Tên của cuộc tọa đàm là “Sài Gòn – ngõ ghét đường thương” nhưng cho đến cuối cùng, người ta chỉ thấy những tình yêu lộng lẫy với Sài Gòn, có ghét thì cùng trở thành thương…
Với nhà văn Bùi Chí Vinh – tác giả bộ truyên Ngũ quái Sài Gòn nổi tiếng, anh xem Sài Gòn như người thân, nhà báo Trác Thúy Miêu lại ví Sài Gòn như người tình và hơn 200 bạn trẻ khác giữ Sài Gòn trong tim với nhiều tình cảm khác nhau. Nhưng điểm chung của những con người đến đây đều muốn gìn giữ những vẻ đẹp của Sài Gòn – Hòn ngọc viễn đông một thời.
Sài Gòn hào hiệp, nghĩa khí
Nhà văn Bùi Chí Vinh trải lòng những ký ức về Sài Gòn, mảnh đất mà anh sinh ra và lớn lên: “Tôi sinh ra dưới chân cầu Công Lý, mẹ tôi một nách kẹp ba con vì ba đi tù do làm cách mạng. Tuổi thơ lưu động nên mọi ngóc ngách Sài Gòn hầu như tôi đều biết.
tin liên quan
Người giữ những nghề 'xưa cũ' Sài Gòn: Người dịch thư thuê cuối cùngHỏi ông, ngồi đây có phải trả tiền thuê chỗ hay đóng phí gì không? Ông cười: “Tôi là ngôi sao sáng của Bưu điện Thành phố. Tôi làm ở đây đã 70 năm. Không phải đóng tiền gì cả”.
|
Nhà văn chia sẻ thêm, dân Sài Gòn có tình hào hiệp, nghĩa khí nên anh lấy đó là cảm hứng để viết bộ truyện Ngũ quái Sài Gòn: “Tính cộng đồng ở Sài Gòn ngày xưa rất lớn, ngay cả cướp giật xảy ra rất ít. Nếu có cướp thì cướp của người giàu, rất nghĩa khí, cho lại người nghèo”. Sài Gòn ngày xưa là như vậy, không ai lấy của ai cả, đa số mọi người được giáo dục cao nên quốc tế nhìn về Sài Gòn như Hòn ngọc viễn đông, không phải là sự xa hoa mà là biểu tượng giá trị tinh thần.
Tức dân Sài Gòn cư xử với nhau có văn hóa, có văn minh hơn là vật chất vì Sài Gòn khi ấy không lớn hơn những thành phố trên thế giới mà nó có sự tinh túy, ở lối sống của con người”.
Vào Sài Gòn từ năm 1978, nhà báo Trác Thúy Miêu giữ những nét hình về Sài Gòn với những cuộc trở mình mạnh mẽ: “Tôi nhìn Sài Gòn như nhìn ngắm một cơ thể đang phân hủy. Vẫn thấy được hơi ấm, những vết vàng son của một nền văn minh cao nhưng Sài Gòn đang phân rã và đồng hóa. Nó tạo nên một cảm giác như ta ra ngoài đường, ngó cái lưng của thiếu nữ là đủ tương tư tới sáng. Nhưng đừng bao giờ chạy lên mà dòm mặt vì sẽ hết hồn. Sài Gòn khi tôi sinh ra, chỉ kịp ngó cái lưng của cô gái đẹp vì vậy mà gây tương tư. Chắc chắn suốt cuộc đời này, tôi sẽ không bao giờ nắm được bàn tay của người đẹp ấy nhưng nó mang một tình yêu uất ức và tôi ghi ơn Sài Gòn bởi những năm tháng phân rữa đã làm nên con người văn chương của tôi hiện tại”.
|
Sài Gòn – nhân tình hay người thân?
Khi nói đến hình ảnh Sài Gòn trong tim mỗi người, nhà văn Bùi Chí Vinh ví đó là người thân máu mủ. Và vì là người thân nên anh cảm thấy đau, thấy xót bởi những nét đẹp đã tàn lụi của một ‘đô trưởng’ ngày cũ: “Tôi xem Sài Gòn như một người thân, chính vì thế mà tôi bị tổn thương bởi những mất mát sau giải phóng. Không phải vì do số người nhập cư ồ ạt mà vì người ta đồng hóa Sài Gòn như bao thành phố khác. Sài Gòn xưa có tính cách, độc lập, đó là đô trưởng riêng có bản sắc dẫn dắt toàn bộ nam bộ”.
Khác với nhà văn Bùi Chí Vinh, nhà báo Trác Thúy Miêu bắt gặp Sài Gòn là một người đàn bà, khiến chị phải yêu, phải đắm say: “Yêu Sài Gòn, tôi phải chuyển giới vì Sài Gòn như một người đàn bà. Người đàn bà điệu đà, dễ dãi, phóng túng, đầy son phấn. Những đó là người đàn bà đẹp, có quá khứ khiến ai cũng phải lòng, tương tư và muốn khống chế phải biết quá khứ đó. Phải biết cô ta từng đẹp, lộng lẫy và là nữ nhân con nhà gia giáo để ta vừa yêu, vừa nể, vừa ghiền”.
|
Với bạn Vân, một khán giả đến buổi tọa đàm chia sẻ, Sài Gòn như người mẹ vì khi đi du học, bạn nhớ nhất là những món ăn Sài Gòn: “Ngày xưa hai mẹ con mình đi bán vé số, thiếu thốn. Khi đó, mọi người góp lòng, góp gạo mà giúp đỡ nên mình nhớ mãi. Sau này đi xa, có điều kiện sống tốt vẫn nhớ đồ ăn ở Sài Gòn. Cứ ra đường là không sợ đói dù là ban sáng hay lúc nửa đêm”.
Trong ký ức của nhiều người, những đêm ngồi giữa chợ Tân Định hì hụp ăn một bát cháo sườn hay dựa tường ở quán cà phê Âm Phủ đã là những vệt nhớ ngoay ngoắt mà dẫu có đi đến đâu, làm gì cũng không thể nào phôi pha được.
|
Phải biết kỳ thị và nổi giận
Bàn về những thứ khiến người ta dễ ghét ở Sài Gòn, nhà báo Trác Thúy Miêu ví đó như cuộc tình có biến cố, giận phần nhiều cho sự dễ dãi của người Sài Gòn: “Chúng ta phải biết kỳ thị để chống việc pha loãng máu Sài Gòn. Người Sài Gòn phải biết nổi giận, không ai mang áo mưa rửa chân giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ, đừng mang rác hành vi từ quê hương vứt vào nơi mình sống sau này. Đừng tự biến mình thành dị vật, con vi trùng hủy hoại thân thể Sài Gòn. Kỳ thị không phải một thái độ xấu mà cần nó để giữ một Sài Gòn đẹp. Chưa có cuộc chiến nào dữ dội như những năm gần đây, khi người ta xuất bản cuốn sách về Sài Gòn, nói về lối sống dân Sài Gòn. Vì chúng ta tha thiết thành phố này và từ sâu trong lòng là cơn giận để tạo lập rào chắn chống lại những thói xấu”.
Khi được chia sẻ câu chuyện riêng của mình, nhiều bạn đã kể về Sài Gòn với tình yêu, với sự mát lòng bởi “Tôi thấy một chiếc xe buýt bị hư máy giữa ngã tư hàng xanh. Mưa to, nhưng mọi người xuống xe cùng nhau đẩy cho chiếc xe vào lề để đường phố thông thoáng” hay “Hôm nọ em đi lên cầu Nguyễn Văn Cừ chết máy. Em con gái nên tự thấy bi kịch, may sao có chú xe ôm đẩy giúp em qua cầu. Em tính gửi chú tiền cảm ơn thì chú bảo ‘Mày làm gì vậy? Tao cần tiền của mày chắc’ rồi chạy luôn”.
Những câu chuyện về lời nhắc “Em ơi gạc chân chống”, những hình ảnh bánh mì miễn phí, trà đã miễn phí giữa trưa trời oi bức cứ thế tiếp diễn. Mọi người kể hoài không hết câu chuyện về những điều đẹp đẽ ở Sài Gòn.
Trong 250 người tham dự, có người nói giọng đặc miền Trung, miền Bắc, có những người nước ngoài nhưng điểm nối kết cuối cùng với họ lại là tình yêu Sài Gòn – thành phố mà sau buổi tọa đàm, mọi người tự hứa sẽ gìn giữ những nét đẹp, sự văn minh của thời vàng son – Hòn ngọc viễn đông ngày ấy.
tin liên quan
Những gánh xôi xuyên thế kỷ ở Sài GònĐôi khi món ăn bình dị như xôi mà ăn hoài không biết ngán. Nhắc đến xôi, dân sành ăn Sài thành chắc phải kể đến hàng trăm câu chuyện về đủ thể loại xôi.
Bình luận (0)