Sách sử lỗi chồng lỗi

04/12/2017 07:04 GMT+7

Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim gần đây liên tục được tái bản. Ấn phẩm do Nhà xuất bản Văn học - Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam xuất bản năm 2017 có khá nhiều lỗi đáng tiếc.

Chẳng hạn, trong bản “Nguyễn Thị thế phổ”, đánh tên vua Gia Long là Mân. Đây là sai. Vua Gia Long chỉ có 3 tên gọi là Ánh, Noãn và Chủng. Mân là tên người em trai dưới ông. Trong cuốn sách cũng có khá nhiều lỗi về năm tháng, can chi.
Riêng trang 445, tác giả viết: “Năm 1927, ở vùng Nghệ Tĩnh có cuộc phiến động gây ra bởi Đảng Cộng sản”. Cũng trang này, lại có chú thích: Đảng Việt Minh là tên gọi tắt một đảng cách mệnh gọi là Việt Nam độc lập đồng minh do Đảng Cộng sản lập ra khi còn ở bên Quảng Tây, bên Tàu, để tránh hai chữ Cộng sản cho người ta khỏi ngờ.
Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930 và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh cũng chỉ xuất hiện sau khi Đảng Cộng sản ra đời. Cho nên không thể có phong trào Cộng sản từ năm 1927. Thứ hai, Mặt trận Việt Minh được thành lập ngày 19.5.1941 tại Cao Bằng, chứ đâu phải ở Quảng Tây. Đành rằng người xuất bản, biên tập tôn trọng quan điểm viết sử của học giả Trần Trọng Kim, nhưng dù in nguyên bản thì vẫn cần có chú thích để độc giả hiểu cho đúng.
Đất nước Việt Nam qua các đời của tác giả Đào Duy Anh là một công trình nghiên cứu Địa lý học lịch sử Việt Nam có giá trị to lớn, đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000), thế nhưng mỗi lần tái bản lại càng sai.
Đất nước Việt Nam qua các đời do Nhà xuất bản Hồng Đức - Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam xuất bản năm 2016. Tuy nhiên, toàn bộ lỗi sai trên bản do Nhà xuất bản Thuận Hóa in năm 1994 mà bản 2016 dựa vào để tái bản, cùng với lỗi nhầm lẫn của bản in lần đầu năm 1964 của Nhà xuất bản Khoa học, đều được bản 2016 tiếp nhận lại gần như toàn bộ. Chẳng hạn, bản Nhã Nam 2016, ngay trang 9, đã viết một nhân vật có tên là Nguyễn Thiên Tùng. Đây là tái bản sai, bản in lần đầu 1964 đã viết đúng là Nguyễn Thiên Túng (trang 7). Bản 2016, trang 15 viết sai “diệp thu thủy”, bản in lần đầu viết đúng “diệp du thủy”. Đây đều là kế thừa các lỗi sai từ bản in Thuận Hóa (1994).
Bên cạnh đó, bản 2016 còn có thêm một số lỗi sai khác trong quá trình biên tập như trang 25 viết sai sông Gianh ở Quảng Bình thành sông Giang; sông Gâm thì liên tục viết sai thành sông Gầm (các trang 30, 31, 33). Nhiều trang cho thấy người biên tập đã không dụng công với bản thảo khi giữ nguyên cách viết của tác giả từ hơn nửa thế kỷ trước. Ví dụ: “huyện Quế Dương và Võ Giàng tỉnh Hà Bắc ngày nay” (trang 21); “huyện Sơn Vi tỉnh Phú Thọ ngày nay” (trang 21); “làng Hạ Lôi huyện Yên Lãng tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay” (các trang 33, 42, 51)... Đành rằng, đây là nguyên bản tác giả viết, song đến nay nhiều địa danh về địa lý hành chính đã thay đổi, cần bổ cứu hay hiệu chỉnh. Khi đó, với chức năng nhiệm vụ của mình, người biên tập hoàn toàn có thể có những chú thích về địa danh hành chính ngày nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.