chơi, còn chủ cũng được chia sẻ niềm vui nuôi thú cưng", bạn Hà Thu chia sẻ.

KTS Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, người thiết kế và thực hiện công viên này, chia sẻ ý tưởng về công viên này thoạt tiên do một người bạn Mỹ của anh đưa ra. Người bạn Mỹ có vợ người Việt Nam, rất quan tâm đến không gian công cộng. 

"Bạn ấy có ý tưởng làm công viên cho chó từ lâu rồi. Chúng tôi cũng thích và thấy nó rất hợp lý nên ủng hộ mạnh, thậm chí hỗ trợ thiết kế. Bạn ấy là tài trợ. Chúng tôi còn có ý tưởng gây quỹ thêm trên Momo để có đối ứng, nhằm làm được nhiều hơn", KTS Quốc Đạt nói về quá trình hình thành sân chơi.

Công viên cho chó sẽ lấp đi “xung đột” giữa người yêu chó nuôi chó và những người khôngyêu chó

T.N

KTS Nguyễn Tiêu Quốc Đạt chia sẻ, nhu cầu sân chơi cho chó là tất yếu. "Ở nhiều nước, trong đó có Mỹ, chó cũng được bảo vệ như bảo vệ trẻ em. Còn ở Việt Nam, cá nhân tôi theo dõi xung đột giữa thế hệ ăn thịt chó và GenZ thì xung đột đó nó không bao giờ kết thúc trên thế giới online", KTS Đạt nói.

Thêm vào đó, theo KTS Đạt, xung đột giữa người sở hữu chó trong khu chung cư với thế hệ trước cũng sẽ có. "Chó trong chung cư cũng bất tiện phiền hà vì nó sủa. Nó ở trong không gian tù túng không có chỗ chơi thì nó sẽ sủa thôi. Đó là điều bình thường và không thể giải quyết trên những cuộc tranh luận không có giải pháp. Trách móc nhau, đội yêu chó bảo phía bên kia vô văn hóa, còn người không thích chó thì bảo lại bọn mày cũng vô văn hóa. Bế tắc!", vị KTS này nói.

Rút lửa cuộc chiến ngầm trong công viên - Ảnh 7.

“Bảng tin” tuyên truyền với mong muốn về những người Hà Nội yêu động vật

TRINH NGUYỄN

Theo KTS Đạt, khi sân chơi cho chó ra đời thì không còn chuyện chó chạy bừa trong công viên nữa, cũng hạn chế được việc chó cắn trẻ con.

"Khi xã hội xuất hiện người yêu chó thì sẽ xuất hiện nhu cầu sân chơi cho chó. Có công viên đó thì hòa giải được nhiều vấn đề. Đây là không gian công cộng văn minh để có thể thả chó ra. Ở nước ngoài, không gian ngoài công viên chó phải xích chó, luật là thế, còn luật ở Việt Nam chưa có những hành vi, giao ước về cách sở hữu chó. Giáo dục quần chúng hay gì cũng phải dựa trên không gian thật để họ thấy làm thế nào là văn minh hơn", KTS Đạt chia sẻ.

Rút lửa cuộc chiến ngầm trong công viên - Ảnh 8.

Ở công viên chó, các quy tắc đã được thiết lập. Ngoài cửa công viên, còn có bảng tin với bài thơ, hình ảnh liên quan. Ở đó, bài thơ Nếu tôi là đại gia tôi sẽ xây công viên chó có đoạn: "Chó vệ sinh lung tung, vườn vương bẩn/Chó thả rông, lũ trộm chó cuồng điên/Vườn ô nhiễm, trẻ vào chơi hoảng sợ/Ai nào thương, lũ mèo chó đi hoang".

Một bài viết khác lại chia sẻ: "Tôi muốn vẽ ra một Hà Nội trong một tương lai mà tôi mơ ước, một tương lai mà tôi muốn các thế hệ tiếp theo được sống ở đó, nơi con người Hà Nội sống nhân văn hơn với nhau, và với vạn vật xung quanh mình. Cụ thể nhất, là với chó mèo hay những loài động vật nhỏ hoang dã khác vẫn luôn sống cùng chúng ta. Công viên chó là thế!!!".

Rút lửa cuộc chiến ngầm trong công viên - Ảnh 10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.