'Ruy băng đỏ' - Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

10/05/2015 11:00 GMT+7

Buổi sáng, hễ cứ mở mắt chào ngày mới, là tôi lại nghĩ về Khanh đầu tiên. Tại sao lại như thế? Tôi có quá nhiều việc để nhớ vào khoảnh khắc đầu tiên ấy trong ngày, nhưng tôi lại chỉ nghĩ về Khanh. Có thể, tôi cũng không chắc nữa, rằng đó là một thói quen. Đôi khi tình yêu chính là một thói quen.

Buổi sáng, hễ cứ mở mắt chào ngày mới, là tôi lại nghĩ về Khanh đầu tiên. Tại sao lại như thế? Tôi có quá nhiều việc để nhớ vào khoảnh khắc đầu tiên ấy trong ngày, nhưng tôi lại chỉ nghĩ về Khanh. Có thể, tôi cũng không chắc nữa, rằng đó là một thói quen. Đôi khi tình yêu chính là một thói quen.

Ruy băng đỏMinh họa: Hồng Thiện Cường
Tôi luôn có ham muốn được làm chuyện đó với Khanh, chỉ duy nhất là Khanh trên đời thôi.
Ý nghĩ ấy bắt đầu từ năm tôi mười ba tuổi, khi lần đầu tiên thấy ngực Khanh nhú mầm, và những câu chuyện nam nữ của những người đàn ông khu phố làm tôi thổn thức. Nhưng khi đã có thể làm chuyện đó, khi chỉ còn hai đứa trong căn xép nhỏ dán đầy ảnh một tài tử cơ bắp cuồn cuộn của tôi, hay căn phòng có những con búp bê sứ của Khanh... thì cảm xúc của tôi, rất nhanh đã tắt ngúm như ngọn đèn dầu trong bão gió. Tôi không thể âu yếm Khanh một cách nồng nhiệt và say đắm, trái tim tôi lạnh lẽo, tâm hồn tôi bay mất khỏi cơ thể, lang thang tận cõi xa xôi nào đó, cho đến khi Khanh thở dài, rã rời buông hai cánh tay trần nuột nà như tay tượng sứ khỏi tôi. Những lúc như thế, tôi biết từ sâu thẳm Khanh không muốn làm tôi tổn thương, và cách duy nhất Khanh an ủi tôi chính là một câu nói: “Cậu đừng nghĩ đến mẹ nữa. Đã đến lúc quên mẹ rồi, được không?”.
Làm sao tôi quên mẹ được. Người ta bảo những người đã chết sợ nhất là họ bị những người đang sống lãng quên. Họ bảo những bà đồng cốt biết nói chuyện với hồn ma, và hồn ma đã qua bà đồng mà nhắn nhủ với những người đang sống đừng quên người thân đã mất. Đã hơn ba lần tôi đến gặp những bà đồng nổi tiếng trong xứ. Những bà đồng cam đoan mình có thể gọi hồn. Tôi muốn nói chuyện với hồn ma của mẹ. Muốn hỏi mẹ một câu thôi: Tại sao mẹ lại tự giết mình? Tại sao mẹ lại muốn chết? Nhưng không bà đồng nào có thể đưa được hồn ma của mẹ tôi nhập xác. Họ bảo có thể hồn mẹ tôi đã tan biến mất rồi vì chết oan khuất, bà khác lại bảo mẹ tôi đã được đầu thai làm kiếp khác. Nghĩa là tôi không bao giờ được gặp lại mẹ, không bao giờ biết được tại sao mẹ chết.
Có phải cảm xúc của tôi nhanh chóng tắt ngúm khi gần gũi Khanh là do tôi nghĩ về mẹ không, và Khanh thì ngây thơ tin rằng chỉ cần tôi quên mẹ là mọi chuyện sẽ ổn? Tôi không biết câu trả lời, và căn bản chẳng bao giờ muốn đi tìm câu trả lời. Tôi và Khanh thường cố gắng làm chuyện đó trong căn xép của tôi, khi cha đi vắng (mà cha tôi ít khi ở nhà, trừ các buổi tối và sáng chủ nhật). Em Bơ của tôi thì chỉ chăm chú vào bộ phim hoạt hình mèo Tom, xem đi xem lại cả tỉ lần. Và quan trọng là mẹ Khanh không muốn nhìn thấy tôi trong căn nhà của bà. Bà luôn bằng mọi cách nhồi vào đầu tôi và Khanh quyết tâm rằng không bao giờ bà cho phép một đứa con trai nhà tâm thần làm con rể, dù cho chúng có yêu nhau từ niên thiếu đi chăng nữa. Vì vậy, mỗi khi tôi và Khanh ở bên nhau, hình ảnh mẹ treo lủng lẳng trên dải ruy băng đỏ trước song cửa sổ làm tim tôi đau buốt. Tôi khóc.
Năm tôi mười tuổi, mẹ treo cổ chết trước song cửa sổ bằng một dải ruy băng đỏ. Không ai biết mẹ vì sao muốn chết. Nếu vì những hờn ghen nho nhỏ mà mẹ thể hiện khi cha tôi đi nhậu với đồng nghiệp về khuya thì thiếu thuyết phục. Đàn bà ai chẳng tỏ ra ghen tuông đôi chút khi chồng có người phụ nữ khác theo đuổi. Đôi khi sự hờn ghen lại là sợi dây níu giữ. Những hờn ghen của mẹ không đến mức khiến mẹ phải tự tử, và cha tôi cũng chưa dan díu với ai để vợ phải chết vì uất ức. Người ta bảo mẹ tôi bị trầm uất nặng trước khi chết, nhưng tôi chưa bao giờ thấy mẹ buồn.
Cha tôi đóng cửa căn xép nhỏ nơi mẹ tôi tự tử. Nhưng ông không khóa chặt được những kỷ niệm về mẹ. Lúc nào mẹ cũng hiện hữu trong ngôi nhà, đến nỗi dù em Bơ còn chưa đầy một tuổi, khát sữa và luôn gào khóc, cha cũng bất chấp mọi người khuyên nhủ, ông quyết một mình nuôi tôi và Bơ. Ông nói không một người phụ nữ nào có thể thay thế được mẹ tôi, dù bà đã chết. Không ai được phép sống trong ngôi nhà mà cha con tôi và mẹ đã sống.
Năm tôi mười ba tuổi, tôi xin cha cho mở cửa căn xép nhỏ. Tôi muốn sống ở đó, muốn thiết lập cõi riêng của tôi. Cha không bằng lòng. Nhưng tôi không mãi mãi mười ba tuổi, em Bơ không mãi mãi là một đứa trẻ. Dù mẹ đã chết, thì chúng tôi vẫn cứ lớn lên. Cha im lặng khi tôi tự ý mở khóa và ngồi trong căn xép cả buổi chiều. Bên song cửa, nơi thi thể mẹ từng treo lủng lẳng ba năm trước, lần đầu tiên tôi ngắm Khanh, cô bạn hàng xóm đang xếp những con búp bê sứ lên thành cửa sổ, và biết rằng thế nào là khi ta yêu một người.
***
“Cha ơi! Mình chuyển đi chỗ khác được không?”.
Đôi mắt sâu thẳm của cha in trên ngón tay băng trắng của tôi. Đôi mắt cha bảo rằng cha hiểu tôi đã đau khổ như thế nào, nhưng không phải hễ cứ đau khổ đến là ta lại tìm đường bỏ trốn. Đôi khi ta phải đối diện với nó. Tương tự thế, cha không thể chuyển ngôi nhà đi chỗ khác, chỉ để tôi không phải ngày ngày đối diện với tình yêu tan vỡ của mình.
Tôi không nhớ chàng trai đó là người thứ bao nhiêu Khanh đưa về ra mắt gia đình. Anh ta, cũng như những anh chàng trước đó, đứng ở nơi mà nhiều năm trước Khanh xếp những con búp bê sứ. Anh ta nhìn thấy tôi đang ngồi sau song cửa ngôi nhà đối diện. Hẳn anh ta sẽ hỏi Khanh về tôi, và Khanh có thể sẽ nói “Một người hàng xóm bị tâm thần”. Hoặc “Người yêu cũ của em”. Hay “Người yêu đã bị mẹ buộc em chia tay vì nhiều lẽ”. Cũng có thể: “Hắn ta là một con ma đấy”. Tôi không biết Khanh trả lời những chàng trai đó như thế nào, vì sau đó họ luôn nhìn về căn phòng của tôi rất lâu.
Mẹ Khanh không chấp nhận việc con gái của bà yêu tôi, và hai đứa tôi lại yêu nhau mê mệt, đến nỗi quên hết rằng trên đời còn có những khoảng cách cho tình yêu. Khoảng cách mà chúng tôi phải vượt qua dài lắm. Rằng tôi là con trai một người đàn ông u sầu, một người đàn bà u sầu đến chết, một đứa em tâm thần luôn nhỏ dớt dãi và luôn phải quàng khăn bông trên ngực, và tôi luôn nhìn thấy hồn ma.
Tôi thường dắt tay em Bơ đứng ngoài căn gác xép và nhìn vào qua khe cửa. Ở đó, tôi thấy mẹ ngồi tết những dải ruy băng đỏ thành những chiếc nơ và đính chúng lên cửa sổ. Thình lình, những chiếc nơ bung ra, siết lấy cổ mẹ. Mẹ không kêu gào, giẫy giụa. Trái lại, mẹ nhắm mắt, bình thản, miệng hơi mỉm cười, và sợi ruy băng đỏ dài bất tận từ từ thít chặt cổ mẹ. Mẹ bay lên, tóc xõa bên cửa sổ.
Tôi siết tay em Bơ mỗi lúc một chặt, cho đến khi em khóc thét lên, dớt dãi nhểu ra ướt đẫm chiếc khăn bông quàng trước ngực. Tôi cũng khóc. Tại sao mẹ lại chết. Nếu mẹ không chết, chắc em Bơ sẽ không thành một đứa trẻ tâm thần ù lì chỉ biết nhểu dãi dớt thế này. Vì sao mẹ chết? Mẹ không bao giờ trả lời tôi.
Ngón trỏ trái của tôi suýt đứt lìa, khi chính tôi băm phải nó. Tôi không chịu nổi tiếng cười của Khanh. Khi còn là người yêu của tôi, Khanh đã cười như thế.
“Con gái mà cãi cha mẹ chỉ vì một đứa con trai là loại mất nết, phải không chú?”.
Câu đó Khanh hỏi cha tôi khi cô sang đưa thiệp hồng...
Đôi mắt u sầu của cha nhìn những ngón tay băng trắng của tôi. Tôi sẽ tiện đứt những ngón tay của mình, cho đến khi bàn tay trái không còn ngón nào nữa, nếu Khanh và chồng mới cưới cứ cười vang từ nhà hàng xóm khi tôi đang làm bếp. Khanh không phải là loại con gái mất nết. Khanh rời xa tôi, vì mẹ cô muốn thế.
***
Cha bảo: “Con đã về rồi, đừng đi nữa. Nếu mai cha chết, em Bơ chỉ có mình con thôi”.
Tôi những tưởng khi chạy trốn những tiếng cười hạnh phúc của vợ chồng Khanh là tôi không còn gì ràng buộc trên đời nữa. Tôi đi vì không muốn nhìn những ngón tay trái của mình bị tiện đứt. Nhưng sau nhiều năm, khi tôi trở về, cha đã già đi rất nhiều so với tuổi của ông. Bệnh gan từ những ngày tiêu sầu bằng rượu đã hủy hoại ông. Cha vẫn giữ căn nhà gần như vẹn nguyên từ khi mẹ tôi chết. Nếu cha thay đổi, đập hết đi để dựng lên một ngôi nhà khác, có lẽ tôi đã thấy yên tâm và bình thản. Sự bảo thủ của cha càng khiến tôi đau khổ. Điều gì đã hành hạ cha mẹ tôi như vậy? Góc khuất nào đã bị bưng bít sau cái chết của mẹ tôi? Đôi khi tôi muốn đào xới tung hê tất cả một lần cho thỏa cơn đau. Đôi khi tôi lại muốn chôn chặt, muốn mãi mãi là cậu bé mười ba tuổi nắm tay đứa em nhỏ dớt dãi nhìn qua khe cửa, thấy hồn ma của mẹ bay lơ lửng giữa những dải ruy băng đỏ thắm, mà không biết vì đâu.
Tang lễ cho cha xong, tôi ngồi trong căn xép ngày xưa, nơi mẹ tôi đã tự tử. Khi tôi ra đi, cha không dặn gì, chỉ bảo: Có những người, với họ, tình yêu là bất hạnh.
Khanh đã ly hôn và bỏ đến một chân trời nào đó để làm lại từ đầu, hoặc tìm một tình yêu đã mất. Tôi không biết có bao giờ gặp lại Khanh không. Mẹ Khanh trong đám tang của cha tôi, bảo: “Nếu bác để hai đứa lấy nhau, thì bây giờ...”.
Bà khóc. Tôi không biết bà thương bản thân, hay Khanh và tôi.
Cuốn nhật ký của mẹ nằm dưới gối của em Bơ. Nhiều trang bị nhòe mực, có lẽ vì dớt dãi của đứa con gái tội nghiệp. Sao bây giờ Bơ mới đưa tôi cuốn nhật ký ấy, hay nó vốn nằm dưới gối của Bơ mười mấy năm rồi, nó chưa bao giờ bị giấu, chỉ có tôi là không thể nhìn thấy.
Tôi lật tìm trang ghi ngày mẹ tôi chết. Không có chữ nào ở đó, chỉ ở xa xôi nhiều trang khác, mẹ viết: “Mình muốn chết, vì chỉ chết đi thì tình yêu của mình cho anh và các con mới không bao giờ biến mất”.
Tôi gấp cuốn nhật ký lại, tựa lưng vào song cửa. Em Bơ tựa vào vai tôi. Em mười tám tuổi rồi, và trái tim em, tâm hồn em không bao giờ lớn.
Rất lâu tôi đã tự hỏi mình: Có thật tôi đã thấy mẹ treo cổ trên những dải ruy băng đỏ không?
Ngày mẹ chết, tôi ở quê ngoại rất xa. Người ta bảo mẹ tôi đã chết, bằng cách nào đó... Bằng cách nào đó...
Có tiếng động như gió thổi qua thềm. Tôi ngoái nhìn. Bên hàng xóm, nơi những con búp bê sứ tuổi thơ đã không còn ở đó, Khanh đang xõa tóc bay trong gió, và nhìn sang cửa sổ căn xép của anh em tôi, mỉm cười.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.