(TN Xuân)Đấy là một không gian thân quen đến mức khiến bạn cứ ngỡ mình đang lang thang trên đất Sài Gòn, chứ không phải ở xứ người bên kia đại dương.
1. Vùng đất ấy mang địa danh Cabramatta, ngoại ô thành phố Sydney - thủ phủ bang New South Wales (NSW) nước Úc. Cabramatta sẽ bình thường như vô số vùng đất khác bao quanh Sydney nếu không có một điều đặc biệt: nơi định cư của người Việt từ sau năm 1975. Ước tính hiện có khoảng 350.000 người Việt đang định cư trên đất Úc, trong số đó gần 50% cư ngụ ở bang NSW và tập trung đông nhất tại Cabramatta, tương tự như quận Cam (Orange County) thuộc bang California bên Mỹ.
|
Quận Cam bên Mỹ có một địa danh dính dáng đến Việt Nam: Little Saigon (Sài Gòn Nhỏ). Cabramatta cũng có một địa danh tương tự: Saigon Place (tạm dịch Khu Sài Gòn), được chính quyền sở tại chính thức công nhận và dựng cột từ trước Tết Nhâm Thìn 2012. Trước Saigon Place, báo chí ở Úc còn gọi khu vực này là Saigonmatta. Tuy mang tiếng Sài Gòn nhưng Saigon Place không phải chỉ của người Sài Gòn, mà là nơi cư trú của kiều bào xuất thân từ khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Các yếu tố về ngôn ngữ, tập quán sinh sống, tình đồng hương, quan hệ gia đình, bè bạn… đã khiến kiều bào ta tự nguyện sống chung với nhau theo cộng đồng. Chính vì yếu tố này mà khi đến Saigon Place, bạn sẽ ít khi nghe ai đó nói tiếng Anh, mà chỉ toàn giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt giống như ở Little Saigon. Saigon Place cũng có một khu thương mại mang tên Bến Thành, có điều được thêm chữ Tân phía trước: Tân Bến Thành. Nếu ra chợ Bến Thành ở quận 1, thỉnh thoảng bạn thấy có vài du khách phương Tây đi mua sắm, thì ở khu chợ của Tân Bến Thành cũng thế. Nói tóm lại, người Úc bản xứ và người nhập cư từ các nước khác đến đây chẳng khác nào đang đi du lịch… Việt Nam!
2. Không gian của Saigon Place sẽ khiến bạn mất dần khái niệm mình đang ở nước ngoài. Tại sao? Vì tiếng Việt hiện diện khắp nơi: tiệm thịt quay Minh Tâm, quán cơm bình dân Hương Việt, bún bò Huế Đông Ba, bún cá Kiên Giang, sinh tố trái cây và chè lạnh Như Ý, hủ tiếu Thanh Vân, tiệm thuốc bắc Viễn Đông, thực phẩm Á châu Liên An, bánh mì Bảy Ngộ… Trên bảng quảng cáo ở Việt Nam dùng tiếng Việt là chính, tiếng Anh là phụ, thì ở đây cũng giống như vậy. Người ta ước tính có khoảng 40% Việt kiều sống ở Cabramatta không rành hoặc không nói được tiếng Anh, đa số rơi vào trường hợp của thế hệ thứ nhất. Nhưng điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống vì mọi hoạt động dịch vụ ở đây người ta đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt.
Đến những khu chợ ở Saigon Place tạo cho bạn một cảm giác thân quen lạ lùng, giống như mình đang đi chợ Bến Thành hay chợ Bình Tây vậy. Hàng hóa ở đây đa dạng đến mức có người cho rằng còn phong phú hơn nhiều khu chợ ngay trên đất Sài Gòn. Do nước Úc không phải là Việt Nam, nên không phải lúc nào bạn bè muốn gặp nhau là được ngay, do vậy cái chợ là nơi để kiều bào gặp gỡ, hàn huyên tâm sự mỗi khi có dịp. Một số người, phần lớn ở lứa tuổi về hưu, trồng rau củ ở vườn nhà mình rồi thu hoạch, lái xe hơi mang ra chợ bày bán… trên vỉa hè. Không chỉ nông sản, có người còn nấu chè, làm bánh cho vào hộp mang ra bán, góp thêm phần sinh động cho những khu chợ vốn đông vui, náo nhiệt nhưng không xô bồ như thường thấy ở nhiều khu chợ trên đất Sài Gòn. Mục đích chính cho việc buôn bán “nhỏ lẻ”, “lặt vặt” như vậy không phải kế mưu sinh, mà như đã nói, là để có cơ hội giao tiếp với đồng hương, tìm thấy sự thân quen và phần nào đó quên đi nỗi buồn tha hương.
|
3. Ở Việt Nam hầu như lúc nào cũng nghe thấy tiếng còi xe, bất kể ngày hay đêm, nhưng ở những nước văn minh như Úc thì điều đó hoàn toàn ngược lại. Suốt một tuần lưu trú ở Sydney, tôi chẳng nghe thấy tiếng còi nào, mặc dù xe cộ rất đông. Thế nhưng khi vừa đặt chân đến Saigon Place đã nghe người ta nhấn còi. Nước Úc vốn sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự, vậy mà có khu chung cư ở Saigon Place treo bảng bằng tiếng Anh: “Please keep this place clean. Thank you”, nội dung đại loại như những tấm bảng ta thường thấy ở Việt Nam: “Yêu cầu giữ vệ sinh chung”. Tôi không biết người treo tấm bảng ấy quê gốc thuộc nước nào, chỉ biết rằng những chung cư ở khu vực này hơn 95% có người Việt sinh sống, có tình trạng xả rác và cũng phơi quần áo tùm lum y chang các chung cư ở Sài Gòn.
Hỏi thăm mới biết chưa có vụ bể hụi nào ở Saigon Place, nhưng tình trạng cờ bạc thì hình như không tránh khỏi, tuy không rầm rộ như ở Việt Nam nhưng cũng khốc liệt không kém. Ở những khu chợ của Cabramatta thường xuyên xuất hiện vài tụ điểm cờ bạc thu hút khá đông đàn ông người Việt tham gia. Chuyện đỏ đen này dẫn đến nhiều hệ lụy không vui, như khiến nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ, gia đình ly tán. Ở các phố thị của Việt Nam thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp người tâm thần lang thang trên phố, ở Saigon Place cũng có người như vậy. Thế nhưng, tuyệt nhiên không thấy người xin ăn hoặc bán hàng rong chèo kéo du khách.
|
Khi biết chúng tôi là những nhà báo từ Việt Nam sang, một chị chủ tiệm tạp hóa quê Bạc Liêu vui vẻ tiếp chuyện và đưa ra nhận xét: Việt kiều Úc bình dân hơn Việt kiều Mỹ. Tôi đã có dịp đến thăm khu người Việt ở Little Saigon bên Mỹ nên phần nào đồng cảm với lời nhận xét trên của bà chủ tiệm. Có thể hiểu chữ “bình dân” ấy theo những gì đã và đang diễn ra ngay tại Saigon Place này: họ ăn mặc, mua bán, sinh hoạt, giao tiếp, đi đứng, ăn uống bình dân đến mức y chang như những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Việt kiều Mỹ xem ra “trội” hơn hẳn về phong cách.
|
Nếu có dịp đến Sydney, bạn hãy dành chút thời gian tham quan Khu Sài Gòn ở Cabramatta để kiểm nghiệm những gì tôi viết. Cho dù đúng hay không theo cảm nhận của mỗi người, thì bạn hãy cứ tận hưởng cái không gian ấy - một không gian rất quen thuộc, rất Sài Gòn trên đất khách.
Đoàn Xuân Hải
>> Little Saigon Plaza, đầu tư cho tương lai bền vững
>> Robot Việt lên truyền hình Mỹ
>> Hàng Việt ngày càng chiếm lòng tin người tiêu dùng
Bình luận (0)