|
>> Hàng quán, cửa hàng, chợ búa Sài Gòn đìu hiu vì ngập nặng
>> Người Sài Gòn nhanh nhạy 'mở' dịch vụ... ăn theo nước ngập
>> Cận cảnh người Sài Gòn vật vã giữa biển nước
>> Cận cảnh Sài Gòn ngập, giao thông hỗn loạn, đời sống đảo lộn
>> Người Sài Gòn than trời vì mưa to, ngập nước
>> Sài Gòn ngập như miền sông nước
Ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ giải thích, đỉnh triều sáng 7.11 nếu không có mưa cũng ở mức rất cao (1,55 m). Nhưng do hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao đã gây mưa to đến rất to trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận, đẩy đỉnh triều lên 1,64 m, chỉ thấp hơn 4 cm so với đỉnh triều lịch sử xảy ra hơn 2 tuần trước. Ngoài sông, rạch mực nước dâng cao khiến nước mưa trên các tuyến đường và khu dân cư không có nơi thoát, đã gây ngập lụt rất nghiêm trọng trên nhiều quận: 2, 4, 6, 7, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức...
Lún gấp 3 lần tốc độ nước biển dâng
Trong khi đó, một nghiên cứu bằng phương pháp khảo sát, quan trắc lún tự nhiên ở khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ của TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), thực hiện cho thấy có hiện tượng lún mặt đất. Đặc biệt tại TP.HCM, lún xảy ra càng nghiêm trọng hơn vì chịu tác động của quá trình đô thị hóa và khai thác nước ngầm tràn lan.
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của dự án “Quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TP.HCM bằng kỹ thuật Insar vi phân” do Trung tâm địa tin học (ĐHQG TP.HCM) chủ trì, nhiều khu vực có tốc độ lún trung bình trên 10 mm/năm. Như ở Q.6 tốc độ lún trung bình từ 5 - 20 cm/năm, thị trấn An Lạc (Q.Bình Tân) 12 cm/năm; nhiều khu vực của các quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè cũng có tốc độ lún trung bình trên 15 mm/năm.
Nhiều nơi đang lún với tốc độ nhanh, từ 1,5 - 2 cm/năm, có nơi lên tới 3 cm/năm. Tốc độ này gấp 3 lần tốc độ dâng của mực nước biển. Kết quả nghiên cứu từ năm 1996 đến nay cho thấy, có nơi đã lún khoảng 40 cm, thậm chí ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) chỉ trong vài năm qua đã lún đến 70 - 80 cm |
||
Còn theo nhận định của Sở TN-MT TP.HCM, ngoài nguyên nhân khách quan là địa chất yếu, mặt đất đang bị biến dạng mạnh là do mực nước ở các tầng khai thác bị giảm, do quá trình phát triển đô thị... Vì vậy, dự báo đến năm 2020, nhiều khu vực ở TP tiếp tục lún thêm 12 - 22 cm.
PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu TP.HCM cũng nhìn nhận nhiều nơi đang lún với tốc độ mạnh, từ 1,5 - 2 cm/năm, có nơi lên tới 3 cm/năm. Tốc độ này gấp 3 lần tốc độ dâng của mực nước biển. Kết quả nghiên cứu từ năm 1996 đến nay cho thấy, có nơi đã lún khoảng 40 cm, thậm chí ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) chỉ trong vài năm qua đã lún đến 70 - 80 cm. Điều đáng lo là phạm vi lún ngày càng rộng hơn và tốc độ lún có thể sẽ gia tăng hơn nữa. Hậu quả sẽ khiến hệ thống thoát nước bị tê liệt, đê bao chống ngập do triều cường không phát huy tác dụng. Triều cường ngày càng lớn là biểu hiện của mực nước biển ngày càng dâng cao, trong khi đó Sài Gòn lại ngày càng lún.
Khai thác nước ngầm tràn lan
Theo các chuyên gia môi trường, hiện tượng sụt lún mặt đất gia tăng một phần quan trọng do không kiểm soát được nạn khai thác giếng ngầm tràn lan, đặc biệt là các giếng khoan công nghiệp. Số liệu thống kê của Sở TN-MT cho biết, TP hiện có hơn 200.000 giếng khoan với tổng công suất khai thác trên 1 triệu m3/ngày đêm, gấp 5 lần so với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, xác nhận năm 1999 TP.HCM mới có gần 96.000 giếng khai thác nước ngầm, mật độ trung bình 46 giếng/km2. Chỉ hơn 10 năm đã có thêm hơn 100.000 giếng, chứng tỏ tình trạng lạm dụng khai thác nước ngầm đã đến mức báo động, khiến mực nước ngầm bị hạ thấp nhanh chóng, tăng sụt lún ở nhiều nơi.
Cụ thể hơn, PGS-TS Nguyễn Việt Kỳ (ĐH Bách khoa TP.HCM) phân tích, mặt đất có 7 tầng chứa nước, trong đó 3 tầng đang được tập trung khai thác khiến mực nước suy giảm mạnh, nguy cơ cạn kiệt và sụt lún bề mặt nghiêm trọng, ranh giới mặn tiến sâu vào đất liền. Chỉ tính riêng tầng Pliocen trên (1 trong 3 tầng nước ngầm đang được tập trung khai thác), hệ số sử dụng nước ngầm năm 2000 là 0,3 đã tăng lên 0,36 vào năm 2006. “Đây là hệ số sử dụng rất lớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cạn kiệt và suy thoái tầng chứa nước này”, PGS-TS Nguyễn Việt Kỳ chỉ rõ.
Còn theo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), con số giếng khoan trên thực tế có thể lớn hơn nhiều so với hơn 200.000 giếng đã công bố vì nhiều khu vực đã có nước máy nhưng người dân vẫn khai thác nước ngầm sử dụng. Có thể kể đến như khu vực P.Bình Hưng Hòa (Bình Tân), Q.8, H.Bình Chánh…
Các chuyên gia cho rằng nếu ngưng khai thác nước ngầm từ bây giờ thì hy vọng vài chục năm nữa tình trạng lún sẽ giảm. Trường hợp của Bangkok (Thái Lan) là bài học mà VN cần phải nghiên cứu. Họ đã ngưng khai thác nước ngầm gần 20 năm qua nên hiện nay mức độ lún đã ổn định và đang đi ngang.
TS Lê Văn Trung, Giám đốc Trung tâm địa tin học, từng kiến nghị UBND TP.HCM khẩn trương có biện pháp cấm và hạn chế khai thác nước ngầm, lập bản đồ phân vùng cấm, xác định lại chuẩn cốt nền để phục vụ các công trình xây dựng trước thực trạng biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cũng cho rằng cần có những giải pháp công trình như hồ điều tiết nước, các công trình tích trữ nước mưa, nước mặt dưới dạng hồ chứa, kênh đào... để từ đó cho nước thấm trở lại vào các tầng nước ngầm.
Chí Nhân - Đình Mười
Bình luận (0)