Sách mừng trăm tuổi người thiết kế Lễ đài Độc lập

05/09/2020 06:15 GMT+7

Đó là cuốn Ngô Huy Quỳnh kiến trúc sư do NXB Hồng Đức cấp phép nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (15.5.1920 - 15.5.2020).

Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (1920 - 2003) từ lâu được biết đến là người thiết kế Lễ đài Độc lập (2.9.1945). Năm 2018, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam) trân trọng đánh giá: “Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình của kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh là tác phẩm kiến trúc đầu tiên của nền kiến trúc cách mạng”. Qua cuốn sách này, bạn đọc biết được chân dung ông đa diện hơn.
Chàng sinh viên đa tài Ngô Huy Quỳnh nguyên quán thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, H.Mỹ Hào, Hưng Yên vào học khóa 10 Trường Mỹ thuật Đông Dương, khoa kiến trúc nhưng vẫn đam mê hội họa. Khi cầm cuốn sách về ông trên tay, bạn đọc cũng sẽ được thưởng lãm nhiều tác phẩm hội họa của ông, từ tranh phong cảnh thiên nhiên, danh lam thắng cảnh bằng bột màu hay sơn dầu, tranh sơn mài tĩnh vật cho đến cả chân dung tự họa cùng nhiều chân dung người thân trong gia đình…
Sách mừng trăm tuổi người thiết kế Lễ đài Độc lập1

Sách Ngô Huy Quỳnh kiến trúc sư

ẢNH: NXB HỒNG ĐỨC

Ngô Huy Quỳnh là người xây dựng nền móng cho kiến trúc Việt Nam và Hội Kiến trúc sư. Ông được coi là một cây đại thụ của ngành kiến trúc miền Bắc, một nhà lý luận uyên thâm, tác giả nhiều đầu sách gối đầu giường về kiến trúc: Kiến trúc cổ đại châu Á; Tìm hiểu Lịch sử kiến trúc Việt Nam; Xây nhà bằng vật liệu tại chỗ ở nông thôn Việt Nam vùng đồng bào ít người; Lịch sử kiến trúc Việt Nam…
Ông đã tham gia: Lập quy hoạch Hà Nội; Báo cáo Bộ Chính trị về kế hoạch cải tạo và xây mới thủ đô Hà Nội. Chính kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh cũng là người báo cáo Bộ Chính trị về tính bất khả thi của dự kiến xây khu mới của thủ đô Hà Nội ở khu vực đồi núi Xuân Hòa thuộc tỉnh Vĩnh Phú.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - ông Nguyễn Tấn Vạn, đánh giá: “60 năm cống hiến cho dân tộc, cho nền kiến trúc Việt Nam, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, một kiến trúc sư tài năng, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà giáo tiên phong, nhà quy hoạch đô thị, nhà quản lý, một nghệ sĩ, một tấm gương nhân cách đã có cống hiến xây dựng nền kiến trúc Việt Nam”.
Tên ông đã được đặt cho một đường phố thuộc Q.Long Biên, thủ đô Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.