Sách nói về Tướng Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên được xuất bản tại Mỹ

17/04/2007 10:58 GMT+7

Một cuốn sách viết về nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn của Việt Nam, được xuất bản lần đầu tiên trên đất Mỹ, được viết bởi một người Mỹ - nhà văn, giáo sư ĐH Tổng hợp California - ông Larry Berman, một chuyên gia về Việt Nam. Đó là cuốn sách mang tên Điệp viên hoàn hảo (Perfect Spy), đã ra mắt đầu tháng 4 vừa qua.

Rất tình cờ, qua một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam - ông Sedgwick D.Tourison, ngay trung tâm thành phố Arlington của bang Virgina, cạnh dòng Potomac, tôi đã được gặp giáo sư Larry Berman. Trong câu chuyện, tôi biết giáo sư Larry Berman đang sắp hoàn thành cuốn sách viết về nhà tình báo Việt Nam - tướng Phạm Xuân Ẩn. Ông Larry tiết lộ với tôi sách sẽ ra mắt bạn đọc Mỹ vào đầu tháng 4.2007.


Tác giả và giáo sư Larry Berman

Đúng hẹn, đầu tháng 4, giáo sư Larry Berman email cho tôi và cho biết, sách của ông với tựa đề “Điệp viên hoàn hảo” (Perfect Spy) đã được phát hành. Lễ ra mắt cuốn sách sự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 24.4.2007 tại Đại học Tổng hợp Johns Hopkins ở thủ đô Washington. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện thú vị với Giáo sư về cuốn sách lần đầu tiên xuất bản tại Mỹ.

Ông Larry Berman nhớ lại: vào tháng 7/2001, khi ông ở TP Hồ Chí Minh, ông được giáo sư James Reckner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam của ĐH Texas Tech mời đi ăn tối cùng với mấy người bạn Việt Nam và ông đã gặp ông Phạm Xuân Ẩn trong bữa ăn này. Vì ông Ẩn tới sau, nên khi ông đến, tất cả mọi người  đều đứng lên chào. Giáo sư James nói “chào tướng quân, chúng tôi rất hân hạnh với sự hiện diện của ông” và mọi người vui vẻ ngồi xuống. Khi ông Larry Berman giới thiệu là mình giáo sư của ĐH Tổng hợp California, đôi mắt ông Ẩn như ánh lên và ông nói: “Anh tới từ California à ? Tôi đã từng sống ở đó. Tôi từng học ở trường Cao đẳng Costa Mesa. Đó là một khoảng thời gian đẹp trong tôi”.

Trong hai giờ đàm đạo, ông Larry Berman và ông  Phạm Xuân Ẩn đề cập tới rất nhiều vấn đề, từ ngôi trường ở vùng bờ biển nên thơ, khoa báo chí mà ông Phạm Xuân Ẩn đã học, tới trường Davis mà giáo sư Larry giảng dạy bây giờ, tới  một số bang, thành phố mà ông Ẩn từng đi qua, những người mà ông Ẩn từng gặp… Nhưng suốt cả buổi tối đó, ông Ẩn không đụng tới từ nào về con người “điệp viên” của ông cũng như ông không nói với Larry Berman rằng ông là tướng Phạm Xuân Ẩn, anh hùng các lực lượng vũ trang  nhân dân Việt Nam…

Ông Larry Berman cho biết, ông đã tới Việt Nam cả thảy 18 lần, trong đó có một lần ở vào thời điểm ông sắp hoàn thành cuốn sách về các cuộc đàm phán tại Paris liên quan tới cuộc chiến Việt Nam. Sau khi gặp và biết một phần về cuộc đời hoạt động tình báo của ông Ẩn, giáo sư Larry Berman muốn “sử dụng câu chuyện về cuộc đời của điệp viên Phạm Xuân Ẩn như một cửa sổ cho sự hiểu biết về tính phức tạp của cuộc chiến tranh Việt Nam…”.  Đã ba, bốn lần ông Larry đề nghị ông Ẩn cho phép ông viết về cuộc đời  hoạt động của ông nhưng ông luôn nhận được câu trả lời “không”. Cho tới một ngày, ông Ẩn thông báo cho Larry Berman là ông đồng ý để giáo sư Larry viết về ông. Lý do ông Phạm Xuân Ẩn đưa ra là “tôi đánh giá cao những cuốn sách anh đã viết trước đó. Tôi hy vọng lớp trẻ ở Mỹ có thể hiểu thêm về cuộc chiến tranh Việt Nam qua cuốn sách anh sẽ viết về cuộc đời hoạt động của tôi”. Và ông  Ẩn cũng đưa ra điều kiện “nội dung sách chỉ được nói về những phần hoạt động đã được tôi cho phép và tôi sẽ đề nghị một số thành viên trong mạng lưới trước đây của tôi hợp tác với anh trong quá trình thu thập thông tin…”.

Ngay sau khi được sự đồng ý của ông Phạm Xuân Ẩn, giáo sư Larry Berman lập tức lao vào công việc. Cả ông và ông Ẩn đều biết rằng “quỹ thời gian sống của ông Ẩn không còn nhiều. Bệnh tật hành hạ ông và ông rất yếu”. Bản thân ông Larry cũng không thể biết được Phạm Xuân Ẩn còn có thể trụ được bao lâu nữa trước căn bệnh ung thư quái ác. Thế là 15 chuyến đi “con thoi” giữa Mỹ và Việt Nam được ông Larry tiến hành để chạy đua với thời gian. Khi ông Ẩn biết mình không còn có thể sống lâu hơn nữa, ông nói chuyện cởi mở hơn với Larry, cung cấp cho Larry thêm nhiều tình tiết thú vị liên quan tới cuộc đời hoạt động của ông. Nhiều bức ảnh quý của cá nhân ông Ẩn cũng được chuyển cho Larry. Một vài người trong Tổ tình báo của Phạm Xuân Ẩn cũng đồng ý gặp gỡ Larry, ví dụ như cô giao liên Nguyễn Thị Ba và người phụ trách trực tiếp ông Ẩn là ông Tư Cang. Đại tướng Mai Chí Thọ cũng dành thời gian nói về cuộc đời hoạt động của Phạm Xuân Ẩn với giáo sư Larry Berman. Khoảng 50 người Mỹ, những nhân vật quen biết ông Phạm Xuân Ẩn đã được ông Larry phỏng vấn. Nhiều thư viện ở Mỹ bị ông Larry “cày sới” để tìm tư liệu phục vụ cho sự ra đời của cuốn “Perfect Spy”.

Tháng 6.2006, trong buổi nói chuyện trước khi Larry Berman quay lại Mỹ, hai ông đề cập tới những vấn đề liên quan đến cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân (1968) của quân và dân miền Nam. Vì sự cuốn hút qua lời kể của ông Ẩn, cuộc gặp kéo dài gần hết buổi sáng. Cuối buổi, ông Phạm Xuân Ẩn nói: “Hôm nay tôi cảm thấy rất yếu và rất mệt. Bây giờ tôi muốn ngả lưng”. Larry hẹn sẽ gặp lại ông Phạm Xuân Ẩn vào đầu tháng 10. Cả hai người đều không biết đó là buổi gặp gỡ cuối cùng giữa hai ông vì ông Phạm Xuân Ẩn đã ra đi vào ngày 20.9.2006.

Khi cuốn sách cơ bản hoàn thành, ông Larry Berman đã tham khảo người con trai cả của Tướng Phạm Xuân Ẩn về tựa đề cuốn sách. Với những hiểu biết về người cha thân yêu của mình, anh Phạm An đã đề xuất tựa đề cuốn sách có thể là “Những người bạn và những điệp viên” (Friends and Spies) bởi “không biết vì sao, với cha tôi, bạn bè và điệp viên là những mối quan hệ mà ông xử lý không giống như bất kỳ một ai từng làm” và “ông luôn luôn đề cao sự trung thành với Tổ quốc cũng như với bạn bè. Chữ TM luôn ở trong trái tim và khối óc của ông”…

Hy vọng trong tương lai gần, bạn đọc Việt Nam sẽ được biết thêm về cuộc đời và những hoạt động bí ấn, đầy tính nhân văn, thượng tôn dân tộc của nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn qua ngòi bút của giáo sư môn Khoa học chính trị ĐH Tổng hợp California, ông Larry Berman.

Tô n Xô
(Viết từ Washington DC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.