Đoạn phim được tung lên trang web có lời giới thiệu: “Một đoạn phim mới về vị thánh tử vì đạo bất tử: Tổng thống Saddam Hussein”.
Giới chuyên môn nhận định đoạn phim có lẽ được quay bằng điện thoại di động chỉ vài phút sau khi ông Hussein tắt thở trên giá treo cổ.
Việc nó được tung lên mạng có tác dụng như một làn sóng mới càng đẩy hình ảnh Hussein lên cao, chủ yếu từ bên trong thế giới Hồi giáo Sunni, vốn chiếm số đông trong các nước Hồi giáo Ả Rập.
Một tờ báo độc lập của Ai Cập là Al-Karama bung hình Hussein lên cả trang bìa với lá cờ Iraq ở phía sau, gọi Hussein là “người tử vì đạo Ả Rập”.
“Lúc sống, ông ấy là anh hùng, khi chết, ông ấy là người đàn ông đích thực”, một tờ báo khác của Ai Cập giựt tít như thế khi nói về cựu Tổng thống Hussein.
Những lời ca tụng kiểu như vậy một lần nữa đào sâu thêm sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Iraq và cả trong thế giới Ả Rập, giữa những người Shiite căm ghét Hussein và những người Sunni tôn sùng ông ta.
Nó đã làm chính phủ Iraq và chính phủ Kuwait, vốn bị Iraq tấn công dưới thời Hussein, nổi giận. Hôm thứ hai qua, các dân biểu Kuwait chỉ trích các nước Ả rập đã ca ngợi Hussein và yêu cầu chính phủ Kuwait xem lại mối quan hệ cũng như các hỗ trợ tài chính với những nước này.
Thủ tướng Iraq al-Maliki cũng tỏ ra giận dữ không kém trước những lời chỉ trích việc tử hình Hussein, khẳng định là ông này đã được xét xử công bằng.
Nhưng phải thừa nhận rằng kể từ khi bị lật đổ, Hussein chưa bao giờ được tôn sùng như sau khi ông bị treo cổ.
Ngay cả các nước phương Tây chống Hussein mạnh mẽ cũng đã phải lên tiếng chỉ trích án treo cổ đối với ông này cũng như cách thức thi hành cái án treo cổ đó. Chính phủ Mỹ, vốn đã trao Hussein cho chính quyền Iraq để tử hình, cũng bị lên án.
Tất cả là từ sau khi đoạn băng quay lén cảnh hành quyết Hussein đầu tiên được tung lên mạng, trong đó ghi cảnh những người thi hành án tử hình đã chửi rủa, nhục mạ ông ngay trước giây phút đưa ông vào giá treo cổ.
Đáp lại, Hussein không hề tỏ ra sợ hãi hay mất bình tĩnh. Lúc nào ông ta cũng ưỡn thẳng người và thậm chí cười khinh bỉ hỏi lại những người nhục mạ ông: “Thế này mà là đàn ông à?”.
Tất cả trái ngược hoàn toàn với tình cảnh thảm thương khi Hussein bị lính Mỹ lôi ra khỏi một cái hố, râu tóc lởm chởm, thân hình tiều tụy vào tháng 12/2003. Đó là thời điểm ông bị bắt.
Phía Mỹ đã truyền tải những hình ảnh Hussein thảm thương thế này đi khắp thế giới, khiến cho những người từng tôn sùng ông phải thất vọng. Trong những ngày tháng sau đó, báo chí Ả Rập đưa tin nhiều về những tội lỗi của chính quyền Iraq dưới thời Hussein.
Nay thì đã khác. Ngay cả những tờ báo Ả Rập từng mạnh mẽ chỉ trích Hussein cũng thừa nhận rằng ông ta đã được đông đảo người Hồi giáo tôn làm anh hùng, bất chấp những tội ác đã phạm.
Nhiều tờ báo thậm chí so sánh Hussein với một vị anh hùng được tôn sùng ở thế giới Ả Rập như là một biểu tượng chống phương Tây bất diệt: Omar al-Mokhtar, từng là thủ lĩnh của lực lượng kháng chiến chống lại quân đội Ý tại Libya. Ông này đã bị treo cổ vào năm 1931.
“5 phút oai hùng trên giá treo cổ đã làm nên huyền thoại. Hình ảnh một Saddam độc tài tàn bạo đã qua rồi, thay vào đó là một Saddam giống như Omar al-Mokhtar”, báo Al-Karama viết trong mục bình luận.
Kiều Oanh (Theo AP, Reuters)
Bình luận (0)